Tắm nước quá nóng, tập thể dục quá hăng hái sẽ tạo gánh nặng lên tim mạch, dễ gây hại cho sức khỏe, dẫn tới nguy cơ đột tử, đặc biệt với người có bệnh nền.
Vào mùa đông, một số ngày có sự chênh lệch nhiệt độ khá lớn. Nếu không điều chỉnh nếp sinh hoạt, nhiều người, đặc biệt các cá nhân có bệnh nền, dễ trải qua tác động xấu tới sức khỏe, thậm chí tử vong.
"Vào tháng 12, tiếng xe cứu thương liên tục vang trên đường, bệnh nhân không ngừng được đưa vào phòng cấp cứu. Nhiều người đã qua đời trước khi tới bệnh viện", bác sĩ Lưu Tuấn Đình (Bệnh viện Đại học Y Trung Quốc) cho hay.
Theo China Times, vào mùa đông, số lượng bệnh nhân tim mạch cao hơn ít nhất 50% so với mùa hè. Tình hình nghiêm trọng hơn khi có đợt lạnh đi qua, chủ yếu do sự chênh lệch nhiệt độ lớn.
Bác sĩ Lưu cho biết nguyên nhân dẫn đến đột tử chủ yếu do bất ổn tim mạch, khoảng 70% trong số đó là nhồi máu cơ tim, còn lại bao gồm bóc tách động mạch chủ, rối loạn nhịp tim…
Nhiệt độ không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn tới đột tử nhưng sự chênh lệch nhiệt độ là yếu tố thúc đẩy nguy cơ này. "Các nghiên cứu cho thấy chênh lệch nhiệt độ từ 5 đến 10 độ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là những ngày đầu khi đợt rét đậm ập đến. Cơ thể chưa kịp thích nghi nên đây là thời điểm dễ dẫn tới đột tử nhất", bác sĩ Lưu giải thích.
Bởi vậy, để đảm bảo sức khỏe, người dân cần thay đổi nếp sinh hoạt để thích ứng với mùa đông.
Đầu tiên, không tắm nước quá nóng, không để thân nhiệt lúc tắm và khi kết thúc quá chênh lệch. Ngày 22/12, một người đàn ông Trung Quốc bất tỉnh khi đang tắm. Bác sĩ cảnh báo, ngay cả với những người khỏe mạnh, nếu chênh lệch nhiệt độ trước và sau khi tắm lớn hơn 5 độ, nguy cơ bất ổn tim mạch có thể xảy ra.
"Phần Lan đã tiến hành nghiên cứu về các trường hợp đột tử ở người trẻ tuổi và phát hiện khi chênh lệch thân nhiệt giữa lúc tắm và sau đó cao, mối nguy đột tử sẽ tăng gấp đôi", bác sĩ Hồng Vĩnh Tường cho hay. Vị bác sĩ Trung Quốc cũng đề xuất, phòng tắm nên trang bị thiết bị sưởi. Thân nhiệt giữa lúc tắm và khi mặc quần áo không được chênh lệch quá nhiều.
Bác sĩ Lưu nhấn mạnh không nên để nhiệt độ nước tắm quá nóng: "Nếu nhiệt độ nước quá cao, cơ thể sẽ khó thích nghi, mạch máu co lại, làm tăng gánh nặng cho tim và dễ dẫn đến đột tử".
Các chuyên gia còn gợi ý, bạn nên rửa tay chân bằng nước nóng trước, đợi đến khi cơ thể thích nghi với nhiệt độ rồi mới tắm toàn thân. Sau khi tắm, lau khô cơ thể và không bước chân trần ra khỏi WC.
Ngoài việc tắm, bác sĩ Lưu nhắc nhở rằng tập thể dục quá sức trong mùa đông lạnh giá cũng rất nguy hiểm. "Đối với những người chưa được rèn luyện thời gian dài, chẳng hạn như đột ngột tham gia chạy marathon hoặc leo núi, ngay lập tức sẽ gây gánh nặng đáng kể cho tim và phổi, dễ gây ngừng tim", ông nói. Tuy nhiên, ngay cả những người đã tập thể dục cường độ cao thời gian dài cũng không an toàn tuyệt đối trong mùa đông.
Người đàn ông đột tử vào sáng sớm, bác sĩ đưa ra '5 không' khi trời lạnh
TRUNG QUỐC - Từ trường hợp đột tử vào sáng sớm mùa đông, bác sĩ cảnh báo những chi tiết nhỏ trong sinh hoạt có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe.
Mới đây, một người đàn ông Trung Quốc đã qua đời đột ngột vào sáng sớm 19/12 ở tuổi 56. Nguyên nhân cái chết là nhồi máu cơ tim cấp nghi do thời tiết lạnh. Trước đó, nam bệnh nhân không có biểu hiện bất thường.
Theo China Times, chuyên gia chăm sóc tích cực Hoàng Hiên đã đưa ra 5 lưu ý để tránh nguy cơ gặp bất ổn sức khỏe vào mùa lạnh:
Không đột ngột rời khỏi chăn
Vào mùa đông, bạn hãy từ từ thức dậy, không vội vã ra khỏi giường. Nếu bạn đột nhiên cởi bỏ lớp chăn ấm để cơ thể tiếp xúc ngay với không khí lạnh mà không có sự phòng vệ, lưu thông máu sẽ bị ảnh hưởng, mạch co lại dẫn đến tăng nguy cơ tử vong đột ngột. Bạn nên khoác áo ấm luôn để tránh đột tử do chênh lệch nhiệt độ quá lớn sau khi ra khỏi chăn.
Không để cơ thể ngấm khí lạnh sau khi tắm nước nóng
Tắm nước nóng trong thời tiết lạnh đem lại cảm giác khoan khoái. Tuy nhiên, khi bạn bước ra khỏi nguồn nước nóng, cơ thể không có sự bảo vệ nào. Những giọt nước nóng trên da tiếp xúc với không khí lạnh buốt sẽ gây hại cho cơ thể. Bởi vậy, hãy đảm bảo phòng tắm đủ ấm, để khăn gần nơi tắm để có thể lau sạch những giọt nước đọng và nhanh chóng mặc quần áo.
Không để tai và cổ lạnh
Khi mặc quần áo vào mùa đông, mọi người thường hay bỏ qua một số bộ phận. Đôi tai mỏng và thiếu độ ấm của lớp mỡ dày trong cơ thể, cổ tập trung nhiều dây thần kinh giao cảm, mạch máu nhỏ ở đầu và cơ thể. Một chiếc khăn quàng cổ và bịt tai có thể đảm bảo sức khỏe cho bạn, tránh những biến cố sức khỏe.
Không mặc quá ít lớp quần áo
Có bệnh nhân đột tử tim được cấp cứu khi trên người chỉ mặc 1 áo phông và 1 áo khoác. Vào mùa đông, bạn nên áp dụng phương pháp mặc áo kiểu bánh sandwich. Theo đo, lớp áo trong cùng có tác dụng thấm mồ hôi, áo len ở giữa để giữ nhiệt, lớp áo khoác ngoài cùng có tác dụng chống gió, chống thấm nước. Nếu mặc không đúng cách, cơ thể dễ bị giảm thân nhiệt, ảnh hưởng sức khỏe tim mạch.
Không tập thể dục khi chưa khởi động
Nhiều trường hợp đột tử khi tập thể dục do một số nguyên nhân như không khởi động, dừng đột ngột khi đang tập cường độ cao, ở trong môi trường thiếu oxy trên núi cao.
Ở người bình thường, khi vận động gắng sức, cung lượng tim (lượng máu được tim bơm đi mỗi phút) tăng gấp 6-7 lần so với trạng thái nghỉ ngơi để có thể đáp ứng đủ lượng oxy cần thiết cho cơ thể. Đồng thời lưu lượng máu đến cơ cũng tăng lên.
Khi môi trường bên ngoài lạnh, mạch máu sẽ xuất hiện phản xạ chống cự và co lại. Nếu việc vận động diễn ra đột ngột, lượng máu về tim chắc chắn sẽ không đủ, có thể dẫn đến nguy cơ đột tử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét