Hàng năm, khoa chi dưới, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM tiếp nhận khoảng trên mười trường hợp đến yêu cầu phẫu thuật kéo dài chân vì lý do thẩm mỹ. Hầu hết là người có chiều cao từ 1,40m tới 1,60m, thậm chí có nam thanh niên đã cao 1,65m vẫn đề nghị kéo dài chân để đạt chiều cao trên 1,72m!
Người nửa chừng bỏ cuộc, kẻ cắn răng tiếp tục
Bệnh nhân nữ tên T., 23 tuổi có chiều cao 1,58m, đến bệnh viện đề nghị phẫu thuật kéo dài chân. Mặc dù các bác sĩ đã tư vấn kỹ những hệ luỵ có thể xảy ra sau phẫu thuật và rằng chiều cao đó không quá thấp so với nhiều người, gia đình cô cũng không đồng ý mổ, nhưng T. vẫn khăng khăng thực hiện. Thậm chí khi đã vào phòng mổ, bác sĩ hỏi lại, T. vẫn cương quyết muốn đôi chân mình dài thêm 7 – 10cm, để giao tiếp tự tin hơn. Sau mổ, T. đã lập tức gọi điện thoại cho bác sĩ phẫu thuật đòi tháo tất cả các dụng cụ cố định kéo dài chi ở hai cẳng chân ra, vì không chịu đựng nổi sự vướng víu đau đớn. Không thuyết phục được T., bác sĩ đành phải tháo các bộ khung cố định bên ngoài và đặt đinh nội tuỷ có chốt xương chày để chờ xương lành như cũ.
“Đã từng có trường hợp bệnh nhân được kéo dài chân ở bệnh viện khác, đã lành xương, nhưng do không chịu đựng được một số phiền toái xảy ra nên đã đến bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM đề nghị mổ trả lại tình trạng chân như cũ”.
Một trường hợp đáng nhớ khác là với Th., nữ, 27 tuổi. Tốt nghiệp đại học, Th. mang hồ sơ thi tuyển giáo viên ở một số trường học. Nhưng khổ nỗi, vừa thấy cô, các nơi tuyển đã lắc đầu, vì chiều cao chỉ có 1,45m, mặc dù bằng tốt nghiệp đạt loại khá. Thất vọng chiều cao quá khiêm tốn của mình, Th. xin tiền nhà, vay bè bạn, người thân để thực hiện phẫu thuật kéo dài chân. Trải qua hai lần kéo chi, mặc dù thú thiệt với bác sĩ mình đã rất đau đớn nhưng Th. vẫn quyết tâm cắn răng chịu đựng, tiếp tục hành trình đi tìm giấc mơ chiều cao khoảng 1,50m, để thoát khỏi mặc cảm người lùn và dễ dàng tìm cơ hội việc làm.
Phải chấp nhận cả những biến chứng
Bên cạnh mang lại niềm vui “thoát lùn” cho một số người, phẫu thuật kéo dài chân cũng có thể gặp nhiều biến chứng.
Đầu tiên phải nghĩ tới là đau, đau sau phẫu thuật do cắt xương, xuyên đinh qua xương để đặt khung kéo, đóng đinh nội tuỷ chốt một đầu gần để kéo xương thẳng trục và sẽ chốt lại đầu xa khi đạt chiều dài cần kéo. Đau có thể xảy ra khi kéo xương mỗi ngày 1mm (chia đều bốn lần kéo trong ngày, thường bắt đầu kéo 7 – 10 ngày sau mổ).
Đau do gân cơ, mạch máu, thần kinh cũng bị kéo căng theo xương. Một số người nhạy cảm có thể tăng huyết áp, bứt rứt mất ngủ, thậm chí căng tê khó chịu ở chân kéo. Ngoài ra, nhiễm trùng chân đinh khung kéo, trật hoặc bán trật khớp do kéo dài xương quá mức, lệch xương kéo, đứt đoạn canxi xương do nôn nóng kéo vượt quá quy định để đạt được chiều dài mong muốn... cũng rất dễ xảy ra.
Sau khi kéo sẽ đạt được chiều dài (tốt nhất từ 5-10cm), thời gian chờ lành xương cũng mất ít nhất gấp sáu lần thời gian kéo. Cụ thể, kéo dài xương 1cm mất 10 ngày thực hiện và mất thêm 60 ngày để xương lành, có trường hợp phải ghép xương tăng cường. Nếu kéo xương càng dài, các biến chứng nói trên xảy ra càng lớn, thời gian lành xương cũng lâu hơn.
Cân nhắc kỹ trước khi quyết định
Phẫu thuật kéo dài chi có từ những năm 50 của thế kỷ trước, đã mang lại sự tự tin và làm thay đổi công việc, cuộc sống tốt đẹp cho nhiều người. Bên cạnh mục đích thẩm mỹ, cũng có nhiều trường hợp cần được kéo dài chân vì nhu cầu điều trị thực sự.
Chẳng hạn, sau một tai nạn chấn thương, bệnh nhân bị mất xương ngắn một chân, hay khớp giả nhiễm trùng xương. Khi đó, bác sĩ phải mổ kéo dài chân để bằng với chân lành, hoặc đồng thời cắt bỏ đoạn xương bị viêm và nén ép mặt gãy, kéo dài đoạn xương lành để không bị ngắn so với chân lành.
Tuy nhiên, dù là kéo dài chân vì nhu cầu điều trị hay nhu cầu thẩm mỹ, cũng cần phải tham khảo bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm để cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Việc một số người vì tin vào những lời quảng cáo của các thiết bị kéo dài chân, mua về tự thực hiện lấy, “tiền mất tật mang” là nguy cơ hoàn toàn có thể nhìn thấy trước. Đã từng có trường hợp bệnh nhân được kéo dài chân ở bệnh viện khác, đã lành xương, nhưng do không chịu đựng được một số phiền toái xảy ra nên đã đến bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM đề nghị mổ trả lại tình trạng chân như cũ.
Kéo dài chi để tạo dáng đẹp và chức năng tốt cần có sự kiên trì chịu đựng và quyết tâm cao. Đồng thời cũng cần sự theo dõi liên tục và tận tình của người thầy thuốc.
Theo BS.CKII Nguyễn Quốc Trị
Sài Gòn tiếp thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét