Trang

Dấu hiệu mắc phì đại tuyến tiền liệt

Tiền Phong Online:
06:03 | 26/05/2011

Dấu hiệu mắc phì đại tuyến tiền liệt

> Hoa thiên lý làm giảm chứng phì đại tuyến tiền liệt
> Bệnh đàn ông

Tuyến tiền liệt là tuyến nội tiết sinh dục nam giới, nằm dưới đáy bàng quang và sau niệu đạo. Chức năng chính của tuyến tiền liệt là tiết ra 1 chất dịch, hoà lẫn với tinh dịch tạo thành một phần của tinh dịch. Chất dịch này bảo vệ tinh dịch chống lại các tác nhân gây bệnh giúp cho tinh trùng hoạt động thuận lợi hơn và tạo điều kiện cho sự thụ thai trở nên dễ dàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Khi mới sinh, tuyến tiền liệt có kích thước bằng hạt đậu Hà Lan. Tuyến này tiếp tục phát triển cho đến khi 20 tuổi, có kích thước 15-20g. Giai đoạn tuổi từ 30-45 kích thước tuyến tiền liệt duy trì ổn định 20g. Giai đoạn từ 45 tuổi trở lên tuyến tiền liệt phát triển không ổn định, kích thước dần phình to (phì đại tuyến tiền liệt). Mức độ phì đại tuyến tiền liệt ở mỗi người khác nhau, bình thường ở mức 20g tăng thêm từ 30-80g, cũng có người 100 - 200g.

Nguyên nhân gây phì đại tuyến tiền liệt, do rối loạn nội tiết tố sinh dục nam; do lối sống như: uống ít nước, ăn nhiều chất béo, sử dụng nhiều chất kích thích (thuốc lá, cà phê...). Ngoài ra, những người sống trong môi trường ô nhiễm, người mắc bệnh đường tiết niệu (viêm bàng quang), đái tháo đường, tiền sử gia đình có người bị phì đại tuyến tiền liệt...có nguy cơ dễ mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt. Điều đáng nói, khi bị phì đại tuyến tiền liệt nhiều người không biết dấu hiệu của bệnh, ít chú ý tới những thay đổi bất thường khi đi tiểu. Sau đây là những dấu hiệu của bệnh:

Tiểu tiện khó: Khi có cảm giác buồn đi tiểu nhưng phải đứng một lúc trong nhà vệ sinh mới đi tiểu được, dòng nước tiểu nhỏ, cảm giác tiểu tiện không có lực, có lúc đái rắt.

Tiểu són: Nước tiểu tự bài tiết không thể kiềm chế khi ngủ. Nhiều trường hợp ban ngày cũng xuất hiện tình trạng tiểu són.

Tiểu ngắt quãng: Bệnh phì đại tuyến tiền liệt thường đi kèm với sự hình thành của sỏi bàng quang, làm cho quá trình đi tiểu đột nhiên bị ngắt quãng. Các triệu chứng trên sẽ nặng hơn nếu gặp lạnh hay do thường xuyên uống rượu bia hoặc sử dụng thuốc chống cholinergic và thuốc thần kinh.

Đi tiểu nhiều lần: Số lần đi tiểu ban ngày thường tăng lên 3-4 lần so với mức bình thường, 2-3 lần vào ban đêm. Khoảng cách giữa 2 lần đi tiểu ngắn, lúc nào cũng có cảm giác buồn đi tiểu.

 Tuyến tiền liệt bị phì đại
Tuyến tiền liệt bị phì đại.

Ngoài những dấu hiệu điển hình trên, để chẩn đoán chính xác người bệnh nên đến cơ sở y tế để các bác sĩ siêu âm bướu tuyến tiền liệt đo độ nhô của tiền liệt tuyến và lượng nước tiểu tồn lưu. Dùng phương pháp PSA để biết đó là bướu lành hay ác tính.

Mặc dù, phì đại tuyến tiền liệt không quá nguy hiểm và có nhiều loại thuốc giúp cải thiện đáng kể tình trạng rối loạn đi tiểu của người bệnh, cũng như có nhiều phương pháp can thiệp nhưng cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời tránh những biến chứng như: Sỏi bàng quang, nhiễm trùng niệu tái đi tái lại, bí tiểu mạn tính, suy giảm chức năng thận... và có thể suy thận. Do vậy, khi thấy những dấu hiệu của bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa được khám và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Trọng
Theo Sức khỏe & đời sống


Sức khỏe
10:05 | 17/04/2011

Hoa thiên lý làm giảm chứng phì đại tuyến tiền liệt

TPO- Một bát canh hoa thiên lý thơm ngọt đậm đà hay những đóa hoa mào gà đỏ rực tươi tắn lại là những vị thuốc rất hiệu nghiệm để chữa mất ngủ, bổ sung kẽm cho trẻ em đang lớn, người già yếu mệt, giảm được chứng phì đại tuyến tiền liệt hay chữa sốt xuất huyết, tiêu chảy...

Hoa thiên lý
Hoa thiên lý. Ảnh: Internet

Thiên lý được trồng để lấy lá non, lấy hoa nấu canh ăn vừa mát, vừa bổ. Ngoài tác dụng làm rau ăn, thiên lý còn được dùng chữa một số bệnh cho kết quả tốt. Ngoài chất xơ, chất đạm, chất bột đường, các vitamin C, B1, B2, tiền vitamin A (caroten), photpho, sắt, đặc biệt còn có kẽm với hàm lượng khá cao rất tốt cho trẻ em đang lớn, người già yếu mệt và giảm được chứng phì đại tuyến tiền liệt.

Canh hoa thiên lý có tác dụng bổ dưỡng, an thần, bớt mệt mỏi, ngủ ngon giấc, chữa được chứng sốt nhẹ, lao lực, nóng trong người.

Chữa chứng mất ngủ: Lấy 30g hoa thiên lý, 10g hoa nhài, 15g tâm sen. Các vị trên sắc kỹ lấy nước uống trong ngày. Dùng từ 3 - 5 ngày.

Chữa chứng hoa mắt, chóng mặt: Hoa thiên lý, bạch cúc, mỗi vị 10g, lá đinh lăng, rau má mỗi vị 8g, ngải cứu 12g rửa sạch, sắc uống ngày một thang, chia làm 3 lần trong ngày. Dùng liền 5 ngày.

Chữa chứng đau người, nhức xương: Hoa thiên lý xào thịt bò, hoặc luộc chấm muối vừng ăn hằng ngày.

Phòng rôm sảy mùa hè: Trẻ lớn và người lớn ăn canh hoa thiên lý, lá thiên lý non còn trẻ ăm dặm có thể nghiền lá non và hoa thiên lý, quấy bột, cháo cho trẻ rất tốt, rất mát.

Trị giun kim: Dùng 40g hoa thiên lý nấu canh ăn liên tục 7 - 10 ngày cho kết quả rất tốt (theo kinh nghiệm dân gian)

Trị chứng sa dạ con ở phụ nữ (độ 1 - 2) và chứng trĩ ngoại: Lấy 100g lá thiên lý, 5g muối ăn. Lá thiên lý tươi non và bánh tẻ rửa sạch, giã nhỏ, thêm muối bọc trong miếng gạc sạch đắp vào búi trĩ hay dạ con bị sa (đã được rửa sạch bằng nước thuốc tím)

Hoa mào gà
Hoa mào gà. Ảnh: Internet

Hoa mào gà

Hoa mào gà còn có tên là kê công hoa, kê quan hoa, kê cốt tử hoa, mồng gà hay lão lao thiểu. Theo Đông ý hoa mào gà tính mát, vị ngọt. Có tác dụng thanh nhiệt, lưỡng huyết, chỉ huyết, trừ thấp, tiêu viêm, cầm máu. Toàn bộ cây hoa mào gà đều dùng làm thuốc được.

Chữa sốt xuất huyết: 20g hoa mào gà, 15g ké đầu ngựa, 15g hoa hòe, 20g lá trắc bá, 20g lá dâu. Sao đen các vị thuốc trên rồi sắc với nước uống ngày 1 thang.

Chữa viêm đường tiết niệu (đái rắt, đái buốt): 20g hoa mào gà, 15g râu ngô, mã đề, bồ công anh, rau má mỗi vị 20g. Sắc lấy nước uống ngày một thang.

Chữa ho ra máu: 30g hoa mào gà, 30g trắc bá diệp, 30g cỏ nhọ nồi sắc uống. Hoặc 15g hoa mào gà đỏ, lá huyết dụ, cỏ nhọ nồi, lá trắc bá mỗi vị 20g. Sao cháy lá trắc bá, lá huyết dụ rồi sắc cùng hoa mào gà và cỏ nhọ nồi uống.

Chữa rong kinh: hoa mào gà, ngải cứu mỗi vị 20g sao cháy, sắc uống ngày 1 thang.

Chữa lỵ lâu ngày: hoa mào gà, cỏ seo gà, lá mơ long mỗi vị 20g sắc uống ngày 1 thang.

Chữa chảy máu cam: 20g hoa mào gà đỏ, 20g cỏ nhọ nồi, 10g hoa hòe. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa tiêu chảy: 10g hoa mào gà, 10g vỏ quả lựu, 8g vỏ dộp cây ổi. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa lòi dom (trĩ) chảy máu: 30g hoa mào gà trắng, 30g tong lư thán, 30g khương hoạt tán bột mịn, uống mỗi lần 6g với nước cơm.

Chữa bệnh lở loét: 3g hoa mào gà, 3g ngũ bội tử, một chút băng phiến. Tất cả tán bột trộn với mật lợn rồi bôi lên vùng thương tổn.

Chữa chứng di tinh: 30g hoa mào gà trắng, 15g kim ti thảo, 15g kim anh tử. Sắc uống ngày 1 thang.

BS Nguyễn Thị Thêu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét