Sự thật tắm khuya gây đột quỵ 

Mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) tiếp nhận 2 bệnh nhân trẻ vào cấp cứu do đột quỵ xảy ra thời điểm khuya, trời lạnh. Hai người này đều không có bệnh lý mạn tính, tai biến xảy ra sau khi tiếp xúc với lạnh đột ngột, để lại di chứng nặng nề và đe dọa tính mạng.

Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, các khoa, trung tâm cấp cứu đột quỵ đều ghi nhận nhiều trường hợp đột quỵ sau tắm nhưng cũng có trường hợp mới chỉ chuẩn bị tắm, chưa xối nước đã gặp nạn. 

Theo bác sĩ Thắng, hiện nay chưa chứng minh được mối liên quan nhân - quả giữa chuyện đang tắm đêm và đột quỵ. Những hành động đó được xem là yếu tố thúc đẩy đột quỵ trên người có bệnh nền. Nhiều trường hợp không biết mình có bệnh do không kiểm tra sức khỏe định kỳ. Việc tắm đêm không trực tiếp gây ra đột quỵ nhưng là yếu tố xúc tác gián tiếp. 

Hiện nay, 90% bệnh nhân đột quỵ có nguyên nhân tiềm ẩn. Áp lực cuộc sống, chế độ ăn uống không khoa học, thiếu vận động và lạm dụng chất kích thích khiến tỷ lệ người dưới 45 tuổi bị đột quỵ gia tăng. Trong đó, đa số bệnh nhân không biết mình mắc các bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường.

z6167603026375_8fc1f1ef30ff0602ae442dc90910ee08.jpg
Ảnh minh họa: NT

Bác sĩ Thắng cho rằng người trẻ nên xác định được mình có mắc các bệnh mạn tính hay không để có biện pháp phòng trừ trước.

Cách tắm đúng

Tiến sĩ Bùi Long - Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) cũng cho rằng tắm không đúng cách sẽ thúc đẩy tiến triển bệnh tim mạch ở người có nguy cơ. Các chuyên gia đều cảnh báo, nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp xảy ra trong phòng tắm cao hơn bất kỳ nơi nào khác, đặc biệt vào mùa đông lạnh. 

Vì vậy, bác sĩ Long khuyến cáo cộng đồng đặc biệt người tăng huyết áp, cao tuổi nên lưu ý:

1. Tiếp xúc với nước

Khi tắm, mọi người có thói quen xả vòi hoa sen ướt từ đầu tới chân nhưng điều này rất nguy hiểm. Nước xả trực tiếp vào đầu khiến máu lên não bị đẩy nhanh, nguy cơ ảnh hưởng tới mao mạch, động mạch, dễ gây tai biến mạch máu não hoặc nhồi máu cơ tim. 

Cách tắm đúng nhất là cho nước tiếp xúc với vùng ngoại vi trước. Bạn nên làm ướt cơ thể từ chân trước và tắm từ dưới lên, gội đầu sau cùng. 

2. Tần suất tắm

Mùa đông, bạn không nên tắm hằng ngày khi nhiệt độ xuống thấp. Việc tắm quá nhiều làm sức đề kháng da yếu đi tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, dễ nhiễm trùng. 

Tắm nhiều lần làm cơ thể nhiễm lạnh, mạch máu co lại, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Bạn có thể tắm 2 ngày/lần. Người già có thể tắm 3-4 ngày/lần. Tốt nhất nên tắm lúc 13-14h, khi nhiệt độ trong ngày cao nhất, không tắm vào sáng sớm và tối khuya, mỗi lần chỉ nên kéo dài 5-7 phút. Bạn không nên tắm quá lâu vì có thể ảnh hưởng tới tuần hoàn máu do chênh lệch nhiệt độ.

3. Không nên tắm nước quá nóng hoặc lạnh

Tắm nước quá nóng kích thích hệ thần kinh gây giãn mạch dẫn tới tụt huyết áp. Mạch máu trên da giãn nở hết cỡ gây thiếu oxy khiến bạn chóng mặt hoặc ngất xỉu. Còn tắm nước quá lạnh gây chênh lệch nhiệt độ, co mạch có thể dẫn tới tắc mạch máu.

4. Nên tắm trong phòng kín gió

Phòng tắm cần kín gió, có thể thêm đèn sưởi. Tắm xong, bạn lau khô người mặc thật ấm trước khi ra ngoài, tránh chênh lệch nhiệt độ.