Trang

Toàn cảnh bệnh teo não do virus Zika

- Các bằng chứng cho thấy virus Zika có liên quan đến hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, vậy phụ nữ mang thai cần làm gì khi nhiễm bệnh?

Sáng nay (5/4), Bộ Y tế đã công bố 2 trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên tại Việt Nam. Cả 2 đều là phụ nữ, trong đó trường hợp bệnh nhân 33 tuổi tại TP.HCM đang mang thai 8 tuần.

Đặc biệt chú ý trong 3 tháng đầu thai kì

Theo các chuyên gia, với người khỏe mạnh, khi nhiễm Zika có thể tự khỏi hoặc chỉ có các biểu hiện bệnh nhẹ, tuy nhiên với thai phụ, có nguy cơ thai nhi mắc hội chứng đầu nhỏ, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Theo PGS.TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc BV Phụ sản TƯ, khi mắc hội chứng đầu nhỏ, trẻ sinh ra không tử vong nhưng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thần kinh và vận động. Tuy nhiên để xác định thai nhi bị đầu nhỏ có phải do virus Zika hay không sẽ cần phải theo dõi cả quá trình, vì cũng có trường hợp đầu nhỏ do tính chất gia đình.

Zika, virus Zika, thai phụ nhiễm Zika, hội chứng đầu nhỏ, virus gây teo não

PGS.TS Trần Danh Cường (ngoài cùng bên phải) tại buổi họp báo sáng nay.

"Đến nay cũng chỉ mới nghi ngờ sự liên quan giữa hội chứng đầu nhỏ với Zika chứ chưa có khẳng định chắc chắn. Ở Brazil, tỉ lệ phụ nữ mang thai mắc Zika có con mắc hội chứng đầu bé cũng chỉ khoảng 10% nên người dân không nên quá lo lắng", PGS Cường trấn an.

Ông Cường cho rằng, dù chưa có bằng chứng chắc chắn nhưng vì có yếu tố liên quan nên việc phòng và phát hiện hội chứng đầu nhỏ ở phụ nữ mắc virus Zika là vô cùng cần thiết trong 3 tháng đầu, còn khi từ tháng thứ 4 trở lên, các cơ quan thai nhi đã hình thành khi đó nguy cơ sẽ thấp hơn.

Zika, virus Zika, thai phụ nhiễm Zika, hội chứng đầu nhỏ, virus gây teo não
PGS Trần Danh Cường cho rằng người dân không nên quá hoang mang về hội chứng đầu nhỏ vì tỉ lệ mắc thấp và tại Việt Nam có thể siêu âm phát hiện sớm được

Thai nhi nhỏ đầu do Zika: Nên đình chỉ thai nghén

Ông Cường cũng khẳng định: Tại Việt Nam, việc chẩn đoán hội chứng đầu nhỏ không khó, có thể phát hiện nhờ siêu âm sau đó đo đường kính lưỡng đỉnh và chu vi đầu định kỳ 2 tuần/lần.

Đây là kỹ thuật tương đối phổ thông, ngay cả y tế tuyến huyện, xã cũng có thể làm được. Ngành y tế đã tập huấn kỹ thuật đo như thế nào để kết luận thai nhi mắc chứng đầu nhỏ.

Trường hợp phát hiện nghi ngờ sẽ chuyển tiếp đến trung tâm chẩn đoán trước sinh của các vùng, làm đi làm lại nhiều lần, sau đó so sánh với kích thước phát triển chuẩn của tuổi thai.

"Khi phát hiện thai nhi mắc hội chứng đầu nhỏ do Zika nên dừng thai nghén. Một số nước không cho nhưng ở Việt Nam thì được. Trước khi quyết định ngừng thai nghén, sẽ cần phải hội chẩn cụ thể từng trường hợp và tùy theo lựa chọn của gia đình", PGS Cường khuyến cáo.

Theo ông, việc ngừng thai nghén sẽ tùy thuộc theo tuổi thai, nếu phát hiện trước 22 tuần, việc quyết định ngừng thai nghén rất dễ, nhưng nếu muộn hơn 32 tuần thì việc đình chỉ là khó khăn, nhiều nguy cơ cho mẹ.

Những thai phụ nào nên xét nghiệm Zika?

Ông Cường khuyến cáo: Việt Nam đã ghi nhận trường hợp mắc Zika nhưng không phải phụ nữ mang thai nào cũng cần làm xét nghiệm.

"Chúng tôi chỉ khuyến cáo phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu tại vùng có dịch, có các triệu chứng như sổ mũi, viêm kết mạc, sốt, nổi ban... mới cần tiến hành xét nghiệm. Nếu kết quả dương tính, sẽ tập trung theo dõi hội chứng đầu nhỏ", PGS Cường nhấn mạnh.

Hiện cả nước có 11 đơn vị có khả năng chuyên môn để xét nghiệm Zika, trong đó có Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Nhiệt đới TƯ, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, Trung tâm YTDP Hà Nội...

Thúy Hạnh

Cách phát hiện và điều trị khi bị nhiễm virus Zika

- Sáng nay, Bộ Y tế công bố phát hiện 2 ca dương tính nhiễm Zika tại TP.HCM và Khánh Hòa.

Phát hiện và điều trị sớm để hạn chế lây lan dịch tại cộng đồng cũng như chặn đứng được hậu quả do virus Zika gây nên.

zika, virus zika
Virus zika lây lan truyền chủ yếu do muỗi

Zika lây nhiễm qua đường nào?

Virus Zika lây truyền qua muỗi Aedes - loại muỗi truyền sốt xuất huyết và sốt vàng da. Virus Zika cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con, qua đường máu và đường tình dục.

Triệu chứng

- Sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.

- Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược.

- Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.

Các trường hợp nhiễm virus Zika có thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày. Tuy nhiên người nhiễm virus Zika hầu hết không biểu hiện triệu chứng nên việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn, chỉ có khoảng 20% có các biểu hiện nói trên.

zika, virus zika
Ảnh: Zing

Những trường hợp nguy cơ cao

Theo TS. Masaya Kato - đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, lý do WHO nhận định Zika là mối quan ngại đối với y tế cộng đồng không phải do tốc độ lây lan của virus mà do các biến chứng nguy hiểm của bệnh này.

Do đó, phụ nữ có thai, đang có ý định và có nguy cơ mang thai là những đối tượng cần cẩn trọng nhất.

Phụ nữ có thai nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm virus Zika cần được theo dõi siêu âm thai mỗi 3-4 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi.

Trẻ bị dị tật đầu nhỏ hoặc có tiền sử mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần và vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh.

Điều trị

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin chích ngừa virus Zika.

Các điều trị hỗ trợ bao gồm: Nghỉ ngơi, bồi phụ nước, điện giải, hạ sốt nếu có sốt cao. Cần thận trọng khi dùng Aspirin hay corticoid khi chưa loại trừ được sốt xuất huyết Dengue.

Hậu quả

2 biến chứng hay gặp nhất ở virus Zika là tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh do người mẹ bị nhiễm virus trong quá trình mang và thai hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh Guillain-Barré, gây ra hiện tượng yếu cơ ở tay và chân, ngứa ran ở tay, chân.

Xét nghiệm nghi nhiễm virus Zika ở đâu?

Bộ Y tế đã chỉ định 2 phòng xét nghiệm chẩn đoán virus Zika của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP.HCM.

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ đưa vào hoạt động hai phòng xét nghiệm chẩn đoán virus Zika của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.

TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, những người nghi nhiễm virus Zika, sốt xuất huyết có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào để khám. Đặc biệt những bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhưng qua xét nghiệm lại cho kết quả âm tính cần phải nghĩ ngay tới việc nhiễm virus Zika.

Các cơ sở y tế địa phương cũng như các BV tư nhân, nếu thấy có những trường hợp nghi nhiễm Zika, cần liên lạc lại ngay với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP HCM

M.Thư (tổng hợp)

 
 

Bộ trưởng Tiến: Zika nhẹ hơn sốt xuất huyết

- Không phải ca nào nhiễm virus Zika cũng dẫn đến chứng đầu nhỏ. Bệnh do virus Zika bệnh nhẹ, mong người dân không quá lo lắng - Bộ trưởng Y tế nói.

Việt Nam có 2 ca nhiễm virus Zika đầu tiên 

Chiều nay, Bộ trưởng Y tế có buổi làm việc với UBND TP.HCM về trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên tại TP.

Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, trường hợp mắc virus Zika tại TP.HCM là một nữ bệnh nhân 33 tuổi, đang mang thai 8 tuần tuổi. Trong vòng 12 ngày trước khi khởi bệnh, bệnh nhân không quan hệ tình dục, không truyền máu, không đi khỏi địa bàn…

Bộ trưởng Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến, virus Zika
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (trái)

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, bệnh do virus Zika là một bệnh nhẹ có biểu hiện sốt, đau mình. Đối với người bình thường thoáng qua chỉ có biểu hiện cảm cúm. Đối với thai phụ, đặc biệt là thai phụ trong 3 tháng đầu có nhiều bằng chứng cho thấy virus Zika liên quan đến chứng đầu nhỏ ở trẻ em.

Một số nước như Lào, Campuchia, Trung Quốc và một số nước ở Đông Nam Á đã ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm bệnh. Tại TP.HCM do có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có nhiều người từ vùng dịch về, việc có 1-2 ca dương tính là không quá ngỡ ngàng.

Bộ trưởng Tiến đề nghị truyền thông đưa tin chính xác, tránh tình trạng gây hoang mang cho người dân. Chính quyền TP.HCM hướng dẫn người dân sống ở trong vùng nguy cơ dịch, khu vực có nhiều người nước ngoài có dấu hiệu nên đến bệnh viện sớm để được tư vấn. Cần diệt muỗi, không để muỗi cắn. Đối phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, hạn chế để muỗi đốt. Nếu có biểu hiện sốt, đau mình, phát ban nên đến cơ sở y tế.

"Không phải ca nào nhiễm virus Zika cũng dẫn đến chứng đầu nhỏ. Trước khi có virus Zika, có rất nhiều trẻ bị chứng dầu nhỏ. Bệnh do virus Zika là một bệnh nhẹ, nhẹ hơn sốt xuất huyết. Bộ Y tế sẽ dồn sức phòng chống, mong người dân không quá lo lắng" - Bộ trưởng Tiến nói.

Bộ trưởng Tiến cũng đề nghị TP.HCM phòng dịch từ cửa khẩu bằng tờ khai hải quan, máy đo thân nhiệt. Theo dõi những người từ vùng Nam Mỹ về. Tăng cường giám sát ở các bệnh viện phụ sản.

Lo ngại thai phụ đổ xô xét nghiệm

Ngay sau trường hợp nhiễm đầu tiên tại TP.HCM, lãnh đạo nhiều bệnh viện lo ngại các thai phụ đổ xô yêu cầu xét nghiệm virus Zika.

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ cho rằng, bệnh do Zika liên quan đến thai phụ sẽ ảnh hưởng đến việc tầm soát quá tải thời gian sắp tới. Bệnh viện khuyến cáo các thai phụ không nên lo lắng quá nhiều, nếu có triệu chứng thì cần đến bệnh viện khám.

Bộ trưởng Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến, virus Zika

Đại diện Vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế cho hay, Bộ sẽ xét nghiệm những trường hợp mang thai trong những tháng đầu, đã sinh sống hoặc đến vùng dịch, có chồng hoặc bạn tình nhiễm virus Zika.

Ngay sau buổi họp giữa Bộ Y tế và UBND TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, TP chưa công bố dịch. Sở sẽ theo dõi kỹ bệnh nhân trong vòng 10 ngày sau khi phát hiện dương tính với virus Zika.

Khánh Hòa công bố dịch

Chiều nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Nha Trang, Khánh Hòa. Lúc 15h30, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chính thức công bố dịch.

Bộ Y tế chỉ đạo Khánh Hòa và TP.HCM khoanh vùng ổ dịch trong bán kính 200m và dập dịch càng sớm càng tốt.

"Tôi có thể khẳng định, Việt Nam đã sẵn sàng ứng phó đối với các tình huống xảy ra để phòng chống dịch Zika trong bất kể tình huống nào", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Ông cũng khẳng định virus Zika không lây qua đường hô hấp cũng như qua tiếp xúc thông thường.

Thúy Hạnh

Lê Huyền

 

Muỗi truyền virus Zika lưu hành phổ biến tại Hà Nội

- Trước nguy cơ virus Zika có thể xâm nhập Hà Nội, Sở Y tế thành phố đã quyết định lập 65 đội phòng chống dịch cơ động, sẵn sàng xử lý khi có ổ dịch.

zika, hà nội,

Chiều 6/4, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh của thành phố để bàn công tác ứng phó trước diễn biến phức tạp của dịch Zika sau khi Khánh Hoà và TP.HCM đã ghi nhận những ca bệnh đầu tiên.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã tổ chức giám sát 2.790 nhưng chưa ghi nhận ca nhiễm virus Zika nào.

Tuy nhiên nguy cơ dịch xâm nhập vào thành phố là rất lớn khi muỗi Aedes truyền Zika và sốt xuất huyết vẫn đang lưu hành phổ biến tại 584 xã, phường, vào mùa hè, lượng muỗi này còn phát triển mạnh hơn nữa.

Do đó để chủ động ứng phó dịch, Sở Y tế Hà Nội quyết định thành lập, tập huấn cho 65 đội phòng chống dịch cơ động tại 30 quận, huyện, sẵn sàng xử lý khi có ổ dịch.

Ngoài ra, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế sẽ tăng cường phối hợp sân bay Nội Bài giám sát thân nhiệt 7.000 – 8.000 hành khách quốc tế nhập cảnh mỗi ngày để phát hiện sớm những hành khách có triệu chứng nghi ngờ.

Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế lưu ý, Hà Nội cần có ngay kịch bản phòng chống dịch Zika để nếu dịch xâm nhập sẽ phản ứng kịp thời. Ngoài ra, Hà Nội nên mạnh tay xử phạt những hộ dân chống đối, không hợp tác trong công tác phòng chống dịch như TP.HCM.

Để thể hiện quyết tâm phòng chống dịch, tại cuộc họp đã diễn ra lễ ký cam kết thực hiện phòng chống dịch Zika và sốt xuất huyết giữa Sở Y tế với UBND các quận, huyện.

Thúy Hạnh

 

Toàn cảnh bệnh teo não do virus Zika

Virus Zika đang lây lan chóng mặt trên khắp thế giới. 2 biến chứng hay gặp nhất ở virus Zika là tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh do người mẹ bị nhiễm virus trong quá trình mang thai và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh Guillain-Barré, gây ra hiện tượng yếu cơ ở tay và chân, ngứa ran ở tay, chân.

Bộ Y tế công bố 2 ca dương tính virus Zika tại VN

Bộ Y tế đang họp báo công bố 2 ca dương tính với virus Zika tại Việt Nam. 2 ca bệnh này ở TP HCM và Khánh Hòa.

Bộ Y tế phủ nhận 4 ca nhiễm Zika tại Khánh Hòa

Trước thông tin Việt Nam sẽ công bố 4 ca nhiễm virus Zika, Bộ Y tế đã lên tiếng phủ nhận.

Bộ Y tế nâng cấp độ cảnh báo Zika

Trước nguy cơ Việt Nam có thể nhiễm virus zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên hoang mang, tránh ồ ạt đi xét nghiệm thay vào đó tập trung diệt muỗi, bọ gậy.

Việt Nam lập 4 đội phòng chống virus Zika

Để sẵn sàng hỗ trợ địa phương trong các tình huống cần thiết, Bộ Y tế quyết định thành lập 4 đội phòng chống dịch Zika tại 4 khu vực.

Virus gây teo não nguy hiểm như thế nào?

Virus Zika đang lây lan chóng mặt trên khắp thế giới, Tổ chức Y tế thế giới đã phải ban hành tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh này.

Một người Úc nhiễm Zika sau khi rời Việt Nam

Australia thông báo 1 người dân nước này đã nhiễm virus Zika sau thời gian 10 ngày lưu trú ở Việt Nam.

Khách Úc nhiễm Zika khi rời VN, Bộ Y tế ra khuyến cáo

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương rốt ráo diệt muỗi, lăng quăng để phòng chống virus Zika và sốt xuất huyết.

Zika ẩn nấp trong nhiều bộ phận cơ thể

Các chuyên gia lo ngại rằng, virus Zika có thể 'ẩn nấp' trong nhiều bộ phận cơ thể và qua mặt hệ miễn dịch. Khả năng này khiến cơ thể khó chống lại virus và kéo dài thời gian lây nhiễm.

Thai phụ làm gì để không bị lây nhiễm virus Zika?

Dịch bệnh do virus Zika đang gia tăng trên thế giới, đây được cho là nguyên nhân gây ra chứng đầu nhỏ ở trẻ em. Phụ nữ đang mang thai có thể tự bảo vệ mình để tránh nhiễm loại virus này.

Virus teo não Zika có thể gây mù

Một nghiên cứu mới được công bố cho biết virus Zika có thể liên quan đến những bất thường nghiêm trọng ở mắt, có thể dẫn tới mù lòa ở trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ tại Brazil.

Virus Zika đã lây nhiễm tại 32 quốc gia

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo virus Zika đã lây lan tới 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Phát hiện trường hợp nhiễm Zika đầu tiên tại Lào

Hiện Bộ Y tế Lào vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới về trường hợp nhiễm Zika tại nước này.

Virus gây teo não Zika đã lan tới Philippines

Các quan chức Bộ Y tế Philippines xác nhận, một nữ du khách Mỹ đã bị nhiễm virus Zika trong thời gian lưu trú ở đất nước này.

Báo động toàn cầu virus Zika gây teo não lan rộng

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi triệu tập một cuộc họp để quyết định có nên công bố tình trạng khẩn cấp quốc tế khi dịch Zika ngày một lan rộng.

Cảnh báo nguy cơ bệnh do virus ZIKA ở Việt Nam

Trước tình trạng nhiều nước trên thế giới ghi nhận loại bệnh do virus ZIKA, ngày 25/12/2015, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh này.

Virus Zika gây teo não tiến sát Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lo ngại virus Zika có thể xâm nhập Việt Nam trong thời gian tới khi nhiều nước xung quanh đã bắt đầu ghi nhận những ca mắc đầu tiên.

Nỗi ghê sợ từ loại virus hung hiểm hơn cả Ebola

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo mạnh mẽ về việc lây lan nhanh chóng của virus Zika, và ước tính tới cuối năm 2016 sẽ có tới 4 triệu người bị ảnh hưởng.

Báo động: Virus teo não lây qua quan hệ tình dục

Trường hợp hiếm hoi này là bệnh nhân ở Dallas, Texas.

Brazil: Rúng động trẻ teo đầu vì muỗi cắn

Các nhà nghiên cứu cho biết đã tìm ra bằng chứng mới về sự liên quan giữa dịch bệnh bùng phát và virus Zika.

Thái Lan trấn an dân vì thêm ca nhiễm virus teo não

Thái Lan xác nhận một ca nhiễm virus Zika trong năm 2016.

Khẩn cấp chống virus gây teo não lây lan dữ dội

Một cuộc chạy đua khẩn cấp đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu để xác định cách thức và nguyên nhân virus Zika tàn phá não trẻ sơ sinh.

VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét