Trang

Gần 60% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn có ăn tiết canh

Sức khỏe - Dân trí:
Thứ Sáu, 20/05/2011 - 11:11

(Dân trí) - Kết quả điều tra dịch tễ học bước đầu cho thấy tất cả bệnh nhân đều có liên quan đến việc chăm sóc lợn ốm, giết mổ hoặc ăn uống các sản phẩm từ lợn ốm như tiết canh, thịt, nội tạng lợn nấu không kỹ trong 7 ngày trước khi khởi phát bệnh.

“Trong nghiên cứu này của chúng tôi, hầu hết các bệnh nhân có ăn hoặc tiếp xúc trực tiếp với lợn/thịt lợn trong vòng 7 ngày trước khi khởi phát. Số bệnh nhân đã giết mổ lợn/ăn thịt lợn tái/tiết canh là 31 trường hợp (chiếm 64,58%). Riêng ăn lợn tái/tiết canh lợn chiếm tỷ lệ nhiều nhất (58,33%). Ngoài ra còn có một số yếu tố khác đều liên quan đến lợn như chăm sóc, chăn nuôi lợn ốm, ăn thịt lợn ốm/chết. Số tử vong xảy ra chủ yếu ở những bệnh nhân có cả 2 yếu tố ăn thịt lợn tái/tiết canh và giết mổ lợn (6/7 trường hợp)”, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, cho biết.
Có tới 60% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn có ăn tiết canh. Ảnh: H.Hải
Kết nghiên cứu bước đầu về dịch tễ học bệnh liên cầu lợn ở người mà Viện vừa hoàn thành, các ca mắc đều ở người lớn từ 30 tuổi trở lên, trong đó nhóm tuổi từ 40 - 59 tuổi chiếm đa số (79,63%). Nam giới chiếm hầu hết các trường hợp mắc bệnh (98,14%). Các yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh nhân trong vòng 7 ngày trước khi khởi phát đều liên quan đến việc chăm sóc lợn ốm, giết mổ lợn hoặc ăn các sản phẩm từ lợn như tiết canh, thịt và phủ tạng lợn chưa nấu chín kỹ.

Kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy, trong tổng số mắc liên cầu lợn tại miền Bắc năm 2010 thì có tới 7 người bị tử vong (12,73%). Đây là tỉ lệ tử vong cao đối với loại bệnh có tính lây truyền.

Theo TS Hiển, tập quán ăn tiết canh, nội tạng, thịt lợn tái (nem chua, nem chạo…) là những thói quen tiềm ẩn nguy cơ rất cao lây các bệnh từ lợn sang người, trong đó có liên cầu lợn. Nếu lợn nhiễm bệnh thì trong máu (tiết) và thịt lợn có chứa một lượng lớn vi khuẩn, thêm vào đó thực phẩm lại không được nấu chín do đó những người ăn sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Vì thế, để phòng bệnh, tuyệt đối không ăn tiết canh, nem chạo, ăn thịt chế biến chín, không ăn lợn bệnh, có phương tiện phòng hộ với người dân chăn nuôi…

H.Hải - T.Hà


Thứ Hai, 16/05/2011 - 15:01

(Dân trí) - Một ngày sau khi ăn bát tiết canh, ông B. bắt đầu có những biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ù tai… Được chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới trong tình trạng rối loạn tri giác, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đã nhiễm khuẩn liên cầu lợn.

Mặc dù ngành y tế cũng như các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều cảnh báo nguy cơ nhiễm khuẩn liên cầu lợn rất cao khi ăn tiết canh hoặc thịt lợn chưa được nấu chín nhưng nhiều người dân vẫn “bỏ ngoài tai”. Vừa điều trị khỏi 2 ca nhiễm khuẩn nguy hiểm này, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM lại tiến tục "đón" thêm một ca nhiễm bệnh phải nhập viện điều trị ngày 4/5 vừa qua.


Nhờ được điều trị tích cực, sức khỏe của ông B. đang tiến triển tốt

Bệnh nhân là ông N.T.B (57 tuổi, ngụ tại Ninh Thuận). Theo điều tra bệnh sử, trước đó ông B. đi ăn tiết canh tại quán cháo lòng. Một ngày sau khi ăn cơ thể bắt đầu xuất hiện các triệu chứng: buồn nôn, đau đầu, sốt cao, ù tai… Sau khi uống thuốc tây nhưng không đỡ, ông B. đã được gia đình chuyển đến bệnh viện địa phương, các bác sĩ nghi nhiễm khuẩn liên cầu lợn nên đã chuyển lên bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới.

Tại đây, kết quả kiểm tra cho thấy ông B. đã bị loại vi khuẩn nguy hiểm này tấn công. Theo BS Lê Thanh Nhàn, người trực tiếp điều trị cho biết: “Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện vào ngày thứ 3 nhưng đã bắt đầu nặng với biểu hiện rối loạn tri giác. Sau gần hai tuần điều trị, sức khỏe của bệnh nhân đang có tiến triển khá. Hiện ông B. vẫn đang được tích cực theo dõi”.

Để phòng ngừa căn bệnh trên, BS Thanh Nhàn khuyến cáo: Cần phải sử dụng bao tay và rửa tay sạch sẽ khi chế biến hoặc tiếp xúc với thịt heo sống, không nên ăn tiết canh vì nguy cơ lây bệnh rất cao, thịt heo, lòng heo phải được nấu chín kỹ trước khi sử dụng.

Vân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét