Trang

Khốn khổ vì muỗi

An ninh Thủ đô
Thứ Tư, 04/05/2011, 06:21

(ANTĐ) - Nhiều ngày nay, cư dân 2 bên các con sông Nhuệ, Đáy, Tô Lịch… phải sống trong cảnh khổ sở vì muỗi tấn công. Nhiều hộ dân phải ăn cơm, xem phim trong màn để tránh muỗi.

Muỗi bám đen các thiết bị quanh nhà dù ban ngày

Theo phản ánh của nhiều hộ dân, khoảng một tháng trở lại đây, muỗi bắt đầu xuất hiện nhiều và ngày một dày đặc hơn, nhất là vào buổi tối, những hộ dân ở ven sông tần suất muỗi nhiều hơn, hoặc khu bãi rác, khu đất đai bỏ không, ẩm ướt. Bà Tú, làng La Tinh, Dương Nội, Hà Đông cho biết, chỉ chập tối là muỗi bắt đầu vo ve xuất hiện. Đến khoảng 8-9 giờ tối thì dày và nhiều hơn. “Cứ ăn cơm xong là cả nhà phải ngồi trong màn xem ti vi để tránh muỗi đốt. Thậm chí khi ngủ, sơ sẩy không ghép màn hoặc làm tung màn ra thì không ngủ nổi với muỗi”, bà Tú nói.

Tương tự, gia đình chị Lan cùng hàng trăm hộ dân sống dọc ven sông Nhuệ ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì cũng đang trong cảnh khổ sở vì mùa muỗi. Chị Lan cho biết, cứ tầm nhập nhoạng tối là muỗi xuất hiện, khi tắt đèn đi ngủ, muỗi vo ve ở ngoài màn như ong vỡ tổ. “Năm nào vào thời điểm này muỗi cũng xuất hiện nhiều, vì là mùa hoa xoan, nhưng năm nay dường như lượng muỗi nhiều hơn”. Những hộ dân sống sát 2 ven sông Nhuệ thì lượng muỗi nhiều hơn, có thể do sự ô nhiễm, lại mưa nồm ẩm là môi trường cho muỗi sinh trưởng và trú ngụ. Chị Lan nói: “Hôm trước có việc phải sửa sang nhà cửa, tôi gửi 2 đứa nhỏ sang nhà bà ngoại ở thôn bên cạnh một buổi tối, mà chân tay chi chít vết muỗi đốt. Thậm chí, những ngày trời âm u, mưa ẩm như vài ngày qua, thì ban ngày ở trong nhà cũng nhiều muỗi, ngủ ban ngày cũng phải bỏ màn”.

Muỗi xuất hiện nhiều ngày nay với lượng dày đặc khiến các hộ dân ven sông Nhuệ, Đáy, Tô Lịch mất ăn mất ngủ. Bà Tú lo lắng, dù nhà đã mua đến 2 cái vợt muỗi nhưng cũng không thể nào thức suốt đêm mà vợt muỗi được. Còn chị Lan lại lo rằng, tuy trên thị trường hiện có bán nhiều loại hương, thuốc xịt muỗi nhưng vì nhà có cháu nhỏ nên không dám dùng, mà cũng không biết loại nào đảm bảo.

Bên cạnh nạn muỗi đốt là tình trạng muỗi mắt hay còn gọi muỗi dĩn cũng đang tấn công các khu dân cư vùng ngoại thành, nhất là những vùng dân cư gần cánh đồng, gần sông ngòi. Muỗi mắt bay thành đàn, tấn công cả người đi đường những lúc chập tối. Anh Lam, một người dân ở xã Mai Lâm, Đông Anh phản ánh, cứ chiều tối, tầm 5h30 đến tối đi đường mà không có kính hoặc mũ bảo hiểm không có che chắn thì khó có thể đi được, vì muỗi mắt cứ bay thành từng đàn, đâm vào người đi đường. Còn tối đến, thì chúng tấn công nhà dân, bu quanh các ngọn đèn thành từng mảng đen kịt. Anh Lam cho biết: “Dù loại muỗi này không đốt, nhưng chúng xuất hiện với lượng dày đặc gây khó chịu cho người đi đường và trong gia đình. Sáng nào cũng vậy, mẹ tôi quét hót đến nửa gầu rác muỗi mắt”.

Theo ông Hồ Đình Trung, Phó Viện trưởng Viện sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Trung ương, việc muỗi xuất hiện với lượng dày đặc hơn là do sự gia tăng của nền nhiệt độ đã khiến vòng đời của muỗi rút ngắn đi, tốc độ sinh trưởng nhanh hơn. Theo đó, nhiệt độ ở vào khoảng 25 độ C là điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh sôi nảy nở, và khi, nhiệt độ cao hơn nhưng không quá 35 độ C thì vòng đời phát triển của muỗi càng ngắn. Thêm vào đó, thời gian vừa qua do thời tiết đang chuyển sang mùa hè, nóng ẩm thất thường là điều kiện rất tốt cho côn trùng như ruồi, muỗi sinh sôi. Cũng theo ông Trung, hiện có nhiều cách để chống muỗi, người dân tùy vào hoàn cảnh, điều kiện có thể áp dụng cho mình biện pháp phù hợp. Theo đó, có thể trừ muỗi bằng thuốc hóa học, phun diệt muỗi toàn bộ nhà cửa, khu vực sống, dùng vợt điện, dùng đèn bẫy muỗi, dùng lưới chống muỗi và bỏ màn khi ngủ. Đối với loại muỗi mắt thì biện pháp tiêu diệt hiệu quả nhất là dùng đèn bẫy. Đèn bẫy muỗi được chế tạo với một đèn phát ánh sáng hấp dẫn muỗi và côn trùng tụ tập đến, bao quanh bởi lưới kim loại có hiệu điện thế thấp. Khi muỗi và côn trùng sa vào lưới, dòng điện nhỏ sẽ phóng qua và tiêu diệt chúng. Phương pháp này sử dụng được trong nhà và ngoài trời.

Hải Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét