Uống Omega-3 hàng ngày có tốt?
Axit béo Omega-3 đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể vậy, uống Omega-3 hàng ngày có tốt không?
Dầu cá Omega-3 là gì?
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, Omega-3 là axit béo không no cần thiết cho cơ thể, trong đó gồm 3 loại chính DHA (axit docosahexaenoic), EPA (axit eicosapentaenoic) và ALA (axit alpha-linolenic).
Omega-3 được tìm thấy có nhiều trong các loại dầu cá thu, cá hồi, cá ngừ, cá trích. Nhờ đó, dầu cá Omega-3 là nguồn chất béo lành mạnh giúp cải thiện và bảo vệ sức khỏe đặc biệt đối với hệ tim mạch, thần kinh, thị giác, não bộ. Dù Omega-3 cần thiết và có nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng cơ chế tự nhiên của cơ thể không có khả năng tổng hợp được các hoạt chất này.
Tác dụng của Omega-3 với sức khoẻ
Dầu cá Omega-3 có thể xem là loại chất béo có lợi, tốt cho sức khỏe ở mọi độ tuổi. Dưới đây là một số công dụng phổ biến của loại axit béo nào đối với cơ thể.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Khi cơ thể được bổ sung dầu cá Omega-3 giúp tăng hàm lượng cholesterol có lợi HDL - cholesterol, từ đó giúp hạn chế tích tụ mỡ thừa, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và máu lưu thông dễ dàng hơn. Nhờ đó, Omega-3 có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng cao huyết áp.
Đối với chức năng tim mạch, Omega-3 còn có khả năng làm giảm khoảng 15 - 30% triglycerides giúp hạn chế các nguy cơ bệnh tim mạch cũng như tỷ lệ mắc bệnh viêm tụy. Omega-3 cũng hỗ trợ cải thiện các vấn đề mỡ trong máu, gan nhiễm mỡ để tránh nguy cơ biến chứng ảnh hưởng đến tim mạch.
Cải thiện thị lực
DHA là thành phần chiếm tỷ lệ lớn trong cấu trúc của võng mạc mắt. Việc thiếu hụt DHA trong cơ thể có thể gây suy giảm thị lực và tình trạng khô mắt. Cơ thể được bổ sung đầy đủ Omega-3 sẽ giúp đẩy lùi tình trạng thoái hoá điểm vàng có thể gây tổn thương mắt hoặc mù loà.
Đặc biệt với trẻ sơ sinh và trẻ em, thiếu hụt loại Omega-3 này ảnh hưởng đến sự phát triển của mắt khiến trẻ dễ mắc các vấn đề về mắt như khả năng nhìn kém, cận thị, loạn thị sớm.
Hỗ trợ não bộ
Trong cấu tạo não bộ chứa khoảng 60% từ chất béo trong đó tỷ lệ axit béo Omega-3 cụ thể là DHA chiếm khoảng 1/4. Hoạt chất này có vai trò quan trọng trong việc tăng độ nhạy của các nơ ron thần kinh, cải thiện độ đàn hồi của tế bào và thần kinh.
Nhờ đó, các hoạt động dẫn truyền thông tin trong não bộ đến các cơ quan được diễn ra chính xác và nhanh chóng. Vì thế, khi cơ thể thiếu hụt Omega-3 sẽ dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng, khó tập trung trong quá trình học tập, làm việc.
Cải thiện giấc ngủ
Bổ sung đều đặn dầu cá Omega-3 hàng ngày không chỉ giúp hỗ trợ cải thiện bệnh lý mà còn giúp tăng chất lượng giấc ngủ, giảm tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu, rối loạn giấc ngủ.
Omega-3 tác dụng tăng tính liên kết của các tế bào thần kinh kết hợp với khả năng điều hoà nhịp tim, huyết áp, từ đó giúp giấc ngủ ngon và sâu hơn. Đặc biệt đối với trẻ em và người lớn tuổi khi thiếu hụt Omega-3 sẽ dễ gặp các triệu chứng mất ngủ, khó ngủ.
Làm đẹp da
Omega-3 cũng là thành phần quan trọng trong cấu trúc da với chức năng xây dựng và nuôi dưỡng các tế bào da. Vì thế bổ sung Omega-3 bên cạnh các loại sản phẩm dưỡng da hàng ngày là giải pháp giúp làn da khỏe mạnh toàn diện.
Bổ sung Omega-3 giúp kiểm soát tiết dầu nhờn trên da, tăng cường độ ẩm từ đó ngăn chặn hình thành nếp nhăn, đẩy lùi quá trình lão hoá, giảm tình trạng sừng nang lông. Đồng thời axit béo này còn giúp giảm tình trạng mụn sưng viêm và làm lành vết thương hiệu quả.
Uống Omega-3 hàng ngày có tốt cho sức khoẻ?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS Lê Bách, Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền (Hà Nội) cho biết, uống Omega-3 mỗi ngày hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu cũng như tình trạng sức khỏe của mỗi người. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều được khuyến cáo bổ sung thành từng đợt kéo dài ít nhất 3 tháng.
Liều lượng bổ sung Omega-3 ở mỗi người cũng có thể khác nhau. Đối với người trưởng thành khỏe mạnh, hầu hết được khuyến nghị tối thiểu 250-500 mg EPA và DHA kết hợp mỗi ngày. Với phụ nữ mang thai, nên cung cấp khoảng 500 mg mỗi ngày trong suốt chu kỳ và hàm lượng này có thể tăng vào cuối chu kỳ, vì đây là giai đoạn thai nhi hình thành não bộ và thần kinh.
Ngoài ra, một số trường hợp với tình trạng sức khỏe nhất định có thể cần bổ sung Omega-3 nhiều hơn những người bình thường. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng phù hợp đối với bạn.
Mỗi sản phẩm thực phẩm bổ sung Omega-3 có thể chứa lượng EPA và DHA khác nhau. Điều quan trọng là phải đọc nhãn thực phẩm bổ sung Omega-3 để biết nó chứa bao nhiêu EPA và DHA. Từ đó, có thể xác định được cần uống bao nhiêu viên để đạt được lượng khuyến nghị.
Cách tốt nhất để nạp đủ lượng Omega-3 cần thiết là ăn cá béo ít nhất 2 lần mỗi tuần. Ngoài ra, có thể sử dụng thực phẩm bổ sung, thường được gọi là viên dầu cá, chứa axit béo Omega-3 chuỗi dài EPA và DHA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét