Trang

Rau răm nên thuốc

nld.com.vn - Thứ Bảy, 20:34  21/09/2013

Rau răm là loại gia vị rất quen thuộc ở các nước nhiệt đới ẩm. Cành và lá rau răm vừa là rau vừa là dược liệu quý. Loại rau răm tươi, thân đỏ hơi ngả tím thường được dùng làm thuốc trị bệnh. Lá rau răm có tinh dầu màu vàng nhạt, mùi thơm mát dễ chịu.

Theo đông y, rau răm có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm. Rau răm khi ăn sống thì ấm bụng, tiêu thực, kích thích tiêu hóa, sát trùng, tán hàn. Rau răm làm sáng mắt, ích trí, mạnh gân cốt, trị co gân (chuột rút), chữa dạ dày lạnh, đầy hơi, đau bụng, kém ăn, tiêu chảy. Rau này còn dùng chữa sốt, làm thuốc lợi tiểu, chống nôn, chữa bệnh ngoài da (hắc lào, sâu quảng), rắn cắn. Nhờ có vị cay, tính ấm, tiêu thực, kích thích tiêu hóa nên rau răm thường được dùng ăn cùng trứng vịt lộn, thịt bò, thịt gà, cháo trai, hến để giúp ngon miệng, làm ấm tì vị.

Tuy nhiên, ăn rau răm nhiều sinh nóng rét, giảm tinh khí, thương tổn đến tủy, suy yếu tình dục. Phụ nữ những ngày có kinh nguyệt không nên ăn rau răm vì dễ bị rong huyết. Rau răm không độc nhưng nếu dùng thường xuyên với số lượng nhiều sẽ làm giảm tình dục cả ở đàn ông lẫn đàn bà, phụ nữ có thể trở nên vô kinh. Do vậy, người tu hành thường sử dụng rau răm để tránh những cơn bốc dương.

Dưới đây là các phương thuốc dân gian từ rau răm:

- Mùa hè say nắng: Giã rau răm tươi, vắt cốt đun sôi uống.

- Chữa kém ăn: Rau răm dùng theo gia vị hoặc sử dụng cả cây 10-20 g sắc uống sau bữa ăn.

- Chữa đau bụng, đầy hơi, lạnh bụng, nôn mửa, say nắng, khát nước: Lấy nước ép rau răm tươi thân đỏ 25-30 ml/lần/ngày, uống 2 lần.

- Chữa hắc lào, ghẻ lở, sâu quảng: Rau răm toàn cây ngâm rượu. Lấy rượu đó bôi hoặc giã nát xát, còn bã đắp rồi băng lại.

- Chữa bỗng dưng đau tim không chịu nổi: Dùng rễ rau răm 50 g sắc rồi chế thêm một chén rượu vào uống, mỗi lần 1 chén.

- Chữa tê bại, vết thương bầm tím sưng đau: Rau răm tươi giã nát trộn với long não hoặc dầu long não, xoa hoặc băng vào các nơi tê đau.

- Chữa rắn cắn: Rau răm dùng tươi cả cây nhai nuốt (hoặc giã nát vắt lấy nước cốt uống), lấy lá đắp vào vết thương. Có thể lấy 20 ngọn rau răm tươi giã nát, vắt nước uống, bã đắp vết cắn.

Bác sĩ Bồng Trung Hoàng
 
 
nongnghiep.vn - 01/08/2013, 09:54 (GMT+7)
 
Nếu dùng rau răm thường xuyên, với lượng rau răm nhiều sẽ làm giảm tình dục, giảm ham muốn cả đàn ông lẫn đàn bà...

Cây rau răm (tên khoa học Persicaria odorata, đồng nghĩa: Polygonum odoratum, thuộc họ Thân đốt hay họ Rau răm - Polygonaceae). Là loại gia vị rất quen thuộc ở các nước nhiệt đới ẩm ở khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Lào và Camphuchia.

Rau răm không chịu được hạn, ưa khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới vì rau răm thích ẩm, chịu nóng và có thể sống trong môi trường ngập nước. Rau dễ trồng đến mức tồn tại gần như hoang dại, bởi có khả năng mọc chồi gốc và chồi thân khỏe, ra hoa kết quả hằng năm trên những cây không bị cắt hay hái ngọn thường xuyên.

Cành và lá rau răm vừa là rau quen, vừa là dược liệu quý. Loại rau răm tươi, thân đỏ hơi ngả tím thường được dùng làm thuốc để trị bệnh.

Là loại cây thảo mọc hằng năm, có tuyến nhiều hay ít. Thân mọc trườn ở gốc và đâm rễ ở các mấu, rồi đứng lên cao 30 – 35cm. Lá mọc so le, hình bầu dục ngọn giáo, nhọn hay to ở chóp, cuống rất ngắn, mép lá và gân chính phủ đầy những lông nhọn khá dài; bẹ chìa ngắn ôm lấy thân, có nhiều gân song song mà phần lớn kéo dài ra thành những sợi dài.

Hoa họp thành bông dài, hẹp, mảnh, đơn độc hay xếp từng đôi hoặc thành từng chùm ít phân nhánh. Bộ phận dùng làm thuốc gồm cành và lá (Ramulus et Folium Polygoni Odorati), là loại thuốc quý được biết đến từ xa xưa.

Thành phần hoá học: Lá có tinh dầu màu vàng nhạt, mùi thơm mát dễ chịu.

Đông y cho rằng, rau răm có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm. Tác dụng của rau răm khi ăn sống thì ấm bụng, tiêu thực, kích thích tiêu hóa, sát trùng, tán hàn.

Rau răm làm sáng mắt, ích trí, mạnh gân cốt. Nhờ có vị cay tính ấm, tiêu thực, kích thích tiêu hóa nên thường được dùng ăn cùng trứng vịt lộn, thịt bò, thịt gà, cháo trai, hến để giúp ngon miệng, làm ấm tỳ vị.

Tuy nhiên, cần lưu ý mỗi khi sử dụng rau răm mặc dù nó không độc, nhưng nếu dùng rau răm thường xuyên, với lượng rau răm nhiều sẽ làm giảm tình dục, giảm ham muốn cả đàn ông lẫn đàn bà, kém cường dương tráng khí, chân huyết sẽ khô đi, phụ nữ có thể trở nên vô kinh (mất chu kỳ kinh nguyệt).

Do vậy, người tu hành thường sử dụng rau răm để tránh những cơn bốc dương, an tâm tu hành cho đắc đạo là chuyện có thật diễn ra từ lâu trong đời sống nhà chùa.

Trong dân gian người ta còn dùng rau răm để gây sẩy thai (trường hợp chậm kinh trên dưới 1 tuần tức 5 – 9 ngày, đạt tỷ lệ tới 60 – 80%): Dùng rau răm tươi 500g, loại thân đỏ hơi ngả sang màu tím (rau răm thân xanh trắng không có tác dụng gây sảy thai).

Chỉ lấy thân và lá non, bỏ rễ và lá già, rửa sạch, để ráo nước. Giã, ép nát, vắt lấy nước cốt được khoảng 250ml (1 xị). Uống một lần duy nhất vào buổi tối trước khi đi ngủ. Nếu có kết quả thì ngay trong đêm đó hoặc sáng hôm sau, phôi thai tự trục ra ngoài.

Bởi vậy khi có thai không được ăn nhiều rau răm. Những người máu nóng, ốm gầy và phụ nữ khi đang hành kinh cũng không được dùng rau răm.

B.S HOÀNG XUÂN ĐẠI
 

Quý ông nên bớt rau răm

nld.com.vn - Chủ Nhật, 00:50  11/04/2010

Nhiều bà vợ hay nấu món canh thịt bò rau răm cho chồng ăn vì cứ tưởng thế là tẩm bổ nhưng không biết đã vô tình ức chế sự hưng phấn của chồng

 

Rau răm được dùng phổ biến làm gia vị và có mặt trong các món ăn khoái khẩu như gỏi gà, vịt; miến măng, bún bò, ốc len xào dừa, đặc biệt là món trứng vịt lộn.

Rau răm dễ trồng và mọc rất nhanh, nhất là những nơi đất ẩm ướt, được thu hái quanh năm và cũng rẻ tiền. Ngoài công dụng làm gia vị, rau răm còn là một vị thuốc mà mỗi gia đình nên có.


Theo kinh nghiệm y học cổ truyền, rau răm có vị cay nồng, mùi thơm đặc trưng, tính ấm, tác dụng trừ hàn, tiêu thực, sát trùng.

Dùng rau răm làm thuốc kích thích tiêu hóa, công dụng chống lạnh bụng, đầy bụng khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy khi ăn những thức ăn sống hoặc lạnh như cua, ốc, vịt... Rau răm còn được dùng làm thuốc hạ sốt, thông tiểu, chữa chứng vọp bẻ, chữa rắn cắn, các bệnh ngoài da như hắc lào, lang ben.


Cách dùng: Mỗi ngày 20-30 g tươi, giã vắt lấy nước uống tươi hoặc sắc lấy nước để uống. Để chữa rắn cắn, giã nát 20 g cành và lá, vắt lấy nước uống, bã đắp ngay lên vết rắn cắn, sau 15 phút đỡ đau, sau 3 giờ bớt sưng tấy. Dùng ngoài không tính liều lượng, giã nát cành lá, thêm chút rượu trắng rồi bôi vào nơi hắc lào hoặc chốc lở sau khi rửa sạch vùng da bị nhiễm.



Món trứng vịt lộn sẽ ngon hơn nếu được dùng với rau răm. Ảnh: LÊ SƠN


Lưu ý: Nhiều kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rau răm chứa một số tinh dầu và vài chất có tác dụng ức chế dục tính. Nhiều bà vợ hay nấu món canh thịt bò rau răm cho chồng ăn vì cứ tưởng như thế là tẩm bổ nhưng vô tình đã làm ức chế sự hưng phấn của chồng.

Rau răm, vì vậy, chỉ nên dùng cho các ông chồng trong trường hợp cần giảm các cơn bốc dục khi đi xa nhà. Tại Ấn Độ, các nhà tu thường trồng rau răm quanh vườn và ăn thường xuyên nhằm làm giảm dục tính để có thể yên tâm tu luyện và tránh cám dỗ.


Phụ nữ đang hành kinh nếu uống nước rau răm có thể làm tắc kinh. Người đang mang thai cần thận trọng khi ăn rau răm vì nếu ăn nhiều sẽ có nguy cơ sẩy thai.

Nếu lỡ sẩy thai vì dùng nhiều rau răm thì sau khi sạch kinh nguyệt, có thể lấy một nắm lá chanh non (chừng 30 g) giã nát rồi hòa với 100 ml nước chín, uống trong ngày để tẩy hết tác hại của rau răm và giúp bổ huyết. Người tạng nhiệt hay nóng trong người cũng không nên dùng nhiều rau răm.

Dược sĩ Lê Kim Phụng (Đại học Y Dược TPHCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét