chuabenh.info - Aug 14, 2014 by
Cây lá lốt (tên khoa học là Piper lolot C. DC) thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae) là một loại cây thảo sống dai, cao 30 – 40cm, mọc bò, thân cành có phủ ít lông và phồng lên ở các mấu. Lá đơn nguyên mọc so le, hình tim, rộng, nhẵn, mép uốn lượn, đáy hình tim, đầu lá thuôn nhọn, gân lá chằng chịt hình mạng lưới, cuống lá có bẹ ở gốc. Cụm hoa là một bông đơn độc ở kẽ lá. Quả mọng chứa một hạt. Cây ra hoa, có quả vào mùa thu, từ tháng 8 đến 10.
Lá lốt là một loại rau thơm gia vị rất quen thuộc của nhân dân ta. Ở nông thôn bà con ta trồng phổ biến lá lốt trong vườn nhà để làm gia vị, nấu thức ăn và làm thuốc. Nhiều món ăn thiếu lá lốt mất ngon, coi như không đủ gia vị. Nhiều nơi bà con ta dùng lá lốt phối hợp với thực phẩm khác chế biến thành những món ăn gần như đặc sản của địa phương, như món thịt bò xào lá lốt xứ Huế, miếng thịt nâu hồng vị ngọt cay, thơm nức mùi lá lốt, ăn nóng với cơm hoặc bún rất ngon. Ở miền Nam bà con ta cũng chuộng món lươn cuốn lá lốt, ăn thơm ngon, đậm đà, béo ngậy.
Ngoài giá trị làm thức ăn và gia vị, từ lâu đời lá lốt đã được nhân dân ta dùng làm thuốc chữa thấp khớp và một số bệnh khác. Bộ phận được dùng làm thuốc là cả cây, thu hái lúc có hoa càng tốt.
Theo y học dân tộc, lá lốt vị cay, mùi thơm, tính rất ấm, có tác dụng trừ thấp, ấm bụng, tiêu thực, hạ khí trừ hôi tanh.
Theo nghiên cứu của bộ môn Trường đại học dược khoa Hà Nội, thành phần hoá học của lá lốt chủ yếu là tinh dầu (tỷ lệ 0,57%), piperin, piperidin. Kết quả thực nghiệm trên sức vật cho thấy nước ép lá lốt, cao lá lốt tươi và cao lá lốt khô đều có tác dụng kháng sinh, chống viêm rõ rệt trên súc vật gây viêm thực nghiệm.
Theo nghiên cứu về kháng sinh thảo mộc của Viện y học dân tộc, lá lốt (giã dập) có tác dụng mạnh đối với nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Staphylococcus, Streptococcus, Salmonella typhi, Shigella flexneri, sonnei, Shiga, B. subtilis, Es. coli, C. diphteriae, D. pneumoniae, H. pertusis… Điều này phù hợp với thực tế sử dụng lá lốt chữa các bệnh thấo khớp, đau răng và nhiều bệnh viêm nhiễm khác của nhân dân ta.
Trong nhân dân ta, lá lốt được dùng chữa nhiều bệnh, chủ yếu là chữa thấp khớp, chân tay lạnh, tê bại, đau lưng, mỏi gối, đau răng, rối loạn tiêu hoá, nôn mửa, đau bụng, đầy bụng, tiêu chảy do phong hàn. Liều dùng mỗi ngày từ 8 – 12g dưới dạng thuốc sắc. Có thể dùng tươi hay phơi khô.
Sau đây là một số bài thuốc dùng lá lốt chữa thấp khớp, đau răng:
Thấp khớp (Rheumatoid Arthritis), hay còn gọi là bệnh phong thấp, là một căn bệnh liên quan đến hệ thống tự miễn dịch (bệnh tự miễn nhiễm), mà nguyên nhân chính là do sự viêm nhiễm mãn tính phần dịch khớp gây ra, thường đi kèm với các đặc điểm đa hệ khác.
Chứng bệnh tự miễn nhiễm là trình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động chống lại chính các mô tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Với bệnh thấp khớp, lớp màng hoạt dịch khớp chính là đối tượng chịu tấn công và bị tổn thương, do chính hệ miễn dịch của cơ thể gây ra.
1. Chữa thấp khớp, đau nhức xương:
Bài 1: Lá lốt 20g, thiên niên kiện 12g, gai tầm xoọng 16g. Sắc với 400ml nước, uống ngày một thang.
Bài 2: Lá lốt (cả rễ và thân cây) 20g, dây đau xương 10g, rễ thầu dầu tía 10g.
Tất cả cắt ngắn, phơi khô, sắc với 600ml nước, còn lấy 200ml, uống làm hai lần trong ngày. Dùng 7 – 8 ngày.
Bài 3: Lá lốt 20g, cỏ xước 20g, cành dâu 20g, cà gai leo 20g, ngải cứu 10g. Tất cả sao qua, sắc uống mỗi ngày một thang, trong 3 – 5 ngày liền.
2. Chữa đau răng:
Lấy rễ lá lốt, rửa thật sạch, giã nát với mấy hạt muối, ép lấy nước, dùng bông sạch tẩm vào răng đau, ngậm 2 – 3 phút rồi xúc miệng bằng nước muối. Ngày tẩm thuốc 3 – 4 lần, trong 1 – 2 ngày răng đau sẽ khỏi hoặc giảm đau rõ rệt.
Sau đây là những nguyên tắc phòng bệnh răng miệng: Đánh răng trước khi đi ngủ. Tốt nhất là đánh răng sau mỗi bữa ăn, hoặc dùng chỉ tơ nha khoa để làm sạch kẽ răng. Tránh ăn nhiều đường, nhiều kẹo, bánh ngọt, nước ngọt nhất là trước khi đi ngủ. Không ăn trầu, hút thuốc lá, nghiện rượu… Súc miệng hằng ngày bằng nước muối loãng. Định kỳ đi khám răng hoặc khám bất kỳ lúc nào thấy đau răng. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây viêm lợi và quanh răng là do vi khuẩn ở mảng bám răng (cao răng) do vậy nên đến bác sĩ lấy cao răng 6 tháng/lần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét