(LĐĐS) - Số 04 Ngọc Phương
Lâu nay, các chuyên gia dinh dưỡng đã cảnh báo về mức nguy hại của mì ăn liền đối với sức khỏe. Một nghiên cứu về mì ăn liền mới được công bố một lần nữa đã kết tội mì ăn liền - món ăn được người tiêu dùng cả thế giới ưa chuộng - là loại thực phẩm "nguy hiểm" cho sức khỏe.
Một nghiên cứu kỳ công của bác sĩ Braden Kuo - Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ) - thực hiện về quá trình tiêu hóa phức tạp của mì ăn liền trong dạ dày. Sử dụng M2A - một thiết bị camera LED tí hon bằng cỡ viên thuốc con nhộng được nuốt vào đường tiêu hóa, các nhà khoa học đã theo dõi hai người ăn bữa ăn tương tự nhau: Một thực đơn gồm những thực phẩm chế biến sẵn (nước uống thể thao, mì ăn liền và mứt dẻo) và một thực đơn là những thực phẩm nhà làm (nước bụp giấm, mì tự làm và mứt dẻo làm từ nước quả).
Quá trình tiêu hóa những thực phẩm này ở hai người có sự khác biệt rõ rệt. Với người ăn mì ăn liền thì sau 2 tiếng vẫn còn nguyên hình sợi mỳ trong dạ dày. Còn sợi mỳ tươi tự làm đã được tiêu hóa hết. Các nhà khoa học giải thích, sở dĩ mì ăn liền khó tiêu trong dạ dày bởi nó có chất bảo quản độc hại TBHQ (tertiary-butyl hydroquinone). TBHQ là một chất bảo quản hay được sử dụng cho một số loại thực phẩm chế biến sẵn, các loại thức ăn nhanh, đóng gói sẵn có thể kéo dài tuổi thọ của các thực phẩm chế biến sẵn, giàu chất béo.
Hiện nay, TBHQ cũng được tìm thấy trong véc ni, sơn mài, các sản phẩm thuốc trừ sâu, mỹ phẩm và nước hoa. Các chuyên gia thuộc Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác nhận, TBHQ an toàn cho người khi được tiêu thụ ở mức 0-0.5mg/kg. Nếu tiêu thụ vượt quá mức 5 gram TBHQ có thể tử vong. Những hậu quả mà TBHQ để lại cho cơ thể còn có các triệu chứng như buồn nôn, ói mửa, ù tai, mê sảng, mệt mỏi, đột quỵ...
Kết quả này đã gây sốc nhưng nó mang lại cái nhìn chân thật nhất về mì ăn liền từ trước tới nay. Đây sẽ là lời nhắc nhở đối với những "tín đồ" của mì ăn liền.
Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, phụ nữ ăn mì ăn liền nhiều hơn hai lần một tuần có 68% khả năng rối loạn chuyển hóa, bao gồm cao huyết áp, béo phì, tăng hàm lượng chất béo trung tính, tăng đường huyết và giảm nồng độ HDL cholesterol (loại cholesterol có ích).
Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về tiêu thụ mì ăn liền
Thống kê chưa đầy đủ gần đây nhất tại Việt Nam cho thấy, sử dụng mì ăn liền đã trở thành thói quen không thể thiếu với mức tiêu thụ từ 1-3 gói/người/tuần. Mỗi năm, nước ta tiêu thụ từ 5,1 - 5,4 tỉ gói MAL, đứng thứ 4 thế giới (sau Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ). Đa số tín đồ mì ăn liền đều cho rằng nó tiện dụng, ngon miệng, một số người ăn liền tù tì đến mức nghiền, coi đó là thực phẩm "ruột", không thể thiếu hàng ngày. Tuy nhiên, ít ai biết rằng mì ăn liền là thủ phạm gây ra rất nhiều bệnh tật.
Cách đây không lâu, Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM đã phát hiện chất trans fat có trong nhiều sản phẩm mì gói đang tiêu thụ trên thị trường. Có tới 38% mẫu có chứa trans fat. Trans fat được các nhà sản xuất mì "ưa chuộng" bởi loại chất béo độc hại này rất "đắc lực" trong việc "kéo dài tuổi thọ" và làm cho sợi mì "có vẻ ngon hơn". Như thế, một lượng trans fat không thể chuyển hóa đã được nạp vào cơ thể khi thưởng thức những tô mì. Sau đó, chất béo này dần dần tích lũy lại và gây ra các chứng bệnh tim mạch, đột quỵ nguy hiểm.
Theo WHO, trans fat gây tăng mức cholesterol xấu trong máu dẫn đến tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch. Ngoài ra, khi xâm nhập và đông đặc trong máu, chất béo này tạo ra những mảng tiểu cầu dạng mỡ bám vào thành mạch máu, dần dần bịt kín mạch máu, hậu quả là làm cho máu không lưu thông được, gây tắc nghẽn và dẫn đến nguy cơ đột quỵ. TS Nguyễn Bạch Yến - Phó Viện trưởng Viện Tim mạch - BV Bạch Mai - cho rằng: "Chính chế độ ăn uống, đặc biệt là chế độ ăn nhiều loại thức ăn chứa chất béo nguy hại trans fat, chất bảo quản độc hại… trong bữa ăn hằng ngày đã gây nên tình trạng rối loạn lipid máu, dẫn đến các bệnh tim mạch và đột quỵ tăng cao trong những năm gần đây".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét