Trang

6 thói quen dễ gây đột quỵ, bác sĩ tim mạch không bao giờ làm nhưng nhiều người mắc

6 thói quen dễ gây đột quỵ, bác sĩ tim mạch không bao giờ làm nhưng nhiều người mắc
6 thói quen dễ gây đột quỵ, bác sĩ tim mạch không bao giờ làm nhưng nhiều người mắc

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 17 triệu người mắc đột quỵ. Trong đó, khoảng 5 triệu người tử vong và 5 triệu phải gánh chịu hậu quả thương tật vĩnh viễn do đột quỵ gây ra.

Ở Việt Nam, mỗi năm nước ta ghi nhận thêm 200.000 ca mắc mới đột quỵ và 11.000 tử vong do đột quỵ.

Đột quỵ là một trường hợp cấp cứu y tế nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng. Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não bị cắt đứt, thường là do cục máu đông hoặc vỡ mạch máu gây xuất huyết.

Có nhiều yếu tố được biết là làm tăng nguy cơ đột quỵ, chẳng hạn như hút thuốc, huyết áp cao, cholesterol cao, thừa cân hoặc béo phì hoặc lối sống kém lành mạnh.

Bác sĩ về thần kinh và mạch máu Anthony Kim, giám đốc y khoa của Trung tâm Đột quỵ thuộc Đại học California, San Francisco, Mỹ cho biết có 6 thói quen dễ gây đột quỵ mà ông không bao giờ làm. Ông cũng khuyên mọi người sớm thay đổi các thói quen này nếu mắc phải.

6 thói quen xấu làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ

1. Bỏ qua bệnh lý huyết áp cao

Bác sĩ Kim cho biết huyết áp cao nếu không được kiểm soát kịp thời có thể tác động đến sức khỏe tim mạch, tăng nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, tình trạng huyết áp cao lại ít khi được mọi người quan tâm và tầm soát sớm.

"Đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ. Chúng tôi thường gọi huyết áp cao là kẻ giết người thầm lặng vì huyết áp cao không gây ra các triệu chứng rõ ràng, rất khó nhận biết. Điều này khiến nhiều người bỏ lỡ cơ hội điều trị huyết cao và gặp nhiều biến chứng nặng như đột quỵ", bác sĩ Kim nói.

 - Ảnh 1.

Huyết áp cao nếu không được kiểm soát kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, tăng nguy cơ đột quỵ. (Ảnh: Cardiovascular Specialty Imaging)

2. Ít vận động

Bác sĩ Arthur Wang, giám đốc khoa phẫu thuật thần kinh nội mạch tại Trường Y khoa Đại học Tulane, Mỹ cho biết lối sống ít vận động có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Ít vận động có nghĩa là bạn đang dành quá nhiều thời gian để ngồi hoặc nằm và không bao giờ hoặc hiếm khi dành thời gian để tập thể dục hoặc di chuyển. Đây là thói quen phổ biến của nhiều người, đặc biệt là dân văn phòng.

Thói quen ít vận động kết hợp với chế độ ăn kém lành mạnh có thể gây ra tình trạng thừa cân và béo phì, từ đó làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và có thể dẫn đến đột quỵ.

"Nghiên cứu chứng minh rằng tập thể dục thường xuyên có thể ngăn chặn sự tích tụ mảng bám trong động mạch, hạn chế tình trạng tắc nghẽn mạch máu và phòng ngừa đột quỵ. Vì vậy, chúng tôi thường khuyên mọi người nên tập thể dục vừa phải, khoảng 30 phút/ngày và tập 5 lần/tuần", bác sĩ Wang nói.

6 thói quen dễ gây đột quỵ, bác sĩ tim mạch không bao giờ làm nhưng nhiều người mắc - Ảnh 1.

Lối sống ít vận động có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. (Ảnh: The Chiropractors)

3. Không kiểm tra sức khỏe định kỳ

Theo bác sĩ Wang, một số yếu tố nguy cơ gây đột quỵ chẳng hạn như mỡ máu, huyết áp cao, tăng đường huyết,... thường không gây ra bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Các tình trạng kể trên thường chỉ được phát hiện khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều người bỏ qua việc khám sức khỏe định kỳ vì cho rằng bản thân vẫn khỏe mạnh, cơ thể không có triệu chứng bất thường. Điều này có thể khiến mọi người không phát hiện và kiểm soát các vấn đề mỡ máu, huyết áp,... kịp thời, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Bác sĩ Wang nhận định: "Tôi cho rằng kiểm tra sức khỏe định kỳ là thói quen cần thiết để dự phòng đột quỵ".

6 thói quen dễ gây đột quỵ, bác sĩ tim mạch không bao giờ làm nhưng nhiều người mắc - Ảnh 2.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ là thói quen cần thiết để dự phòng đột quỵ. (Ảnh: The Thriver)

4. Hút thuốc lá

Bác sĩ Kim giải thích: "Hút thuốc lá là một trong những thói quen làm tăng nguy cơ đột quỵ và các bệnh tim mạch. Các chất độc trong thuốc lá có thể khiến mạch máu bị thu hẹp và theo thời gian, tình trạng này có thể gây tắc nghẽn lưu lượng máu đến não, từ đó dẫn đến đột quỵ".

Cả bác sĩ Kim và bác sĩ Wang đều đồng tình rằng, mọi người cần hạn chế hút thuốc lá để phòng ngừa đột quỵ.

5. Uống quá nhiều rượu

Lạm dụng rượu bia thực sự không tốt cho sức khỏe. Rượu bia không chỉ làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư, bệnh gan mà còn có thể gây ra đột quỵ.

Bác sĩ Kim cho biết các nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa việc sử dụng rượu quá mức và nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Theo đó, rượu kích thích hệ thần kinh trung ương, dẫn đến hàng loạt phản ứng như tim đập nhanh, tăng huyết áp.

Theo nghiên cứu từ Hiệp hội Tim mạch Châu Âu, uống quá nhiều rượu có thể khiến nhịp tim tăng cao đột ngột. Nhịp tim tăng đột ngột có thể gây ra chứng rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều), đặc biệt là với những người mắc bệnh tim mạch.

Các yếu tố như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim có thể tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là những người mắc bệnh lý nền.

Lạm dụng rượu bia gây hại cho sức khỏe tim mạch. (Ảnh: The Ridge Ohio)

6. Có chế độ dinh dưỡng bất hợp lý

Chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng giúp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.

Chế độ ăn uống bất hợp lý, chẳng hạn như ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo bão hòa, đường và muối có thể gây ra tình trạng tăng huyết áp, mỡ máu, tăng đường huyết,... gây ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch và "dẫn lối" cho đột quỵ.

Bác sĩ Kim và bác sĩ Wang khuyến cáo, để phòng ngừa đột quỵ, mọi người nên hạn chế các thực phẩm kém lành mạnh kể trên. Thay vào đó nên tăng cường ăn các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, chẳng hạn như các loại rau, củ, quả, các loại hạt, các loại đậu hoặc ngũ cốc nguyên cám.

Mộc Miên


Nguồn 
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/6-thoi-quen-de-gay-dot-quy-bac-si-tim-mach-khong-bao-gio-lam-nhung-nhieu-nguoi-mac-a485793.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét