Mẹo loại bỏ thuốc trừ sâu trên trái cây
(Dân trí) - Trái cây còn tồn dư thuốc trừ sâu là mối lo của nhiều bà nội trợ. Vậy có cách nào hiệu quả để loại bỏ lượng thuốc trừ sâu còn lại này không?
Chia sẻ trên tờ New York Times, Tiến sĩ Lili He, chuyên về khoa học thực phẩm tại Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ), cho biết, vỏ dày hơn có thể hiệu quả hơn trong việc loại bỏ thuốc trừ sâu khỏi phần thịt của một số loại trái cây như dưa lưới.
Một nghiên cứu của Tiến sĩ He, được công bố trên Tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm (Mỹ), cũng cho thấy, dung dịch baking soda hiệu quả hơn nước thường trong việc loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu trên bề mặt vỏ, nhưng trái cây phải được ngâm trong tối đa 15 phút trước khi rửa sạch.
Dù vậy, đôi khi, việc rửa cũng không loại bỏ được dư lượng thuốc trừ sâu đã thấm sâu vào vỏ hoặc xuyên qua vỏ đến phần thịt quả. Các nhà nghiên cứu cho biết, việc bỏ vỏ có thể có hiệu quả, dù vậy cách làm này sẽ làm mất đi chất dinh dưỡng trong lớp này.
Việc rửa có thể làm giảm dư lượng thuốc trừ sâu trên bề mặt nhưng không thể loại bỏ thuốc trừ sâu được rễ hấp thụ vào chính mô của trái cây hoặc rau quả.
Chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết tình trạng rau củ quả còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật là do trong quá trình canh tác các loại rau củ quả bị sâu bệnh nên người dân phải sử dụng hóa chất.
Tuy nhiên, sau khi phun, người sản xuất không tuân thủ thời gian cách ly theo đúng quy định vì thế thuốc bảo vệ thực vật còn tồn tại trong rau củ quả. Điều này dẫn đến tình trạng rau củ quả dù mang đi tiêu thụ nhưng hàm lượng chất bảo vệ thực vật cao.
Do đó, cách tốt nhất với người dân là khi mua về luôn luôn phải tự xử lý để loại bớt chất bảo vệ thực vật (nếu có) trên rau củ quả.
Theo ông, đối với rau củ quả, cách duy nhất để làm sạch là rửa. Nguyên tắc là phải rửa nhiều nước, không vì thấy hình thức không có đất, bùn mà rửa sơ sài. Lưu ý, phải rửa lâu, rửa bằng tay.
Tương tự, theo Cục An toàn thực phẩm, trước khi sử dụng, việc rửa rau, quả là khâu quan trọng trong quá trình chế biến và trước khi ăn.
Cách rửa truyền thống, đơn giản nhưng bảo đảm an toàn vệ sinh nhất là rửa rau quả dưới vòi nước sạch chảy mạnh. Quả tươi thì sau khi rửa dưới vòi nước sạch nhiều lần, trước khi ăn nên gọt vỏ. Cuối cùng có thể ngâm nước muối loãng hoặc sục trong nước ozon.
Dù vậy, theo PGS Thịnh, hiện nay chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định rằng khử ozon có thể giúp loại bỏ các hóa chất bảo vệ còn tồn dư trong thực phẩm.
Thuốc trừ sâu phun trên trái cây và rau quả tích tụ ở phần vỏ bên ngoài, tuy nhiên lớp vỏ này không tạo thành hàng rào không thấm nước. Ngoài ra, một số loại thuốc trừ sâu có thể hấp thụ vào mô của trái cây hoặc rau để bảo vệ chúng khỏi sâu bệnh xâm nhập qua vỏ.
PGS Thịnh cho biết thêm, các biện pháp làm sạch cũng chỉ mang tính chất "đối phó" là chính. Vì thế, cách tốt nhất là đảm bảo mua rau sạch tận gốc như rau, quả không phun thuốc sai quy định, đảm bảo thời gian cách ly từ khi phun đến khi thu hoạch để các hóa chất trừ sâu có thể phân hủy hết.
Theo Bangkok Post, mạng lưới Cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng dư lượng hóa chất nguy hiểm vượt mức cho phép trong mặt hàng nho mẫu đơn Shine Muscat nhập khẩu. Cụ thể, 23 trong 24 mẫu có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn cho phép.
Prokchon Usap, điều phối viên của mạng lưới trên cho biết, các loại thuốc trừ sâu này không dễ dàng loại bỏ bằng cách rửa trong nước.
Nguồn
Thuốc trừ sâu có ngấm vào phần thịt bên trong trái cây và rau không?
(Dân trí) - Thuốc trừ sâu có ngấm vào phần thịt của các loại trái cây và rau quả thông thường như dưa lưới, táo và dưa chuột không?
Theo New York Times, thuốc trừ sâu phun trên trái cây và rau quả tích tụ ở phần vỏ bên ngoài, tuy nhiên lớp vỏ này không tạo thành hàng rào không thấm nước. Ngoài ra, một số loại thuốc trừ sâu có thể hấp thụ vào mô của trái cây hoặc rau để bảo vệ chúng khỏi sâu bệnh xâm nhập qua vỏ.
Tiến sĩ Lili He, chuyên về khoa học thực phẩm tại Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ), cho biết, vỏ dày hơn có thể hiệu quả hơn trong việc loại bỏ thuốc trừ sâu khỏi phần thịt của một số loại trái cây như dưa lưới. Dưa lưới là một trong những trái cây có dư lượng thuốc trừ sâu tương đối thấp.
Dù vậy, đôi khi, việc rửa cũng không loại bỏ được dư lượng thuốc trừ sâu đã thấm sâu vào vỏ hoặc xuyên qua vỏ đến phần thịt quả. Các nhà nghiên cứu cho biết, việc bỏ vỏ có thể có hiệu quả, dù vậy cách làm này sẽ làm mất đi chất dinh dưỡng trong lớp này.
Dưa chuột và táo đều được bao phủ bởi một lớp sáp bảo vệ tự nhiên, nhưng một khi thuốc trừ sâu khuếch tán qua lớp đó, việc rửa sạch chúng sẽ trở nên khó khăn hơn.
Theo các chuyên gia, việc rửa lâu dưới vòi nước cũng có thể giúp ích rất nhiều trong việc rửa sạch dư lượng thuốc trừ sâu khỏi trái cây và rau quả nhưng việc giảm nó xuống bằng 0 là điều không bao giờ khả thi. Việc rửa có thể làm giảm dư lượng thuốc trừ sâu trên bề mặt nhưng không thể loại bỏ thuốc trừ sâu được rễ hấp thụ vào chính mô của trái cây hoặc rau quả.
Nghiên cứu cho thấy việc rửa rau diếp, dâu tây và cà chua dưới vòi nước trong 60 giây cũng có tác dụng tốt như sử dụng các loại nước rửa rau thương mại để giảm đáng kể dư lượng thuốc trừ sâu. Cách tốt nhất là rửa dưới vòi nước, lực của nước chảy sẽ làm trôi đi các chất cặn bã. Lột vỏ cũng giúp loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cũng khuyên đối với rau củ quả, con đường duy nhất làm sạch là rửa. Đầu tiên loại bỏ các loại rau dập nát. Với rau bị dập nát nếu còn hóa chất bảo vệ thực vật chúng sẽ ngấm vào các tế bào bị dập nát nhanh hơn rất nhiều so với tế bào nguyên vẹn.
Cụ thể, bạn cần cắt bỏ phần dập nát, cắt gốc, cắt rễ sau đó ngâm vào trong nước lạnh một khoảng thời gian nhất định (khoảng 5-10 phút). Nếu còn hóa chất bảo vệ thực vật thì chúng sẽ được tan dần ra.
Sau đó, thay nhiều lần nước, nguyên tắc là phải rửa nhiều nước, rửa lâu, rửa bằng tay, lưu ý những khe cuống lá… để tách chất bẩn (không chỉ đất cát mà còn cả thuốc bảo vệ thuốc trừ sâu nếu có). Cuối cùng chúng ta nên rửa dưới vòi nước chảy. Trong quá trình rửa cần cố gắng tránh làm cho rau bị dập nát tiếp.
"Việc làm này có tác dụng rất lớn làm giảm mức tối đa nếu như rau nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật. Không những thế làm giảm những chất bẩn khác từ ruộng mang về", PGS Thịnh nói.
Chuyên gia cũng lưu ý, các loại rau dạng củ (củ cải, su hào, cà rốt, khoai tây) bao giờ cũng sạch hơn rau có lá. Trong các loại rau dạng lá, rau trồng ở trên cạn thường sạch hơn rau ở dưới nước (rau cần, rau cải xoong…).