Trang

Điểm lại tình hình Vệ sinh an toàn thực phẩm năm (7/2014)

Thông tin mới nhất vụ bột làm thạch có chất gây ung thư

(VTC News) – Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế họp với các bên liên quan thống nhất về cách xử lý với 16 tấn bột sương sáo chứa chất gây ung thư.
 
Ngày 28/7, Bộ Y tế họp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Hải quan để cho ý kiến và đề xuất phương án giải quyết về lượng bột sương sáo chứa chất gây ung thư.

Thông tin mới nhất vụ bột làm thạch có chất gây ung thư
Bột sương sáo làm thạch đen.
Trước đó, tháng 6/2014 Công ty TNHH Thương mại sản xuất 3K (Công ty 3K; 53 Bùi Tư Toàn, Phường Âu Lạc, Quận Bình Tân, TP.HCM nhập khẩu lô hàng 16 tấn bột sương sáo đen và trắng.

Ngày 1/7/2014 Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Trung tâm 3) thuộc Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành lấy mẫu tại cảng.

Trung tâm 3 đã cấp Giấy xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu cho lô hàng nói trên. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, Đội Chống buôn lậu (Đội 4) của Tổng Cục Hải quan và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã lấy mẫu đối với lô hàng này và gửi Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an kiểm tra.

Kết quả cho thấy hàm lượng thủy ngân, asen vi phạm quy định cho phép hơn chục lần.

Cụ thể, sản phẩm bột sương sáo đen có chứa hàm lượng chì cao hơn tiêu chuẩn công bố là 1,4 lần; Hàm lượng Asen cao hơn 18,5 lần; Hàm lượng thủy ngân cao hơn 11 lần. Đặc biệt, sản phẩm bột sương sáo trắng có chứa hàm lượng thủy ngân cao hơn gấp 7,4 lần tiêu chuẩn công bố.

Các bên họp và thống nhất hướng giải q uyết: Lô hàng chưa được cơ quan Hải quan làm thủ tục thông quan vì cơ quan Hải quan đang tiến hành điều tra, xác minh thêm thông tin để làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm nếu có. Cơ quan Hải quan sớm đưa ra kết quả xử lý vụ việc và thông báo cho các cơ quan hữu quan.

Trong quá trình cơ quan Hải quan điều tra, xác minh, nếu cần, cơ quan Hải quan có văn bản đề nghị Bộ Y tế chỉ định cơ quan kiểm nghiệm độc lập theo quy định tại Điều 20 của Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

Một chuyên gia cho biết, việc sử dụng thực phẩm có chứa hàm lượng chì vượt quá giới hạn tối đa cho phép sẽ làm suy giảm chỉ số thông minh ở trẻ em, suy thận, tăng huyết áp, thiếu máu, giảm trí nhớ, với phụ nữ có thể bị sảy thai.

Ngộ độc chì có thể gây phù não, phá hủy tế bào não, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, gây vô sinh, sảy thai, phụ nữa có thai sinh non. Người sử dụng thực phẩm có chứa hàm lượng các chất Asen, thủy ngân sẽ gây bệnh ung thư.
 
Nam Anh
 

Bắp luộc vỉa hè, người bán không dám ăn

(VTC News) – Trực tiếp sử dụng các hóa chất để luộc bắp bán cho người tiêu dùng nhưng ngược lại, người luộc bắp lại không dám dùng bắp mình luộc đi bán để ăn mà phải luộc riêng mới ăn được.
 
Liên quan đến luộc bắp bằng hóa chất và pin, chúng tôi có dịp đi thực tế tại các lò luộc bắp đi bán dạo ở khắp các chợ, trường học bệnh viện tại TP.HCM. Tại đây, chúng tôi được nghe kể lại quy trình luộc bắp làm sao để bắp nhanh chín, thơm, ngọt và có thể để lâu mà không bị ôi thiu.

Điều đặc biệt, chúng tôi được nghe những người từng luộc bắp đi bán cho biết, "người luộc bắp là để đi bán, còn muốn ăn thì phải luộc riêng, không bỏ hóa chất vào".


Luộc bắp bằng hóa chất mới có lãi

Chúng tôi có mặt tại chợ bắp ngã ba Bầu, (ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM). Tại đây, bắp sống được bán với giá từ 1.400 đến 3.000 đồng/bắp, tùy từng loại và tùy vào chất lượng bắp có ngon hay không.

Bà Tám, người vừa bán bắp sống, vừa luộc bắp để bán tại chỗ cho chúng tôi biết, chợ ngã ba Bầu là nơi cung cấp bắp sống cho toàn thành phố. Hàng ngày, rất nhiều người đến đây mua bắp về luộc đi bán.

Nhìn chúng tôi, bà hỏi: "Tụi bay xuống đây mua bắp về nấu bán lại hay sao? Đừng có dùng mấy thứ hóa chất mà nấu rồi có ngày bị công an 'hỏi thăm' đấy".


Bắp luộc vỉa hè, người bán không dám ăn
Một lò nấu bắp nằm trên đường Quang Trung, Gò Vấp 
Bà Tám kể lại, vừa rồi, công an họ kiểm tra mấy lò luộc bắp gần ngã tư An Sương thì phát hiện các chủ lò đều dùng hóa chất và pin để luộc nên đã bị xử lý rất nghiêm. Hiện nay, mấy lò ấy không còn hoạt động được nữa.

Chúng tôi hỏi, luộc bắp bằng pin thì luộc làm sao? Bà Tám cho biết, để bắp nhanh chín, khi luộc, người ta cho một hai cục pin vào nấu chung, bắp chín rất nhanh. Nhưng người luộc phải canh chừng, nếu không để quá lửa bắp sẽ bị nhão.

 

Bắp luộc vỉa hè, người bán không dám ăn Người luộc bắp là để đi bán, còn muốn ăn thì phải luộc riêng, không bỏ hóa chất vào. Bắp luộc vỉa hè, người bán không dám ăn

Một người bán bắp
 
Bà Tám cũng cho biết luộc như vậy thì mới có lãi, vì thông thường, khi lấy bắp ở chợ đầu mối bắp không còn tươi, bắp để lâu ngày, hạt đã khô cứng lại nên luộc bằng củi thông thường sẽ rất lâu và rất tốn nhiên liệu. Hơn nữa, bắp sống lấy về đã có giá từ 1.400 đến 3.000 đồng/bắp, mà khi bán ra cũng chỉ có từ 2.500 đến 5.000 đồng/bắp thì chỉ có cách luộc bằng hóa chất mới giữ được tươi ngon như bắp mới hái từ vườn về.

Cũng liên quan đến việc dùng pin luộc bắp, chúng tôi có mặt tại lò nấu bắp ở hẻm 249, đường Tân Kỳ Tân Quý, Q.Tân Phú. Trước mắt chúng tôi là một khu nhà trọ tồi tàn xung quanh và một nấu bắp khổng lồ. Hàng trăm chiếc xe bán bắp phía trên đề bảng giá bắp 5.000 đồng/2 bắp, 10.000 đồng/3 bắp.

Phát hiện thấy người lạ đến, những người đàn ông liền ra "tiếp đón" chúng tôi. Một người đàn ông khoảng hơn 50 tuổi lớn tiếng đe dọa: "Tụi bay đến đây làm gì? Tụi bay là nhà báo đến đây viết bài phê phán việc làm ăn của ti tao phải không?". Rồi ông ta tuôn những lời nói khó nghe nhằm che giấu việc làm ăn bất chính của mình.

Không dám ăn bắp mình luộc

Mặc dù trực tiếp nấu bắp đi bán khắp nơi, nhưng khi đói bụng, người nấu bắp lại không dám ăn vì…sợ bị ngộ độc và sợ mang bệnh vào người.

Từng có thâm niên 14 năm luộc bắp đi bán nhưng đã "giải nghệ" để đi làm việc khác, bà Ba Ỏn (ở đường Quang Trung, Q.Gò Vấp) cho chúng tôi biết, hiện nay, đa số những người luộc bắp, đi bán đều sử dụng hóa chất để luộc bắp.


Bắp luộc vỉa hè, người bán không dám ăn
Bắp được bán ở khắp các đường phồ Sài Gòn với giá rất rẻ 

Bà Ba Ỏn cho biết, để nấu bắp ngọt, thơm, tươi và để lâu không bị ôi thiu, khi nấu bắp người ta còn cho thêm hương bắp, đường hóa học, muối diêm. Sau khi ra lò, bắp sẽ rất ngon và tươi như vừa hái ở vườn vào luộc, người ăn khó có thể phát hiện.

Ví dụ luộc 200 quả bắp, người ta cho hương bắp, 2-3 muỗng muối diêm, 2-3 muỗng đường hóa học và cặp pin vào luộc cho nhanh chín. Nhng hóa chất này đều được mua ở chợ Kim Biên.


Cầm bắp ngô chúng tôi mua trên tay, bà Ba Ỏn không dám ăn, khi chúng tôi mời rất nhiệt tình bà mới lấy một hạt cho vào miệng rồi nhanh chóng nhả ra. Bà nói bắp ngô bà cầm trên tay đã bị ngấm hóa chất do người luộc bỏ nên có vị ngọt rất lạ: "Tui từng nấu bắp lâu năm nên biết".

Theo sự chỉ dẫn của bà Ba Ỏn, chúng tôi đến lò nấu bắp của bà N nằm trên đường Quang Trung. Vừa tiếp chúng tôi, bà N vừa loay hoay cho bắp vào luộc để chuẩn bị đi bán. Bà N đã có nhiều năm luộc bắp đi bán, bà lấy bắp ở chợ bắp ngã ba Bàu với giá 3.500 đồng/trái khi luộc chín đi bán giá 5.000 đồng/trái.

Hằng ngày, bà thường chở bắp đi bán ở các chợ Bà Chiểu, Hạnh Thông Tây… và mỗi ngày bà bán khoảng gần 200 bắp.


Như biết được sự tình, bà N rất e dè và tránh trả lời những câu hỏi của chúng tôi, mặc dù chúng tôi có nhã ý sẽ đặt mua bắp dài hạn để về bán lại.

Sắp bắp cho vào nồi luộc, nhưng trước mặt chúng tôi, bà N chỉ cho nước và một ít muối vào nấu. Nhưng tranh thủ lúc chúng tôi không để ý, bà N cho một chất gì đó vào nồi với một động tác rất nhanh và khéo léo.

Hóa chất không rõ xuất xứ, nguồn gốc

Từ những lời thuật lại của những người nấu bắp, chúng tôi có mặt tại chợ Kim Biên. Tại đây, có vô vàn các loại hóa chất. Hỏi loại hóa chất nào cũng có. Nhưng do đã từng bị "hỏi thăm" nên tiếp đãi chúng tôi, người bán rất e dè. Đa số các tiểu thương đều ái ngại khi chúng tôi hỏi mua hàng.

Chúng tôi hỏi mua loại hóa chất dùng để luộc bắp nhanh mềm và lâu ôi thiu, người bán hàng tại cửa hàng K chỉ cho chúng tôi xem một bọc màu trắng, bằng bột, xay nhuyễn, không nhãn mác, không nơi sản xuất và hạn sử dụng có giá 100.000 đồng/kg.

Chị bán hàng chỉ cho chúng tôi, chỉ cần mua loại bột này về, cho vào nồi bắp 200 trái khoảng 2 muỗng cà phê thì bắp sẽ chín rất nhanh mà để lâu sẽ không bị ôi thiu. Nếu bán hôm nay không hết, để hôm sau hấp lại trông quả bắp vẫn tươi ngon như thường. Khi chúng tôi hỏi loại bột này có tên là gì, lưỡng lự một lúc chị bán hàng mới trả lời là…muối diêm.

Khi hỏi mua loại đường dùng cho việc nấu bắp, chị chủ quán cho biết, đó là loại đường hóa học, ngọt so với đường bình thường rất nhiều, có giá từ 80.000 đến 90.000/kg. Khi luộc bắp, chỉ cần cho vào vào khoảng 3 muỗng/200 quả bắp thì bắp sẽ rất ngọt. Loại đường này cũng không có nhãn mác, không biết xuất xứ.

Ngọc Thân
 
 

"Vạch mặt" hóa chất gây ung thư trong ngô luộc bán dạo

(Kiến Thức) - Muốn ngô luộc để cả ngày không bị ôi thiu, những người bán dạo đã cho vào nồi luộc nitrit, một chất diệt khuẩn mạnh nhưng là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh ung thư.
 
Nitrit là một chất không màu, không mùi, trắng như đường, rất dễ hòa tan trong nước. Nó là một chất khử rất mạnh, vì vậy có khả năng diệt khuẩn rất tốt.

Nitrit chỉ được phép sử dụng trong 1 số sản phẩn nhất định như sản phẩm giàu protein như: thịt, lạp xưởng, sữa... Bộ Y tế cho phép sử dụng nitrit trong việc bảo quản thịt ở một nồng độ cực kỳ nhỏ là 0,1%.

Bản thân nitrit là một chất cực độc. Nếu ăn phải nồng độ cao có thể gây chết người nhanh chóng. Tuy nhiên, việc sử dụng nitrit ở nồng độ cao là không có. Với một lượng nhỏ nitrit 0,1% sẽ giúp cho thịt được tươi lâu, giữ nguyên màu sắc và không bị hỏng. Cũng nhờ công dụng này của nitrit mà bán ngô muốn cho ngô không bị hỏng, không bị thiu, có thể bảo quản được lâu nên đã sử dụng nitrit.


PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội.
 
Việc Bộ Y tế cho phép sử dụng nitrit trong thịt bởi trong thịt sản sinh một loại vi khuẩn cực độc có thể gây chết người đối với những trường hợp ăn phải thịt có chứa vi khuẩn này. Vì vậy, sử dụng nitrit với hàm lượng nhỏ có thể bảo quản thịt tránh khỏi các loại vi khuẩn độc hại xâm phạm.

Với ngô, không được phép sử dụng nitrit để bảo quản. Bởi bản thân ngô không có các loại nấm mốc độc hại như nấm mốc trong thịt, không thể gây chết người. Việc người dân lạm dụng tính diệt khuẩn mạnh của nitrit cho vào ngô để bảo quản, trong trường hợp ấy, nitrit tích lũy trong cơ thể phản ứng với các acid amin có trong cơ thể sẽ chuyển thành chất nitrosamine là chất gây ung thư và ăn nhiều có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: "Nitrit kết hợp với các acid amin trong thực phẩm và acid amin trong cơ thể tạo thành chất nitrosamin. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh ung thư.

Vì vậy, hạn chế và không nên lạm dụng nitrit trong việc bảo quản thực phẩm. Trong trường hợp sử dụng nitrit để bảo quản thực phẩm thì không nên sử dụng quá nhiều. Khi sử dụng nitrit ở một lượng nhỏ, cơ thể có khả năng đào thải chất độc ra bên ngoài. Vì vậy không gây nhiễm độc.

Tuy nhiên, nếu sử dụng thực phẩm chứa nitrit trong một thời gian dài. Khiến cơ thể không kịp đào thải chất độc ra khỏi cơ thể, khả năng gây ung thư là rất cao".

Trên thực tế, việc sử dụng nitrit để bảo quản thực phẩm ở một lượng rất nhỏ, người ăn phải nitrit trong trường hợp này sẽ gây ra hiện tượng nhiễm độc trường diễn.

Khác với nhiễm độc cấp tính, nhiễm độc trường diễn diễn ra trong một thời gian dài. Cơ thể tích lũy một lượng lớn chất nitrit, hàm lượng nitrosamin cao khiến cơ thể không kịp đào thải kịp, tích lũy trong gan gây ra hiện tượng nhiễm độc, ung thư gan. Ngoài ra, cơ thể nhiễm nitrit gây hiện tượng thiếu oxi trong máu biểu hiện thường thấy như: khó thở, ngột ngạt.

Tác hại của nitrit đối với trẻ em và bà bầu

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói rõ: "Hiện tượng nhiễm độc nitrit với trẻ em là cực thấp, đặc biết với trẻ dưới 6 tháng tuổi. Bởi, ở lứa tuổi này, trẻ không có nhu cầu tiếp xúc với các sản phẩm có nguy cơ nhiễm nitrit cao như lạp xưởng, thịt sống hay ngô.

Tuy nhiên, trong trường hợp người mẹ đang cho con bú hay đang trong thời kỳ mang thai mà nhiễm độc nitrit ở nồng độ cao sẽ truyền qua cho con. Gây hiện gây hiện tượng nhiễm nitrit cho trẻ. Đây chính là nguyên nhân những trẻ nhỏ có các biểu hiện bệnh do nhiễm nitrit".

Khuyến cáo đối với người chế biến thực phẩm cần có kiến thức trong việc sử dụng các hóa chất bảo quản thực phẩm. Bởi các hóa chất bảo quản như "con dao hai lưỡi", nếu không biết cách sử dụng hay quá lạm dụng thì vô tình gây nguy hiểm tới sức khỏe người sử dụng.
 
 

Kinh hãi "chợ độc dược" Hà thành

GiadinhNet - Một nồi ngô luộc chỉ cần cho vài thìa "săm-pết" (còn gọi là muối diêm) là để cả tuần không thiu. Một nồi chè to chỉ vài viên "B1" là ngọt lừ như cho cả cân đường kính…

Chủ hàng khô tại chợ Ngã Tư Sở đang bán đường hóa học cho khách hàng (ảnh chụp chiều 6/11). Ảnh: Nam Hưng

 
Đường hóa học  tràn lan ở chợ!

Trong vai người tìm mua đường hóa học về luộc ngô, chúng tôi tiếp cận khu bán hàng khô của chợ Đồng Xuân – Bắc Qua (quận Hoàn Kiếm).  Tại đây, chúng tôi được người bán hàng giới thiệu loại đường "mía", có giá 55.000 đồng/gói 1 kg.
 
Thông tin trên bao bì gói đường in bằng tiếng Trung Quốc, mặt trước in hình bốn cây mía, mặt sau đề tên loại đường là "sodium cyclamate". Hạt đường dạng tinh thể nhỏ màu trắng, dẹt và hơi dính. Theo lời quảng cáo của người bán, loại đường này được nhiều người ưa chuộng bởi nó ngọt gấp 50 lần đường kính, vì vậy "một nồi ngô to chỉ cần cho khoảng 2 thìa đường là đủ luộc trong cả ngày".
 
Tuy nhiên qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đường cyclamate thực chất là đường hóa học. Nguy hiểm hơn, đây là chất làm ngọt nhân tạo, không có giá trị về mặt dinh dưỡng và không có trong danh mục các phụ gia thực phẩm được phép sử dụng.

Tỏ vẻ chưa hài lòng về loại đường nói trên, chúng tôi hỏi về loại đường hóa học viên to bằng hạt đậu thì người bán hàng tại chợ Đồng Xuân khẳng định chắc nịch là có hàng nhưng muốn lấy thì phải chờ. Tất tả chạy đi một lúc, người bán hàng quay lại, mắt trước mắt sau ngó nghiêng dáo dác rồi lôi vội túi đường được phủ trong chiếc khăn tay và phân trần: "Trị an ở đây mà bắt được thì mệt lắm!".
 
Loại đường này cũng xuất xứ từ Trung Quốc, có tên gọi Tang Jing, được bán với giá 90.000 đ/gói 500g. Người bán cho biết loại đường này rất ngọt, "một nồi ngô to chỉ cần cho từ 5-6 viên là đủ".

Đường hóa học đựng trong vỏ in hình cây mía được bán nhan nhản ở Hà Nội.


Tiếp tục đi "mua đường" tại chợ Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), chúng tôi được một người bán hàng cho biết ở đây có nhiều loại đường hóa học khác nhau, cả của Việt Nam và của Trung Quốc, giá cả giao động từ 20.000 - 300.000 đ/kg.
 
Chị này cũng tiết lộ thêm, mỗi loại đường chỉ hợp với một kiểu món ăn. Cụ thể, đường "B1" (viên đường có dạng giống viên thuốc B1) thường chỉ dùng cho nước dùng phở hay để pha nước chấm, còn đường "mía" và đường "dải lụa" thường được người mua cho vào chè hay nước luộc ngô vì có độ ngọt cao hơn. Khi PV hỏi mua, chị bán hàng mắt lấm, mày lét đảo một vòng để quan sát rồi mới ghé vào tai chúng tôi nói: "Cứ để lại địa chỉ, chị sẽ cho người mang đến tận nơi".

Khác với hai chợ trên, tại chợ Ngã Tư Sở, đường hóa học được bày bán khá công khai ở các cửa hàng khô. Ngoài các loại đường đã đề cập ở trên như đường "mía", đường Tang Jing hay "B1", một người bán hàng ở đây còn đưa ra một loại khác. Loại này dạng viên giống đường Tang Jing nhưng hạt to hơn, nhãn mác bằng tiếng Trung Quốc và có giá 150.000 đ/gói 500g. Theo lời người bán, đường này còn ngọt hơn đường "mía" hay đường Tang Jing, vì thế giá cũng cao hơn.
 
Ngô luộc cả tuần không… thiu!

Không như đường hóa học được các chủ hàng khô bày bán công khai, "săm-pết" thuộc loại hàng hiếm và khó mua. Qua lời giới thiệu của những người bán hàng ở chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), chúng tôi tìm đến cơ sở chuyên bán thuốc bảo quản thực phẩm trên phố Hàng Buồm. Khi chúng tôi hỏi mua loại thuốc bảo quản để chống thiu thối cho ngô luộc, người bán đưa ra một loại thuốc có tên gọi là "săm-pết", được gói trong bao bì không nhãn mác với giá 40.000đ/kg, dạng bột trắng và có mùi hăng rất khó chịu.

Theo lời người bán, một nồi ngô luộc chỉ cho từ 1-2 thìa cà phê "săm-pết" là để cả tuần cũng không hỏng. Người này cũng cho biết thêm: "Dạo này nhu cầu chưa cao nên cũng ít người đến mua loại này cho vào ngô. Phần lớn là họ đến mua "săm-pết" để ướp măng hay bảo quản thịt, xúc xích...".
 
Trong lúc chủ hàng đang thao thao về công dụng của loại hóa chất này thì một khách hàng dừng xe, tấp vào quán mua 4 kg "săm-pết". Ông chủ hàng thấy khách quen đon đả: "Tay này lấy "săm-pết" để chuyên ướp măng, không tin chú cứ hỏi chuyện". Tưởng chúng tôi là người mới vào nghề, vị khách mua "săm-pết" về ướp măng thõng thượt buông một câu đầy kẻ cả: "Măng mà thiếu cái này (săm-pết - PV) thì coi như vứt!".
 

Muối diêm có thể gây tử vong cho người sử dụng.


Tại một cửa hàng, hàng khô trong chợ Mỹ Đình (huyện Từ Liêm), người bán đưa ra một túi bột màu trắng, không rõ nhãn mác với giá 15.000đ/100gram và quảng cáo: "Nhiều người đến mua loại này của chị lắm. Người ta ướp cả tấn măng để cả năm cũng không hỏng". Khi được hỏi về tên gọi và xuất xứ, chị này cho biết chẳng rõ tên là gì, chỉ gọi nôm na là "thuốc chống thiu thối", có điều, loại hàng này rất khó mua, nhiều khi phải lên tận biên giới mới có.

Quay trở lại chợ Đồng Xuân, khi chúng tôi hỏi mua loại thuốc bảo quản ngô luộc sao cho lâu thiu, một chủ hàng khô cho biết là có hàng nhưng phải đặt trước thì mới lấy về. Theo mô tả của người bán, loại thuốc này được đóng trong bao bì in tiếng Việt, có tên gọi "Thuốc chống mốc", dạng bột giống hạt nêm, màu nâu, mùi hăng và giá rất cao, 290.000đ/gói 500g.
 
Người bán cũng cho biết thêm: "Nhiều người không biết công dụng bảo quản thực phẩm của loại này vì nó được dùng trong công nghiệp!". Có đi mới hay, độc dược đang được đưa vào miệng người dân ngay các chợ giữa Thủ đô.
 
Nam Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét