Các triệu chứng của cúm B dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, nên nhiều người hay chủ quan dễ dẫn đến biến chứng.
Thực tế, các ca mắc cúm mùa có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa. Trong khi đó, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Cúm mùa có 4 type A, B, C, D. Cúm B là loại virus thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Kể từ sau đại dịch Covid-19 các nghiên cứu thấy đa số các trường hợp cúm mùa là cúm A và B, hiếm gặp cúm C, D.
Cũng giống như mắc cúm A, các triệu chứng thường gặp của bệnh cúm B bao gồm: Sốt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau xương khớp, mệt mỏi cảm thấy kiệt sức. Trẻ em bị cúm cũng có thể có các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy).
Một số triệu chứng cúm có thể tương tự như cảm lạnh và đa số trẻ sẽ bình phục sau 1-2 tuần, nhưng ho và mệt mỏi có thể kéo dài hơn 2 tuần.
Bệnh cúm B tiến triển đa số là lành tính. Tuy nhiên, ở người có bệnh lý nền, mạn tính về tim mạch, hô hấp, suy giảm miễn dịch, người cao tuổi và trẻ em có thể biến chứng nặng. Đặc biệt, có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng.
Các triệu chứng của cúm B dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, nên nhiều người hay chủ quan dễ dẫn đến biến chứng.
Để phòng, chống bệnh cúm mùa, người dân cần chủ động tiêm phòng vắc xin. Bên cạnh đó, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, nước sạch, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối, đeo khẩu trang, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
Nếu người bệnh có các biểu hiện nghi ngờ cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh để bệnh kéo dài và nặng thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét