Trang

Nổi mẩn, ngứa ngáy vì đi bơi đầu mùa

An ninh Thủ đô
Thứ Ba, 03/05/2011, 10:25

(ANTĐ) - Sau khi đưa cậu con trai đi bơi ở bể bơi Khách sạn La Thành về, cả hai mẹ con chị Nga đều bị ngứa ngáy, nổi mẩn.

Trẻ em vui chơi ở bể bơi KS La Thành (HN)

Dịp nghỉ lễ ngày 30/4-1/5 vừa qua, nhiều gia đình tại Hà Nội hoặc không muốn chen chúc tại các tụ điểm du lịch, hoặc không có điều kiện đi chơi xa đã “khắc phục” bằng cách đưa con cái đến các bể bơi xung quanh khu vực nội thành.

Thường các bể bơi tại Hà Nội đều mở cửa trở lại vào dịp cuối tháng 4, đầu tháng 5 (trừ những bể bơi nước nóng mở cửa cả mùa đông như bể bơi Đặng Tiến Đông, Trần Hưng Đạo…). Bể bơi Khách sạn (KS) La Thành cũng không ngoại lệ, phía ngoài cổng phố Vạn Phúc thấy một tấm băng rôn căng lên chào đón khách “mở cửa từ ngày 28/4”.

Chị Nga và cậu con trai tên Tuấn (trú tại phố Đội Cấn, gần bể bơi KS La Thành) và anh Độ (nhà tại phố Linh Lang, cũng khá gần bể bơi này) là 3 trong số hàng chục người khách đến bể bơi KS La Thành chiều 2/5. Khác với chị Nga đưa con đến bể bơi vui chơi ngày lễ, anh Độ cho hay: “Năm nào tôi cũng bơi ở bể bơi này, thường tôi hay đi đầu mùa, khi bể bơi còn vắng vẻ và sạch sẽ. Vào giữa hè đông khách, đến bể chỉ có nước đứng ngâm người, ngắm nhau chứ có bơi bò gì được đâu”.

Anh Độ kể tiếp: thay đồ bơi xong, tôi ra mép bể khởi động thì được mấy anh cứu hộ nói nhỏ: bể mới, bơi ít thôi. Thực sự ngay lúc ý tôi không hiểu gì, vừa mua vé bơi mất 30.000 đồng (tăng 10.000 đồng so với mùa hè năm 2010) họ lại bảo mình bơi ít thôi (?) Nhưng về sau xuống nước rồi mới hiểu…

Chị Nga kể thêm: Tôi cũng thấy lạ, dắt con trai ra khu vực nước nông thì thấy mấy cậu thanh niên rủ nhau “về thôi, rát mặt quá”, tôi lại cứ tưởng mấy cậu này nghịch ngợm, nhảy cắm xuống nước nhiều nên rát mặt.

Và chỉ đến khi xuống nước, anh Độ, chị Nga cũng như hàng chục người khác mới cảm nhận sự “khác biệt” của làn nước trong bể bơi KS La Thành. Một mùi chua khó chịu bốc lên nếu ngâm người đến cổ, còn nếu ngụp xuống nước thì ngay lập tức hàm răng có cảm giác rin rít như khi ăn quả sung xanh.

“Bơi chưa lâu, chỉ chừng 10-15 phút, tôi thấy mặt rát rạt, hai lỗ mũi nóng bừng như sắp hắt hơi”- anh Độ tả lại cảm giác ngứa ngáy của mình- “Tôi bơi đã nhiều năm, và cũng rất thường hay đi đầu mùa nhưng chưa khi nào gặp tình trạng này. Nhớ lại lời anh cứu hộ nhắc nhở lúc nãy, tôi hiểu ngay vấn đề: bể bơi đang bị xử lý khử khuẩn bằng quá nhiều chất Chloramine B, thế là tôi leo lên bờ luôn”. Lên bờ, anh Độ quay lại phàn nàn với mấy người làm công tác cứu hộ bể bơi thì được xác nhận: “Bể đang bỏ phèn, vẫn đang lọc tuần hoàn nước, vài hôm nữa là hết ngay”.

Khác với người lớn, đám trẻ con cứ xuống nước là thích, ham chơi nên không mấy để ý. Chỉ đến khi cha mẹ gọi lên, mới ra về trong tiếc nuối. Vì da mỏng hơn, ngâm dưới nước lâu hơn, nên chúng bị ngứa ngáy nhiều hơn. Chị Nga cho hay, mãi cho đến sáng hôm nay (3/5), tức là hơn nửa ngày sau khi đi bơi về, cậu con trai vẫn nhăn nhó “con ngứa người quá”, mặc dù đi bơi về chị đã tắm rửa lại cho con bằng nước sạch, xà-phòng kỹ càng.

Một số bể bơi hiện nay có sử dụng bơm tuần hoàn để lọc nước, nhưng thực tế loại bơm này chỉ lọc được các chất hữu cơ phân tử lớn, cặn lơ lửng và vi khuẩn, chứ không thể lọc hết các chất hữu cơ hòa tan và các chất vô cơ do mồ hôi, nước tiểu, nước bọt của những người bơi thải ra, làm chất lượng nước giảm nhanh chóng.

Các hóa chất như chloramine B, javel, hay sunfat đồng... có thể dùng để diệt nấm, tảo, rong rêu và khử trùng trong bể bơi. Tuy nhiên, các hóa chất này đều là những chất oxy hóa mạnh hay kim loại nặng nên phải sử dụng đúng lượng mức quy định, vì nồng độ quá lớn có thể sẽ làm hại cả các tế bào sống của cơ thể người, đặc biệt dễ dàng tấn công những vùng niêm mạc hở, gây các bệnh mắt, mũi và các bệnh về da.

PGS.TS Trần Hồng Côn

(Khoa Hóa học, ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội)

An Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét