Trang

Cách phòng tránh lây nhiễm HIV khi bị vật nhọn đâm

kenh14.vn - 15:30:00 06/09/2014

Cùng tìm hiểu những kiến thức và phương pháp sơ cứu nhằm ngăn chặn virus HIV xâm nhập cơ thể nếu vô tình bị kim tiêm hay vật nhọn đâm phải.

Như đã đưa tin, dư luận gần đây đang xôn xao về sự việc đáng tiếc xảy ra tại trường THCS Xuân Thiên, Thanh Hóa. Theo đó, chỉ vì tham gia vào trò đùa nghịch đâm vật nhọn vào mọi người mà hiện nay, đã có trường hợp học sinh bị nhiễm virus HIV bị phát hiện.
 
Nguy hiểm hơn, có khoảng tới 40 em học sinh là nạn nhân của trò đùa này và tất cả đều rất hoang mang lo sợ lây nhiễm HIV.
 

Ngôi trường nơi xảy ra sự việc.

Sự việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng mà những trò đùa dại dột có thể mang lại, nhất là đối với giới trẻ.
 
Đồng thời, hơn bao giờ hết, mỗi chúng ta cũng cần tự trang bị những kiến thức cần thiết cho bản thân, nhằm phòng tránh việc lây nhiễm HIV khi bị thương bởi những vết đâm của vật nhọn…
 


Đầu tiên chúng ta cần biết rằng, để phòng tránh lây nhiễm HIV, cần phải hiểu được khái niệm phơi nhiễm (exposure). Ở góc độ đơn giản, đó là tình trạng xảy ra khi bạn bị vật nhọn (thường là kim tiêm) dính máu của người nhiễm HIV đâm phải và gây ra vết thương chảy máu.
 
Khi đó, bạn đã tiếp xúc với tác nhân gây bệnh (virus HIV) và có nguy cơ lây nhiễm ở một tỉ lệ nhất định. Nói cách khác, khi phơi nhiễm thì chưa thể khẳng định chắc chắn một người mắc HIV hay không.

 


Do đó, trong trường hợp bị vật nhọn đâm chảy máu, cần tiến hành sơ cứu tại chỗ ngay lập tức. Nhiều người thường có thói quen nặn máu với suy nghĩ làm vậy để cho máu độc chảy ra ngoài, song thực tế điều này rất nguy hiểm.
 
Việc nặn máu khiến vết thương dễ sưng tấy dẫn đến viêm nhiễm, tăng nguy cơ xâm nhập cơ thể của virus. Do đó, không nên nặn máu.

Thay vào đó, cần rửa vết thương dưới nước lạnh trong vài phút nhằm rửa sạch vết thương, khiến máu chảy ra nhiều hơn và hạn chế virus xâm nhập vào máu.


 


Khi rửa cần chú ý không chà xát mạnh lên vết thương, sau khi rửa phải lau khô bằng bông, gạc y tế rồi băng lại.

 




Công đoạn sơ cứu tiếp theo đó là rửa sạch các bộ phận có nguy cơ dính máu do vật nhọn hoặc do quá trình rửa vết thương vô tình gây ra (mặt, chân, tay…). Bạn cũng nên thay quần áo khác, rửa mắt, mũi bằng các dung dịch sát trùng trong vài phút.

 


Sau khi hoàn thành việc sơ cứu, bạn cần khẩn trương di chuyển tới các trung tâm y tế. Tại đây, cần tường thuật đầy đủ mọi chi tiết về việc bị vật nhọn đâm để các bác sĩ có biện pháp hỗ trợ hợp lý.
 
Thông thường, các bác sĩ sẽ tiêm ngay cho bệnh nhân thuốc ngăn ngừa uốn ván căn cứ theo tiền sử tiêm chủng trong quá khứ.

 


Trong trường hợp nghi ngờ lây nhiễm HIV, bạn sẽ được bác sĩ cho sử dụng ngay thuốc PEP. Đây là loại thuốc kháng virus HIV có tác dụng rất tốt, nhất là trong vài giờ đầu tiên sau khi phơi nhiễm (hiệu quả bảo vệ lên đến 90 – 95%) và kéo dài trong khoảng 72 giờ sau đó.

 


Ngoài ra, cũng cần dự phòng các trường hợp lây nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C. Trong thực tế, các nhà khoa học đã chứng minh rằng, tỉ lệ lây nhiễm hai loại virus này là rất cao (viêm gan B lên tới 30%, viêm gan C là 10%) trong khi lây nhiễm HIV chỉ là 0,03%.
 
Do đó, không nên quá hoảng loạn, lo sợ bị mắc phải căn bệnh thế kỉ bởi khả năng này là không cao.

 
 
Người bệnh sau khi thực hiện tất cả các biện pháp dự phòng trên cần tiếp tục được theo dõi y tế thường xuyên.



 
Nếu được bác sĩ chỉ định, bệnh nhân sẽ phải uống thuốc kháng virus ARV đủ 28 ngày, làm các xét nghiệm HIV sau một tháng, 3 tháng và 6 tháng để khẳng định chắc chắn mình có bị lây nhiễm hay không.
 
Tạm kết:
 
Hãy hành động ngay chứ không nên để tới khi mọi chuyện trở nên quá muộn. Muốn phòng tránh HIV, hãy xây dựng nếp sống lành mạnh, không sử dụng ma túy và chung bơm kim tiêm với người khác, quan hệ tình dục an toàn và nói không với các tệ nạn xã hội khác.
 
(Nguồn: Wikihow, Catie, Osha, Wikipedia...)
 

Theo

Antonio / MASK Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét