Trang

Các chứng bệnh những người nghiện máy tính chắc chắn sẽ mắc

kenh14.vn - 00:01:00 12/04/2016

Mắc hơn 2 trong số các triệu chứng dưới đây, bạn cần giảm thời gian sử dụng máy tính nếu không muốn sức khỏe xuống dốc thêm nữa!

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, việc sử dụng máy tính chắc chắn không còn xa lạ với các bạn trẻ. Thậm chí, nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày: từ học tập, giải trí cho đến giao lưu, kết bạn - chúng ta đều có thể làm được trước màn hình vi tính.

Tuy nhiên, nếu bạn mắc các triệu chứng của việc nghiện máy tính như: thường xuyên sử dụng máy tính 12 giờ/ngày, cảm thấy bồn chồn khi không được dùng hoặc hay lang thang trên mạng không rõ lí do, bạn sẽ có nguy cơ mắc phải rất nhiều bệnh như:

Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay xảy ra khi dây thần kinh chính ở cổ tay, phụ trách việc dẫn truyền cảm giác từ các ngón cái, trỏ giữa và một nửa ngón đeo nhẫn của bàn tay bị chèn ép sau khi bị căng thẳng liên tục. Hội chứng này thường bắt đầu với các triệu chứng như nóng hoặc ngứa ran bàn tay, thậm chí là giảm tính di động của cổ tay.

Các chứng bệnh những người nghiện máy tính chắc chắn sẽ mắc - Ảnh 1.

Để phòng ngừa, bạn cần thường xuyên tập thể dục cho khớp cổ tay. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là bạn cần làm việc đúng tư thế, ngồi cách màn hình khoảng 0,6m. Cố gắng giữ cho cổ tay phải thẳng, khuỷu tay ở góc 90 độ.

Đau thắt lưng

Ngồi quá lâu trước màn hình máy tính gây ra đau nhức nghiêm trọng vùng lưng, đặc biệt là vùng dưới thắt lưng. Theo thời gian, thói quen này có thể làm hỏng cấu trúc cột sống khiến bệnh trở thành mãn tính.

Để tránh đau thắt lưng, bạn cần lưu ý tư thế ngồi của mình sao cho đúng. Ngoài ra, bạn có thể đặt một cái gối ở sau lưng để giảm điểm gây áp lực cho cột sống.

Bệnh huyết khối

Huyết khối là những cục máu đông trong mạch máu và tim. Những cục máu đông hình thành do ít vận động có thể di chuyển đến não và phổi, gây ra đột quỵ cũng như nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Chăm chỉ vận động là cách duy nhất giúp bạn phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Ngoài ra, hãy đặt cạnh bàn máy tính một chai nước và thường xuyên cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể.

Các chứng bệnh những người nghiện máy tính chắc chắn sẽ mắc - Ảnh 2.

Các bệnh về xương

Các bệnh về xương do ngồi máy tính nhiều xuất phát từ việc cơ thể thiếu hụt vitamin D. Hầu hết vitamin D mọi người dung nạp vào cơ thể là từ ánh sáng mặt trời. Nếu bạn dành quá nhiều thời gian trong phòng và không chịu ra ngoài thì chắc chắn cơ thể sẽ không có đủ lượng vitamin D cần thiết. Chúng sẽ gây ra chứng loãng xương, khiến xương trở nên giòn hơn.

Ngoài việc dành ra một khoảng thời gian đi ra ngoài trời, bạn có thể bổ sung thêm vitamin D bằng vitamin hỗn hợp hoặc tăng cường khẩu phần ăn với các loại hải sản và ngũ cốc.

Các chứng bệnh những người nghiện máy tính chắc chắn sẽ mắc - Ảnh 3.

Bệnh trĩ

Việc ngồi thường xuyên trước màn hình máy tính sẽ làm tăng áp lực với các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng, tăng nguy cơ mắc và tăng độ nặng của bệnh trĩ.

Bệnh thường chỉ được phát hiện khi đã ở tình trạng khá muộn, phải sử dụng các biện pháp như tiêm hoặc phẫu thuật. Đây chắc chắn là lời cảnh báo rằng chúng ta cần giảm thiểu thời gian ngồi máy tính và vận động nhiều hơn.

Các chứng bệnh những người nghiện máy tính chắc chắn sẽ mắc - Ảnh 4.

Nhiễm khuẩn

Hầu hết các loại bàn phím máy tính đều chứa hàng tỉ vi khuẩn và vi sinh vật khác. Ngoài việc lây lan các bệnh thông thường như cảm lạnh, thiết bị công nghệ bẩn có thể dẫn đến nhiễm tụ cầu khuẩn và những bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng khác.

Bạn hãy thường xuyên lau bàn phím và bề mặt bàn với các dung dịch kháng khuẩn để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Bạn cũng có thể sử dụng các loại nước rửa tay khô và tránh để thức ăn gần khu vực đặt máy tính.

Các chứng bệnh những người nghiện máy tính chắc chắn sẽ mắc - Ảnh 5.

Mất ngủ

Việc thường xuyên sử dụng máy tính trước khi đi ngủ sẽ hạn chế cơ thể sản xuất melatonin – một loại hormone giúp bạn đi sâu vào giấc ngủ. Mất ngủ thường xuyên sẽ dẫn đến hàng loạt các vấn đề về sức khỏe khác.

Bạn chỉ nên ngồi máy tính khoảng nửa giờ trước khi đi ngủ. Thay vì sử dụng các thiết bị công nghệ, 1 cuốn sách và 1 tách sữa nóng sẽ là người bạn thân thiện cho 1 giấc ngủ chất lượng.

Các chứng bệnh những người nghiện máy tính chắc chắn sẽ mắc - Ảnh 6.

Ảnh hưởng đến da

Tia bức xạ của máy tính khiến da bị khô, xám xịt và xuất hiện nhiều mụn trứng cá. Lượng điện tích sản sinh từ màn hình máy tính cũng khiến da hấp thụ nhiều bụi bẩn trong không khí, lâu dài dẫn đến các vết tàn nhang và nếp nhăn trên mặt.

Để hạn chế tình trạng này, bạn có thể sử dụng các loại xịt khoáng. Thường xuyên tập yoga cho mặt và massage mắt cũng là những phương pháp giúp giảm thiểu tác hại của máy tính với làn da.

Các chứng bệnh những người nghiện máy tính chắc chắn sẽ mắc - Ảnh 7.

Trầm cảm

Việc nghiện máy tính khiến bạn không có thời gian trò chuyện với mọi người. Thêm vào đó, không hoạt động thể chất cũng khiến cơ thể trở nên khó chịu, dễ bực bội. Trạng thái lo âu, căng thẳng dài ngày là tiền đề cho các chứng bệnh tâm lý, điển hình là trầm cảm.

Theo Lệ Ngân / Trí Thức Trẻ
 
 
 

Những căn bệnh của người 'nghiện' máy tính

Cùng với nhiều tiện ích thì việc sử dụng máy tính quá nhiều cũng mang đến nhiều nguy cơ tổn hại sức khỏe, đặc biệt là xương khớp và thị giác.

Mới đây, website chính thức của Sở Y tế và Hội Liên hiệp Y sĩ toàn quốc của Đài Loan đã có bài viết giới thiệu về vấn đề này, dựa trên tham khảo ý kiến của bác sĩ Lương Tuệ Văn, Khoa Phục hồi chức năng bệnh viện trực thuộc ĐH quốc lập Đài Loan. Thông tin trên tma.tw.

Sự khác biệt giữa màn hình máy tính và giấy

Cùng là phương tiện tiếp nhận việc đọc, nhưng giao diện màn hình máy tính và mặt giấy truyền thống có sự khác biệt khá lớn. Màn hình máy tính dùng ống tia âm cực (Cathode Ray Tube) phóng tia điện tử va đập vào mặt chất Phosphor trên màn hình để phát sáng, hiển thị hình ảnh thì sử dụng quét mành (raster scanning). Vì vậy, các tình trạng về độ sáng, độ tương phản, nhấp nháy hay không của nội dung hoặc chữ viết hiển thị trên màn hình chịu tác động của rất nhiều nhân tố.

Trong điều kiện ánh sáng bên ngoài, giấy là một bề mặt phản xạ rất ổn định, hơn nữa chủ yếu ngồi đọc trên mặt bàn, không có vấn đề về chói sáng (glare), cũng không bị ánh sáng bên ngoài làm ảnh hưởng đến độ tương phản.

So với giấy, khi sử dụng màn hình, nếu hướng ánh sáng không đúng, có thể gây chói, hoặc do quá sáng, mà ngược lại làm giảm độ tương phản của mặt chữ và nền màn hình, ảnh hưởng đến mức độ rõ ràng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ảnh hưởng của bàn phím đến hệ thống cơ và xương

Người sử dụng máy tính thường xuyên dùng đến bàn phím để đánh máy, động tác này lặp đi lặp lại nhiều lần, gây ảnh hưởng cho cơ và xương khớp, biểu hiện ra dưới các phương diện sau:

Tư thế: Thiết kế bàn phím thông thường khiến cổ tay người sử dụng hướng vào trong, mu bàn tay gập uốn về phía lưng (dorsiflexion), và nghiêng về phía trụ, lâu dần sẽ gây căng cơ, tuần hoàn máu kém, thậm chí làm tăng áp lực trong ống cổ tay, đè nén dây thần kinh. Ngoài ra, nếu vị trí bàn phím quá cao, sẽ khiến vai phải nâng lên, cơ cổ ở trong trạng thái căng cứng. Độ nghiêng của bàn phím cũng sẽ ảnh hưởng đến tư thế, quy định của Cục Tiêu chuẩn quốc gia Mỹ là 0-25 độ, khi góc nghiêng quá lớn, sẽ khiến mu bàn tay phải cong gập quá mức, có nghiên cứu cho thấy, để bàn phím nghiêng về phía trước có thể khiến cổ tay giữ được thẳng.

Động tác mang tính lặp lại: Những người nhập dữ liệu, hàng ngày phải gõ bàn phím hơn 10.000 lần, thực hiện động tác có tính lặp lại trong thời gian dài, lại nghỉ ngơi không đủ, sẽ khiến mô mềm của chi trên phải chịu tải quá nhiều.

Dùng lực: Nghiên cứu chỉ ra, phần lớn mọi người dùng lực gõ bàn phím vượt quá so với yêu cầu thiết kế, có thể gấp 5 lần trở lên.

Áp lực cơ học cục bộ: Khi gõ bàn phím, nếu để cổ tay dựa trên các cạnh cứng của bàn phím, áp lực cục bộ tăng cao, sẽ dẫn tới tuần hoàn kém, ảnh hưởng cơ gân và dây thần kinh. Có loại bàn phím có thêm miếng kê cổ tay (wrist rest),  nhằm giúp cổ tay giảm bớt cong gập quá mức, nhưng vẫn không thể giảm bớt được áp lực mang tính tiếp xúc cục bộ của phần cổ tay, do đó nên cẩn trọng khi sử dụng.

Các vấn đề sức khoẻ thường gặp

Theo các tài liệu nghiên cứu liên quan của nước ngoài, thường xuyên sử dụng máy tính có thể gây nên nhiều nguy hại, bao gồm:

Thị giác

Khi sử dụng máy tính, mắt phải nhìn vào màn hình trong thời gian dài, rất nhiều cuộc điều tra cho thấy, phần lớn người sử dụng máy tính thường xuyên phàn nàn mắt mờ, mắt khô, nhức mỏi, mức phổ biến của các triệu chứng kích ứng mắt có thể lên tới trên 50%. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có đủ chứng cứ cho thấy, sử dụng máy tính trong thời gian dài sẽ dẫn tới cận thị hay các vấn đề nghiêm trọng khác về thị lực.

Các nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới gánh nặng thị giác bao gồm: thời gian người sử dụng nhìn màn hình, cự ly vị trí và góc độ đặt màn hình, độ sáng và góc độ của nguồn sáng bên ngoài, chất lượng hình ảnh của màn hình như thiết lập về độ nhấp nháy, độ tương phản, độ sáng và độ phân giải, và cả nhân tố thị lực và mắt kính sử dụng của cá nhân, v.v.

Hệ thống cơ xương

Đây là vấn đề đáng quan tâm nhất đối với người sử dụng máy tính. Duy trì tư thế ngồi lâu sẽ gây ra các vấn đề về cơ và xương, bao gồm căng cơ xương bả vai, duỗi đốt sống cổ và đốt sống lưng quá mức, co cơ ngực, căng cơ gấp cẳng tay, trong đó bộ phận đau mỏi nhất là cổ và vai.

Vấn đề tia bức xạ

Theo các nghiên cứu hiện nay cho thấy, trong các trường hợp thao tác thông thường, mức độ tiếp xúc với các loại bức xạ của ngưởi sử dụng máy tính thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn cho phép theo quy định, không đủ để gây nguy hại rõ rệt cho cơ thể. Cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng tỏ phụ nữ sử dụng máy tính sẽ bị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay gây xảy thai, thai nhi dị dạng.

Các triệu chứng khác

Các ion âm trong không khí xung quanh khu vực máy tính sẽ bị tĩnh điện hút vào bề mặt màn hình, gây mất cân bằng ion âm dương trong môi trường xung quanh, dẫn tới người thao tác máy tính có các triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, các triệu chứng về hô hấp và da..

Cách khắc phục

Mặt bàn: Khi ngồi vào bàn, đùi phải để bằng phẳng, không được để kẹt dưới gậm bàn; các vật dụng thường dùng trên bàn nên đặt ở vị trí có thể dễ dàng với tay tới được, mà không cần khom lưng.

Màn hình: phải đặt thẳng trước mặt, khoảng cách với mắt ít nhất bằng độ dài một cánh tay duỗi (40cm), nếu cự ly này mà vẫn nhìn không rõ, chứng tỏ phải điều chỉnh lại số mắt kính của bạn. Độ cao của màn hình phải thấp hơn tầm mắt bạn khi nhìn ngang, thậm chí góc nhìn có thể xuống dưới 40 độ. Cần chú ý nguồn sáng, có thể đặt một chiếc gương nhỏ phía trước màn hình để kiểm tra liệu có thể nhìn thấy vật thể sáng hoặc nguồn sáng từ trong gương, điều chỉnh màn hình để nhìn thấy ít ánh sáng nhất, để giảm nhiễu.

Bàn phím: Vị trí của bàn phím cũng phải ở thẳng trước mặt, độ cao tốt nhất là khi bạn để tay lên bàn phím, cánh tay có thể đặt xuống nhẹ nhàng, sát vào hai bên cơ thể, khuỷu tay gập khoảng 90 độ.

Con chuột: Đặt cao ngang với bàn phím, không nên để quá cao, cố gắng để con chuột ở vị trí gần đường giữa của cơ thể, nhất là những người làm công việc đồ hoạ máy tính thường xuyên phải sử dụng chuột.

Hiểu Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét