Trang

Cảnh giác với bệnh Tay Chân Miệng ở trẻ em

Báo Bắc Ninh- BacNinh NewsPaper:
(29/08/2011)
Nốt phỏng ở chân trẻ mắc bệnh Tay Chân Miệng

Bộ Y tế nhận định năm 2011 là năm có số ca mắc Tay Chân Miệng cao nhất từ trước tới nay, tính đến hết tháng 8, cả nước ghi nhận hơn 32 nghìn ca mắc, 81 trường hợp tử vong.


Tại Bắc Ninh, đến thời điểm này, toàn tỉnh phát hiện 21 ca nghi mắc, trong đó 2 trẻ em dương tính với EV71. Ca nghi mắc đầu tiên khởi phát ngày 14/6 với với các biểu hiện sốt, có nốt phỏng toàn thân và lòng bàn tay, chân và miệng... Độ tuổi mắc đa số từ 5 đến 48 tháng tuổi.

Với đặc điểm là nơi sản xuất, trung chuyển hàng hoá của cả nước, tỉnh Bắc Ninh có mật độ dân số đông, nguồn nước sinh hoạt được Clo hoá chỉ bao phủ trên địa bàn thành phố và một số thị trấn thuộc các huyện. Khu vực nông thôn chủ yếu sinh hoạt bằng nguồn nước ngầm, nước mưa, vệ sinh môi trường kém, hố xí chưa đạt yêu cầu chiếm tỷ lệ cao, vẫn còn tình trạng sử dụng phân tươi trong sản xuất nông nghiệp... là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh lây lan, phát triển.

Bác sỹ Nguyễn Chí Hành, Giám đốc TTYT Dự phòng tỉnh cho biết: “Điều tra dịch tễ đối với các ca bệnh xét nghiệm (+) với tác nhân gây bệnh Tay Chân Miệng (được coi là ổ dịch), không phát hiện các ca mắc tương tự. Những ca nghi mắc khác đều tản phát, rải rác ở các địa phương trong tỉnh. Cán bộ y tế dự phòng đã tiến hành tẩy uế khu vực nhà bệnh nhân và lân cận bằng Cloramin, giám sát các ca sốt, phỏng nước ở trên da, tay chân miệng, đặc biệt là những người tiếp xúc với bệnh nhân. Tiên lượng dịch có nguy cơ bùng phát do đã có mầm bệnh tại cộng đồng, công tác vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân chưa tốt, giao lưu rộng giữa các địa phương tạo điều kiện cho mầm bệnh phát tán...”.

Trước tình hình trên, TTYT Dự phòng tỉnh chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch: Tuyên truyền người dân tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm như rửa tay trước khi ăn, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, thực hiện ăn chín uống sôi; Tăng cường giám sát bệnh Tay Chân Miệng, khi có bệnh nhân nghi ngờ cần điều trị cách ly, tiến hành điều tra, giám sát, lấy mẫu làm xét nghiệm chẩn đoán kịp thời; Khuyến cáo người dân, khi bị sốt và xuất hiện nốt phỏng trên da cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị.

Hoạt động phòng chống dịch tại địa phương, khi phát hiện các trường hợp nghi Tay Chân Miệng cần tẩy uế môi trường nhà bệnh nhân và khu vực xung quanh bằng Cloramin, dùng vôi bột, cloramin B khử trùng hố xí, cống rãnh nước thải, phối hợp với bệnh viện cùng cấp cách ly và điều trị tại chỗ, quản lý chất thải bệnh nhân theo phác đồ khi phát hiện trường hợp mắc mới. Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn giám sát dịch chặt chẽ, tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh Tay Chân Miệng tại cộng đồng, phối hợp với ngành giáo dục thực hiện thông khí tốt các lớp học, đặc biệt với các trường mẫu giáo, mầm non. Khi trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi phát hoặc hết vết loét miệng và phỏng nước, nếu có từ 2 trẻ mắc trở lên trong 1 lớp, trong vòng 7-10 ngày cần cho lớp nghỉ học, kể từ khi khởi bệnh của ca cuối cùng.

Bệnh tay chân miệng do virus Entero71 gây biến chứng rất nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não..., bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 24 giờ nếu không phát hiện và xử trí kịp thời. Những dấu hiệu cho biết trẻ mắc bệnh chân tay miệng có thể đã bị biến chứng như: khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình, nói nhảm, run chi, sốt cao, nôn ói nhiều, mạch nhanh, yếu tay chân, méo miệng... Ngành Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh, nếu thấy trẻ có một trong số những triệu trên cần nhanh chóng đưa trẻ đến viện cấp cứu. Với đa số bệnh tay chân miệng thuộc các tuyp không nguy hiểm sẽ tự khỏi, có thể điều trị tại nhà bằng thuốc kê đơn của bác sỹ, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, vệ sinh toàn diện cho trẻ...

Ngọc Duyệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét