Thứ rau này bùi bùi, vị chua thanh và hơi nhẩn đắng, kết hợp với các món ăn tạo nên hương vị đặc biệt, vô cùng hấp dẫn.
Ở miền Tây có một loại lá từng mọc dại, được sử dụng để kết hợp với các loại rau khác trong món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng ở miền Tây, đó là lá cách.
Cây cách còn có tên gọi khác là vọng cách, có tên khoa học là Premna corymbosa. Đây là cây thân gỗ nhỏ cao khoảng 2-3m. Loại cây này mọc dại ở những nơi rậm rạp, nơi vách núi, bìa rừng, bờ sông, bờ mương... Cây cách chịu được nắng gắt, khô hạn, có thể phát triển xanh tốt quanh năm.
Ở Việt Nam, cây cách được tìm thấy ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ hay miền Tây như Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp… Nhiều hộ dân còn mang cây cách về trồng trong vườn nhà để dễ hái lá.
Cây cách dễ trồng, lá cách là nguyên liệu được sử dụng làm nên nhiều món đặc sản nổi tiếng ở miền Tây
Từ xưa người dân địa phương đã hái lá cách và ngọn non về xào hoặc nấu canh, thậm chí có thể ăn sống. Lá cách kết hợp với các loại lá rừng khác là thứ không thể thiếu trong món bánh xèo, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Mỗi khi ăn chỉ cần ra cây lựa lá non mà hái, rồi đem rửa sạch là có ngay món đi kèm thay rau ngon lành.
Chị Chính (ở Tây Ninh) chia sẻ: "Lá cách đơn giản và dễ tính như cách nó tồn tại, có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu cho ra những món vô cùng độc đáo. Đó có thể là những món đơn giản như cá tôm bắt từ sông về mang rửa sạch đem lên bếp kho với lửa liu riu rồi ăn kèm lá cách non có màu xanh nhạt bùi bùi, đậm vị. Cầu kỳ hơn là cuốn với mắm, rắc ít dừa nạo để tạo vị lạ nhưng đậm đà khó tả.
Lá cách bùi bùi, chua thanh và hơi nhẩn đắng
Ở quê tôi, thịt chuột đồng xào lá cách là món ăn "độc nhất vô nhị", không phải ai cũng có cơ hội được thưởng thức. Hiện nay các món ăn từ lá cách có mặt trong nhiều nhà hàng, quán ăn. Lá này bùi bùi, chua thanh, và hơi nhẩn đắng, khi kết hợp với các nguyên liệu lại có hương vị rất riêng".
Theo chị Chính, cây lá cách dễ trồng, chỉ cần giâm cành là cây phát triển xanh tốt mà không cần phải mất công chăm sóc. Nhiều hộ dân ở miền Tây còn mở rộng mô hình trồng để bán ra thị trường. Lá cách cho thu hoạch quanh năm, mang về thu nhập cho nhiều người.
Từ loại lá mọc hoang dại, giờ đây lá cách trở thành đặc sản nổi tiếng, được du khách gần xa biết đến. Tại các nhà hàng, quán ăn ở miền Tây, ngoài bánh tráng Trảng Bàng, các món nhậu lai rai từ lá cách như thịt ếch, thịt bò, thịt rắn, thịt chuột đồng, hoặc để um lươn đều rất được ưa chuộng.
Lá cách không thể thiếu trong các loại rau có mặt trong món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng
Chị Thương (ở An Giang) chia sẻ: "Người dân ở Tây Nam Bộ không ai không biết tới lá cách. Loại lá miệt vườn này còn được biết đến như bài thuốc tốt cho gan, giúp giải nhiệt cơ thể. Nhưng phải ăn sống mới tận hưởng hết hương vị đặc trưng của loại lá này. Người ta lựa những lá còn non, màu xanh nhạt và mùi ít nồng hơn lá già, đem chấm mắm kho hay cá linh kho lạt hoặc ăn kèm với cá chiên".
Trên thị trường, lá cách được bán ở chợ mạng và cả các sàn thương mại điện tử với giá khoảng 70.000 đồng/kg.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét