Trang

Chín mé là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Chín mé là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Khương Thanh Văn
Thẩm định nội dung bởi

Bác sĩ Khương Thanh Văn

Chuyên khoa: Da liễu

Bác sĩ Khương Thanh Văn, chuyên khoa Da liễu tại Công ty Thế Giới Sắc Đẹp, hiện là bác sĩ kiểm duyệt bài viết của Nhà thuốc An Khang.

Áp xe đầu ngón tay là bệnh lý phổ biến gây ra nhiều khó chịu và phiền toái cho người bệnh. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Vậy áp xe đầu ngón tay là gì? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!

Xem nhanh

1. Chín mé (áp xe đầu ngón tay) là gì?
2. Dấu hiệu của bệnh chín mé
3. Nguyên nhân gây bệnh chín mé
  • Do vi khuẩn
  • Do những chấn thương ở đầu ngón tay
4. Biến chứng nguy hiểm của bệnh chín mé
5. Cách chẩn đoán bệnh chín mé
  • Khám lâm sàng
  • Xét nghiệm
6. Khi nào cần gặp bác sĩ?
  • Dấu hiệu cần gặp bác sĩ
  • Nơi khám chữa bệnh uy tín
7. Các phương pháp chữa chín mé
  • Giai đoạn đầu (áp xe chưa kịp hình thành)
  • Giai đoạn sau (áp xe đã phát triển)
  • Giai đoạn chăm sóc sau điều trị
8. Phòng ngừa chín mé
9. Chuyên khoa:
10. Nhóm bệnh:
11. Triệu chứng:
Promote tặng coupon cho khách lần đầu

1Chín mé (áp xe đầu ngón tay) là gì?

Chín mé hay còn gọi là áp xe đầu ngón tay là hiện tượng nhiễm trùng xảy ra ở vùng đốt xa của ngón tay, đặc biệt là vùng đầu các ngón. Nhiễm trùng này có thể lan rộng, tạo thành túi mủ, gây đau đớn cho người bệnh hoặc thậm chí có thể ăn sâu gây ảnh hưởng các khớp ở vùng lân cận.

Cùng với viêm quanh móng, áp xe đầu ngón tay là một trong những bệnh nhiễm trùng thường gặp nhất ở vùng bàn ngón tay, chiếm đến 33.33% trong tổng số ca.[1]

Áp xe đầu ngón tay là hiện tượng nhiễm trùng xảy ra ở vùng đốt xa của ngón tay

Áp xe đầu ngón tay là hiện tượng nhiễm trùng xảy ra ở vùng đốt xa của ngón tay

2Dấu hiệu của bệnh chín mé

Nếu mắc bệnh chín mé, đầu ngón tay của bạn sẽ đỏ và sưng tấy, khi sờ vào cảm thấy nóng. Đây chính là dấu hiệu viêm cấp tính ở vùng da này. Ngoài ra, chính phản ứng viêm cũng sẽ sản sinh ra nhiều hoạt chất trung gian làm xuất hiện các triệu chứng toàn thân mà điển hình nhất là sốt.

Khi tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, một túi mủ có thể được hình thành, chèn ép vào các mô và các đầu mút thần kinh xung quanh gây đau nhiều và giới hạn vận động vùng ngón tay bị bệnh.[1]

Sưng đỏ, phù nề đầu ngón tay là triệu chứng chính của bệnh chín mé

Sưng đỏ, phù nề đầu ngón tay là triệu chứng chính của bệnh chín mé

3Nguyên nhân gây bệnh chín mé

Do vi khuẩn

Đây được xem là nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh chín mé. Vi khuẩn có thể theo một vết xước nhỏ hoặc vết nứt ở vùng đầu ngón, vượt qua hàng rào bảo vệ của cơ thể, phát triển, nhân lên và bắt đầu gây viêm nhiễm các mô xung quanh.

Hai tác nhân thường gặp nhất gây nên bệnh lý này chính là Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) và Streptococcus (liên cầu khuẩn).[1]

Tụ cầu vàng là vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất

Tụ cầu vàng là vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất

Do những chấn thương ở đầu ngón tay

Bên cạnh tác nhân vi khuẩn, một số chấn thương ở vùng đầu ngón tay cũng có thể gây ra bệnh chín mé. Chúng có thể trực tiếp làm tổn thương các mô hoặc cũng có thể gián tiếp tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập hơn.

Một vài nguyên nhân trong nhóm này có thể kể đến là các mảnh vụn ghim vào đầu ngón, các vết cắt, vết trầy xước, côn trùng cắn, vết thương đâm thủng hoặc thậm chí là thứ phát từ nhiễm trùng móng không điều trị.[1]

Chấn thương bàn tay cũng là nguyên nhân gây chín mé

Chấn thương bàn tay cũng là nguyên nhân gây chín mé

4Biến chứng nguy hiểm của bệnh chín mé

Chín mé là một bệnh lý viêm nhiễm ngoài da không quá hiếm gặp trong cộng đồng. Tuy nhiên, do chủ quan, nhiều người vẫn còn lơ là và chưa quan tâm điều trị một cách đúng đắn.

Chính điều này có thể đẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm về sau, vì bản chất của chín mé là một bệnh nhiễm trùng và nó hoàn toàn có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng như mọi nhiễm trùng khác trong cơ thể.

Nếu không điều trị đúng cách và can thiệp kịp thời, chín mé có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm xương, viêm bao hoạt dịch, viêm khớp hoặc nhiễm khuẩn huyết, có thể gây ra tử vong.[1]

Nhiễm trùng huyết là biến chứng nặng nề của bệnh chín mé

Nhiễm trùng huyết là biến chứng nặng nề của bệnh chín mé

5Cách chẩn đoán bệnh chín mé

Khám lâm sàng

Chín mé có thể được chẩn đoán một cách dễ dàng thông qua thăm khám vùng đầu ngón tay người bệnh. Các dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, đau hay túi mủ chính là những chỉ điểm cho bệnh lý này.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể khai thác thêm về tiền sử chấn thương, tiếp xúc với côn trùng, tình trạng viêm nhiễm trong quá khứ để có cái nhìn toàn diện hơn về bệnh lý. Bên cạnh đó, đo thân nhiệt cũng thường được thực hiện nhằm kiểm tra tình trạng sốt.

Xét nghiệm

Bên cạnh thăm khám lâm sàng, để thuận lợi hơn cho quá trình điều trị, các bác sĩ cũng có thể đề nghị làm thêm một số xét nghiệm như siêu âm phần mềm vùng đầu ngón tay nhằm xác định giai đoạn, kích thước, mức độ xâm lấn các cơ quan lân cận của khối áp xe.

Ngoài ra, công thức máu, định lượng CRP cũng có thể được chỉ định để đánh giá tình trạng viêm và các xét nghiệm chức năng gan, thận cần thiết trong việc gợi ý sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân.[1]

Xét nghiệm máu giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân

Xét nghiệm máu giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân

6Khi nào cần gặp bác sĩ?

Dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Như trên đã đề cập, tuy chín mé không phải là một bệnh lý quá nguy hiểm nhưng nếu chủ quan, người bệnh hoàn toàn có thể gặp những biến chứng vô cùng nghiêm trọng. Chính vì vậy, hãy liên hệ ngay với một cơ sở y tế uy tín để được quản lý và điều trị bệnh nếu phát hiện một trong những dấu hiệu sau:[1]

  • Vùng đầu ngón tay sưng, nóng, đỏ, đau nhiều ngày không khỏi.
  • Viêm nhiễm vùng đầu ngón kèm theo sốt cao, lạnh run, lừ đừ, môi khô, lưỡi bẩn, túi mủ to, gây đau đớn nhiều.
  • Đau nhức các vùng xương và khớp lân cận.
  • Giới hạn vận động hoặc không thể cử động các khớp.

Khi ngón tay phù nề và sưng tấy thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay

Khi ngón tay phù nề và sưng tấy thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay

Nơi khám chữa bệnh uy tín

Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn có thể đến ngay các cơ sở y tế gần nhất, các bệnh viện chuyên khoa Da liễu. Hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào tại địa phương để được thăm khám kịp thời.

Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:

  • Tại TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
  • Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh Viện Việt Pháp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

7Các phương pháp chữa chín mé

Giai đoạn đầu (áp xe chưa kịp hình thành)

Trong giai đoạn này, khi các túi mủ chưa hình thành, chín mé hoàn toàn có thể điều trị ngoại trú bằng kháng sinh đường uống kết hợp với các thuốc giảm đau, kháng viêm và những thuốc làm giảm triệu chứng khác.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể hướng dẫn người bệnh rửa vết thương thường xuyên với nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn y tế và kê cao vùng ngón tay bị bệnh. Trong trường hợp ngón tay có vết thương đâm xuyên hoặc vết cắt, vết trầy xước, tiêm phòng uốn ván cũng sẽ là một chỉ định không thể thiếu.

Giai đoạn sau (áp xe đã phát triển)

Vào giai đoạn áp xe đã phát triển, lúc này bác sĩ cần phải tiến hành dẫn lưu mủ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, người bệnh sẽ không cần quá lo lắng vì trước khi thực hiện rạch ổ áp xe, vùng ngón tay sẽ được đảm bảo vô cảm hoàn toàn bằng thuốc gây tê.

Nếu không quá nghiêm trọng, cuộc tiểu phẫu có thể chỉ diễn ra trong vòng 30 phút và người bệnh có thể hoàn toàn được điều trị ngoại trú ngay sau đó với lịch tái khám định kì.[1]

Giai đoạn chăm sóc sau điều trị

Sau khi được rạch áp xe và dẫn lưu mủ, vùng vết thương sẽ được bác sĩ băng cẩn thận với gạc y tế và ngón tay này cũng sẽ được cố định lại nhằm hạn chế cử động. Bệnh nhân có thể sẽ được yêu cầu tái khám mỗi ngày, lúc này các bác sĩ sẽ tháo băng, kiểm tra vết thương và rửa vết thương với dung dịch sát khuẩn y tế.

Việc này sẽ được thực hiện mỗi ngày cho đến khi vết thương lành hẳn. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm một số thuốc giảm đau, kháng viêm và kháng sinh giúp hỗ trợ cho quá trình điều trị được nhanh chóng và hiệu quả hơn.[1]

Thuốc kháng sinh thường dùng để kết hợp điều trị bệnh chín mé

Thuốc kháng sinh thường dùng để kết hợp điều trị bệnh chín mé

8Phòng ngừa chín mé

Chín mé hay áp xe đầu ngón tay là một bệnh lý tương đối thường gặp nhưng cũng không quá khó để phòng ngừa. Các biện pháp đều vô cùng đơn giản và hầu như có thể thực hiện được bởi bất kì ai, có thể kể đến là:[1]

  • Giữ vệ sinh tay bằng cách thường xuyên rửa tay đúng cách với xà phòng và nước sạch.
  • Sử dụng găng tay bảo hộ khi tiếp xúc với các vật liệu nguy hiểm như mảnh thủy tinh, mảnh kim loại hoặc các vật sắc nhọn.
  • Khử khuẩn đầu ngón tay bằng cồn trước khi thực hiện chích ngón tay để xét nghiệm máu tại nhà.
  • Điều trị đúng cách và triệt để nhiễm trùng móng và vùng lân cận.

Để phòng tránh bệnh chín mé thì bạn nên thường xuyên rửa tay với xà phòng

Để phòng tránh bệnh chín mé thì bạn nên thường xuyên rửa tay với xà phòng

Nguồn 
https://www.nhathuocankhang.com/benh/ap-xe-dau-ngon-tay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét