Các bác sĩ chuyên khoa giấc ngủ duy trì thức dậy ngay khi nghe tiếng chuông báo thức, không nằm lì trên giường.
Bạn có thể đã nghe nói rằng một đêm ngủ ngon giấc bắt đầu vào buổi sáng. Các chuyên gia về giấc ngủ hoàn toàn đồng ý với tuyên bố này. Điều này là do nhịp sinh học của chúng ta, hay chu kỳ ngủ - thức tự nhiên của cơ thể, là một quá trình kéo dài 24 giờ.
"Nhịp sinh học, hay còn gọi là đồng hồ sinh học bên trong của bạn, hoạt động theo chu kỳ khoảng 24 giờ và quyết định khi nào bạn cảm thấy tỉnh táo hoặc buồn ngủ, phần lớn chịu ảnh hưởng của việc tiếp xúc với ánh sáng. Các hành vi lành mạnh vào buổi sáng củng cố nhịp sinh học mạnh mẽ, thúc đẩy sự tỉnh táo vào ban ngày và buồn ngủ vào ban đêm", Tiến sĩ Chester Wu, một bác sĩ tâm thần và chuyên gia y học giấc ngủ Mỹ nói.
Ngược lại, theo Wu, thói quen ngủ không đều đặn, tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng buổi tối và lối sống ít vận động có thể phá vỡ nhịp điệu này và sự cân bằng giấc ngủ. Vậy, các chuyên gia về giấc ngủ tránh làm điều dưới đây vào buổi sáng để đảm bảo họ có một giấc ngủ ngon.
Họ không bao giờ nằm trên giường sau khi chuông báo thức reo
Các bác sĩ chuyên khoa giấc ngủ không nằm trên giường, lướt điện thoại trong 15 phút trước khi rời khỏi giường. Wu cho biết: "Tôi cố gắng không nằm trên giường vì biết chắc điều đó khiến tôi cảm thấy lười biếng hoặc uể oải hơn".
Chelsie Rohrscheib, một nhà khoa học thần kinh và chuyên gia về giấc ngủ Mỹ cũng không làm như vậy. "Tôi không bao giờ nằm trên giường, làm những hoạt động không liên quan đến giấc ngủ. Điều này có nghĩa khi thức dậy, tôi ra khỏi giường ngay lập tức và đi đến một nơi khác trong nhà. Điều này giúp duy trì sự liên kết của não, rằng phòng ngủ chỉ là nơi nghỉ ngơi, thúc đẩy giấc ngủ chất lượng cao", cô nói.
Tiến sĩ Chris Winter, một bác sĩ thần kinh và chuyên gia về sức khỏe giấc ngủ Mỹ gợi ý điều cần thiết là phải tiếp xúc với ánh sáng sau khi thức dậy. Ánh sáng có tác dụng ngăn chặn não sản xuất melatonin và cho cơ thể bạn biết rằng một ngày đã bắt đầu.
Còn Carleara Weiss, một chuyên gia về giấc ngủ và là trợ lý giáo sư nghiên cứu tại Đại học Buffalo, Đại học Tiểu bang New York, Mỹ đưa ra một lời khuyên khác. Khi tỉnh giấc, bà sẽ không ngủ nướng. Bà cho biết điều này liên quan đến nhịp sinh học. Thời gian thức dậy đều đặn giúp đồng hồ sinh học điều chỉnh các chức năng sinh lý, không chỉ giấc ngủ. Ngủ nướng vào cuối tuần dẫn đến tình trạng lệch múi giờ xã hội, gây khó tập trung, mệt mỏi, cáu kỉnh, đau đầu.
Tiến sĩ Raj Dasgupta, một bác sĩ về chuyên khoa nội, phổi, chăm sóc đặc biệt và y học giấc ngủ cũng rất cảnh giác với việc ngủ nướng. Ông nói: "Mặc dù thỉnh thoảng ngủ nướng không ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng giấc ngủ tổng thể nhưng nó khiến bạn có khả năng ngủ muộn hơn vào buổi tối". Duy trì lịch trình ngủ nhất quán, trong đó việc thức dậy và đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày, thực sự quan trọng để đảm bảo bạn có một đêm ngon giấc với chất lượng giấc ngủ tốt.
Phần bổ sung: Các bác sĩ chuyên khoa giấc ngủ sẽ làm gì sau khi thức dậy?
Rohrscheib cho biết, vào buổi sáng, cô thường phơi nắng trong vòng 30 phút sau khi thức dậy bằng cách ra ngoài hoặc ngồi cạnh cửa sổ. Cô lý giải, ánh sáng ban ngày rất quan trọng để duy trì nhịp sinh học. "Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thiếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ của bạn, gây mất ngủ và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng", cô nói.
Dasgupta cũng đồng tình với hoạt động này. Ông cho biết, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ngay từ sáng sớm lúc mới thức dậy có thể giúp tăng sự tỉnh táo, năng lượng trong ngày, giúp cải thiện giấc ngủ vào ban đêm.
Hoặc tập thể dục. "Hoạt động nhanh chóng là một cách tuyệt vời để báo hiệu cho não bạn rằng ngày mới đã bắt đầu. Bài tập không nhất thiết phải quá căng thẳng. Tôi bắt đầu ngày mới bằng cách dắt chó đi dạo mỗi ngày hoặc cùng vợ đi làm", Winter nói. Winter cũng làm một điều khác là dọn giường, giúp ngăn ý định ngủ nướng.
>> Nên nuốt hay nhằn bỏ hạt lựu để tốt cho sức khỏe?
Hằng Trần (Theo Huffpost)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét