Trang

Cụm từ 'Made in Vietnam' đang bị lạm dụng ra sao?

news.zing.vn - 16:15 15/08/2014

Cùng với làn sóng "ghét" hàng Trung Quốc là nhà nhà, người người đổ xô dùng hàng "Made in Vietnam" làm cho cụm từ chỉ xuất xứ này trở thành thương hiệu tên tuổi.

Cuối năm 2012, khi rộ lên thông tin sinh vật lạ làm tổ trong quần áo trẻ em mới mua được cho là có xuất xứ từ Trung Quốc, chị Nguyễn Ngọc Anh (Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng các đồng nghiệp trong công ty bảo nhau tẩy chay hàng hóa từ nước này. Chị cho biết: "Mấy năm trước, quần áo Trung Quốc nhan nhản, cửa hàng 'Made in Vietnam' còn khiêm tốn, nên tìm mua sản phẩm xuất xứ Việt khó và đắt", chị nói. Khi đó, ở công ty chị Ngọc Anh, chiến dịch người Việt dùng hàng Việt lan khắp công ty và được mọi người hưởng ứng nhiệt tình.

Cụm từ 'Made in Vietnam' đang bị lạm dụng ra sao?
Các cửa hàng Made in Vietnam mọc lên như nấm ở Hà Nội, từ các trung tâm mua sắm cho đến ngõ hẻm. Ảnh: Ngọc Lan.

Không chỉ các nhân viên công ty chị Ngọc Anh, mà nhiều người tiêu dùng trong nước cũng bắt đầu chuộng mặt hàng có xuất xứ ở Việt Nam. Chỉ sau một thời gian ngắn, những cửa hàng dán nhãn "Việt Nam xuất khẩu" mọc lên nhan nhản. Nhiều cửa hàng cũng bắt đầu thay tên đổi họ thành "Made in Vietnam". Từ trong các trung tâm mua sắm cho đến những con phố nhỏ, đâu đâu người ta cũng bắt gặp những cửa hàng mang thương hiệu này. Không ai phủ nhận, cụm từ "Made in Vietnam" có sức hút bắt đầu từ đó, và kéo dài đến hiện tại. Từ đây, cái tên chỉ xuất xứ sản phẩm "Made in Vietnam" được người tiêu dùng nâng lên thành thương hiệu.

Cơn sốt hàng Việt nở rộ không chỉ ở mặt hàng quần áo, mà từ đồ ăn cho đến những sản phẩm như tăm, đũa, chén cũng gắn mác "Made in Vietnam". Và từ đó, người tiêu dùng có thói quen xem nhãn mác, xuất xứ sản phẩm khi mua hàng. 

Từ ngày đổi tên cửa hàng quần áo T.A thành "Made in Vietnam", lượng khách tới cửa hàng chị Nguyễn Thị Thùy (Cầu Giấy, Hà Nội) đông hơn hẳn. Chị cho biết, do người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hàng nội địa nên tên "Made in Vietnam" để chỉ dẫn về xuất xứ sản phẩm được thu hút hơn hẳn. Trung bình mỗi ngày chị Thùy bán được hơn 10 sản phẩm, gấp đôi thời điểm trước.

Theo chị Thùy, cụm từ "Made in Vietnam" cũng như "Made in US, Made in China, Made in Japan hay Made in Thailand", đơn giản chỉ là chỉ dẫn xuất xứ của sản phẩm. Tuy nhiên, do chính người tiêu dùng ưu tiên ưa chuộng và đề cao nên cụm từ này bỗng dưng trở thành một thương hiệu lớn, đặc biệt thường được áp dụng đối với những điểm kinh doanh mặt hàng quần áo. Chị Thùy cho biết, do cung - cầu nên các cửa hàng "Made in Vietnam" mọc nhan nhản trong các trung tâm mua sắm lớn cho đến những con phố nhỏ. Nhà nhà, người người dùng và buôn bán hàng Vietnam.

Cửa nào cho đồ chơi Việt đánh bật hàng Trung Quốc giá bèo?

Ngoài mẫu mã đẹp, kiểu dáng phong phú, mức giá siêu rẻ là nguyên nhân khiến cho đồ chơi Trung Quốc, dù không an toàn vẫn lấn lướt hàng Việt Nam trong suốt thời gian dài.

Ngoài ra, người tiêu dùng còn mơ màng giữa hàng "Made in Vietnam" và hàng VNXK (Việt Nam xuất khẩu). Theo chị Thùy, hàng Việt Nam xuất khẩu là hàng hóa chính hãng được gia công tại Việt Nam, xuất khẩu đi các nước khác như EU, châu Mỹ…và không được phép bán trực tiếp tại Việt Nam. Đúng nguyên tắc, loại hàng này muốn bán tại Việt Nam phải nhập khẩu lại từ nước ngoài. Chính vì thế giá sản phẩm rất cao vì chịu 2 lần thuế xuất khẩu, nhập khẩu, chi phí vận chuyển, VAT…

Còn hàng "Made in Vietnam" chỉ đơn giản là hàng được sản xuất tại Việt Nam, theo chỉ dẫn địa lý. Loại này có nhiều dạng. Phổ biến hơn cả là các loại hàng dựng, hàng lên, ngoài ra còn có hàng fake (đồ kém chất lượng gắn mác hàng Việt). Số ít trong nhóm hàng đeo mác "Made in Vietnam" là hàng xuất dư, tức là hàng Việt Nam xuất khẩu bị lỗi, thừa số lượng, bị tồn lại... tuồn ra ngoài từ nhà máy gia công.

Sự phát triển ào ào theo diện rộng này đã dẫn tới tình trạng loạn giá cả mẫu mã, chất lượng. Nhiều cửa hàng kinh doanh trưng biển hàng Việt Nam xuất khẩu nhưng thực chất là bán hàng không rõ xuất xứ để kiếm lợi nhuận. Thậm chí, việc sử dụng cụm từ "Made in Vietnam" bị lạm dụng, áp dụng với gần như tất cả các mặt hàng, từ quần áo, giày dép đến đồ gia dụng, đồ thiết yếu..., trong xu thế người tiêu dùng ái ngại với hàng Trung Quốc.

Chị Nga, bán giầy dép da ở Khương Thượng cho biết, sau khi đăng biển giày dép handmade, Made in Vietnam, cửa hàng chị đông khách hơn hẳn. Tuy nhiên, theo chị bật mí, từ nguyên liệu da, chỉ khâu, keo dán và đế cao su, khóa đều được nhập về từ chợ Đồng Xuân hoặc chợ Ninh Hiệp. Phần lớn các phụ kiện nói trên đều nhập từ Trung Quốc. "Nguyên liệu không ở Việt Nam, nhưng giày dép được gia công ở Việt Nam nên là sản phẩm của Việt Nam", chị nói.

Cụm từ 'Made in Vietnam' đang bị lạm dụng ra sao?
Tâm lý thích dùng hàng Việt khiến cho Made in Vietnam - vốn là một cụm từ chỉ dẫn xuất xứ dần trở thành một thương hiệu lớn ở Việt Nam. Ảnh: Ngọc Lan.

Chị Nguyễn Minh Hằng, bán quần áo trên đường Nguyễn Khánh Toàn cho biết, năm gần đây quần áo Xichao, Thái Lan bán chậm do hàng VNXK hút khách. Ngay cả hàng hiệu Trung Quốc hạ giá đến 1 nửa mà vẫn bị tẩy chay, khiến cửa hàng chị khốn đốn.

Chị Phạm Ngọc Thí, một tín đồ dùng hàng Việt chia sẻ, quần áo, giày dép cho đến đồ gia dụng của cả nhà đều dùng hàng trong nước. Chị Thí từng hiểu, sản phẩm "Made in Vietnam" nghĩa là từ nguyên liệu, gia công, chế tác đều là của Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thời gian dài trung thành với hàng "Made in Vietnam", chị Thí mới vỡ lẽ, có nhiều sản phẩm được gắn mác "Made in Vietnam" nhưng chưa chắc đã là hàng Việt.  Bối rối vì niềm tin từng đặt nhầm chỗ, chị Thí chia sẻ, hàng Việt bị trá hình nhan nhản nên phải đặt mua đồ do chính nhân công Việt Nam gia công, mà lại được bán ở nước ngoài. Những món đồ nói trên có giá bán không hề rẻ, người mua lại mất thời gian chờ đợi.

'Đại siêu thị may mặc Trung Quốc' ở Hà Nội ế ẩm

Phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc khiến chợ vải Ninh Hiệp - "đại siêu thị may mặc Trung Quốc" ở thủ đô ế ẩm. Nhiều người thức thời, quyết định chuyển hướng kinh doanh.

Kỳ sau: Ma trận hàng VNXK bủa vây người tiêu dùng

 
 

Người tiêu dùng vùng vẫy giữa 'ma trận' hàng VNXK

Nhiều xuất xứ, nguồn gốc khác nhau, lời quảng cáo đường mật cùng với sự pha trộn chất liệu, hàng VNXK (Việt Nam xuất khẩu) đang khiến người tiêu dùng bối rối.

Phấn khởi diện chiếc váy Mango mới mua giá 400.000 đồng tại một shop hàng VNXK trên đường Tô Hiệu (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chị Trần Thị Hương, nhà ở phố Trần Cung, không khỏi ngạc nhiên khi người bạn cùng lớp khoe vừa mua chiếc y hệt ở chợ Nhà Xanh giá chỉ 100.000 đồng. So sánh kiểu dáng, chất liệu chị Hương giật mình khi 2 chiếc váy giống y hệt nhau, chỉ khác váy chị Hương đính chi chít nhãn mác. Chị tâm sự, đó cũng là lần cuối cùng mua hàng VNXK trong cửa hàng.

Hàng VNXK đang bủa vây người tiêu dùng. Ảnh: Ngọc Lan.
Hàng VNXK đang bủa vây người tiêu dùng. Ảnh: Ngọc Lan.

Anh Phan Anh Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) một lần nhớ đời khi mua đôi giầy Made in Vietnam đính hiệu Kenneth giá 3 triệu đồng ở phố Tăng Bạt Hổ. Đi chưa được 1 tháng thì anh thấy da giầy phồng rộp và bị tróc, đế mòn nhanh và lõm xuống. Khi phản ánh với chủ cửa hàng, anh Ngọc được nhận câu trả lời: "Giầy nào đi nhiều cũng dễ  hỏng". Từ lần đó, anh Ngọc cho biết, đã mất hết niềm tin vào hàng VNXK.

Tại Hà Nội, các cửa hàng treo biển "Made in Vietnam" hay "Việt Nam xuất khẩu" ngày càng nhiều, khiến cho người tiêu dùng hoa mắt. Trần Ngân (sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, mua chiếc áo sơ mi Ferragamo gắn mác "Made in Vietnam" tại cửa hàng VNXK trên đường Nguyễn Phong Sắc giá 250.000 đồng. Ngày hôm sau, tình cờ Ngân thấy chiếc giống hệt bán trong shop Chùa Bộc với giá 350.000 đồng. Ngân còn sốc hơn nữa khi bạn cùng lớp cũng vừa mua chiếc áo đúng kiểu dáng giá chỉ 55.000 đồng. "Hàng VNXK bây giờ thật, giả, hàng hiệu, hàng nhái lẫn lộn, khiến mình bị xoay như chong chóng", Ngân chia sẻ. 

Người tiêu dùng vùng vẫy giữa 'ma trận' hàng VNXK
Chi chít những cửa hàng "Made in Vietnam"  trên các tuyến phố. Ảnh: Ngọc Lan.

Trong thị trường loạn giá, loạn sản phẩm như hiện nay, đâu là hàng xuất khẩu xịn, đâu là hàng nhái, có những loại hàng "Made in Vietnam" nào... là những câu hỏi không ít người tiêu dùng đang đặt ra.

Từng có kinh nghiệm mở shop hàng hiệu hơn 5 năm trên phố cổ, anh Hưng (Khâm Thiêm, Hà Nội) cho biết, hàng VNXK xịn là hàng các hãng nước ngoài đặt nhân công Việt Nam gia công. Những thương hiệu quen thuộc với người Việt như Zara, Mango, H&M, Forever 21 (F21)... được  sản xuất tại Việt Nam và ghi rõ xuất xứ "Made in Vietnam" trong mác cổ, mác sườn. Anh Hưng cho biết, thường những món đồ này không bán nhiều ở Việt Nam.

Với hàng VNXK bán nhiều trên thị trường, anh Hưng tiết lộ, có vài dạng là xuất dư, nối chuyền, hàng lỗi, hàng lên (dựng). Mỗi một lô hàng bao giờ cũng làm dư ra 1 số lượng quy định để dự phòng, hoặc hàng mẫu có chất lượng tốt nhưng số lượng vô cùng ít được gọi là hàng dư. Còn hàng nối chuyền được sản xuất từ vải thừa khi làm sản phẩm. Loại này được công nhân tận dụng chắp vá, sau đó tuồn ra ngoài và bán với lượng ít. Hàng lỗi, đúng quy định sẽ bị tiêu hủy (như giày thì thường bị cắt đôi hoặc cắt đế,...), tuy nhiên vẫn xuất hiện trên thị trường, dù số lượng không nhiều. Cuối cùng là hàng fake (hàng dựng) thường dựa vào mẫu hàng chính hãng lấy về rồi làm y chang nhưng chất lượng sản phẩm kém và giá chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/4 giá hàng chính hãng. Có loại hàng lên, mẫu của thương hiệu A, nhưng lại được gắn mác thương hiệu B, C, khiến người mua không biết làm thế nào để phân biệt. 

Tuy nhiên, theo lời chị Bùi Vân Anh (Phú Xuyên, Hà Nội) - nhân viên một xưởng giầy da ở Việt Nam, những loại hàng xuất dư rất hiếm, vì quy trình sản xuất trong công ty khắt khe và ít sai sót. Phổ biến ở thị trường Việt Nam hiện nay là hàng VNXK may gia công trong nước bằng nguyên liệu giá rẻ ở Trung Quốc, được gắn mác Made in Vietnam.

Thoát "ma trận" như thế nào?

Theo kinh nghiệm được chia sẻ trên một diễn đàn, nếu đam mê với đồ chính hãng của các thương hiệu quen thuộc với người Việt, người tiêu dùng nên săn đồ giảm giá ở website trực tiếp của những thương hiệu này. Chị Linh Anh, ở Mỹ Đình, Hà Nội - một tín đồ chuyên săn hàng mùa sale cho biết, quần áo H&M, Zara, Mango, F21... mua trực tiếp từ nước ngoài vào mùa sale không đắt. "Cuối vụ sale, có những món đồ giá chỉ vài chục nghìn đến khoảng 400.000 - 500.000 đồng, không đắt mà lại là hàng xịn, có thể kiểm tra code sản phẩm để biết được hàng xịn hay không", chị tiết lộ. Theo chị Linh Anh, phần lớn các shop bán hàng xách tay xịn ở Việt Nam đều nhập hàng theo kiểu này.

"Giá đồ xách tay thường cao, nhưng nếu nhập bằng đường order (đặt) từ nước ngoài vào mùa sale cuối vụ, người bán thu lãi tương đối. Thời điểm các nhãn hàng nước ngoài sale-off thường lúc giao mùa. Hiện tại đang là mùa giảm giá của các hãng H&M, Zara, Mango, F21, Uniqlo..., tại tất cả các quốc gia. Nhưng khách Việt Nam hay đặt từ những nước quen thuộc như Mỹ, Đức, Anh, Nhật Bản, Tây Ban Nha...", chị Linh Anh nói thêm.

Người tiêu dùng vùng vẫy giữa 'ma trận' hàng VNXK
Nhiều sản phẩm gắn mác Made in Vietnam với thương hiệu quốc tế. Ảnh: Ngọc Lan.

Trong số những món hàng đặt từ nước ngoài, bên cạnh những món đồ được sản xuất ở châu Âu, cũng có không ít món xuất xứ "Made in China", "Made in Vietnam". "Chuyện này không lạ, vì bản thân các hãng như Zara, Mango, F21 hay H&M cũng đều đặt gia công ở nước thứ ba, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc... Vì vậy, mua hàng ở Mỹ, Anh, Đức... mà mác lại ghi xuất xứ Trung Quốc, Việt Nam, khách hàng không cần quá băn khoăn. Quan trọng nhất là kiểm tra được đó chính là hàng xịn", chị Thùy Chi - chuyên săn hàng nước ngoài vào mùa sale cho biết.

Cách kiểm tra tốt nhất, theo chị Chi là yêu cầu những người nhận đặt hàng cung cấp hóa đơn hoặc bằng chứng liên quan đến mặt hàng đã mua. Cách đơn giản hơn, là gõ code món hàng in trên tag giấy. "Thường nếu là hàng nhái, khi gõ code, sẽ không ra ảnh sản phẩm", chị nói.

Với hàng VNXK đang bán nhan nhản trên thị trường, cách phân biệt tốt nhất là nhìn vào chất lượng của sản phẩm và chọn những điểm bán uy tín. Chủ một cửa hàng bán quần áo VNXK tại phố Thành Công (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, muốn mua hàng "thuần Việt Nam", nên chọn các thương hiệu có tên tuổi, là hàng Việt Nam. Riêng với đồ VNXK, người tiêu dùng cần chọn những hệ thống lớn, uy tín để đặt niềm tin. "Các cửa hàng nhỏ cũng có hàng xuất khẩu, nhưng thường sẽ tạp nham và rất khó để phân biệt đâu là hàng xịn", chị này cho biết.

Ngoài ra, theo lời chủ cửa hàng này, khách hàng cần có một vài địa chỉ bỏ túi. "Danh sách này phụ thuộc vào độ trải nghiệm về chất lượng món hàng mà chính khách hàng đó đã từng mua, dùng, và cảm nhận", chủ cửa hàng nói trên tiết lộ.

Kỳ cuối: Dân sành hàng VNXK rỉ tai bí kíp chọn đồ

Hàng VN chất lượng cao giả ở nước ngoài tuồn về nội địa

Hàng Việt Nam chất lượng cao lại là hàng trôi nổi hoặc được làm nhái tại nước ngoài.

 
 

'Đại siêu thị may mặc Trung Quốc' ở Hà Nội ế ẩm

Phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc khiến chợ vải Ninh Hiệp - "đại siêu thị may mặc Trung Quốc" ở thủ đô ế ẩm. Nhiều người thức thời, quyết định chuyển hướng kinh doanh.

Chợ Ninh Hiệp nhiều năm nay có tiếng là chợ đầu mối trung chuyển quần áo, vải vóc Trung Quốc lớn nhất miền Bắc, với tên gọi "đại siêu thị may mặc Trung Quốc" ở thủ đô. Tuy nhiên, những ngày này, chợ rất vắng vẻ.

Trước đây vài tháng, mọi con ngõ dẫn tới trung tâm chợ Ninh Hiệp đều chật như nêm. Cảnh buôn bán diễn ra náo nhiệt. Nhưng hiện tại, ngay cả ngày cuối tuần, khu chợ lèo tèo khách qua lại. Trẻ con vô tư chạy trong ngõ chợ thênh thang. Các chủ sạp ế hàng rủ nhau ngồi buôn đủ chuyện.

'Đại siêu thị may mặc Trung Quốc' ở Hà Nội ế ẩm

Chợ Ninh Hiệp ngày cuối tuần vẫn thưa thớt khách. Ảnh: Diệp Sa.

Chị Hạnh, chủ một sạp hàng trong chợ cho hay: "Trước khách đông lắm, vừa bán vừa la vẫn đắt hàng. Vậy mà giờ cả ngày chỉ có vài lượt khách lèo tèo, lật lên lật xuống xem chán chê rồi lại đi. Thật ra bình thường lượng khách tới mua sỉ mua lẻ quần áo mùa hè cũng ít hơn mùa đông nhưng chưa bao giờ vắng khách vậy".

Khu chợ quần áo đã vậy, bước vào khu vực bán vải còn vắng hơn. Các chủ sạp tụ lại chuyện trò rôm rả để quên đi nỗi buồn ế hàng. "Chắc chỉ có lũ trẻ con là vui vì chả mấy khi chợ vắng, chúng được tự do chạy nhảy như vậy. Dân mình yêu nước là đúng rồi nhưng tẩy chay thế này thì chúng em chết. Mà dân Ninh Hiệp có phải chỉ bán hàng Trung Quốc thôi đâu, vải Lào, Thái, Nhật, Hàn nhiều chứ!", chị Lan, chủ hàng vải cho biết.

'Đại siêu thị may mặc Trung Quốc' ở Hà Nội ế ẩm

Các cửa hàng đua nhau trưng biển "Made in Việt Nam" trên dải đường dẫn vào trung tâm chợ Ninh Hiệp. Ảnh: Diệp Sa.

Chợ vắng, sợ hàng tồn, nhiều chủ hàng quyết định giảm giá "kịch liệt" để thu hút khách quay trở lại. Hàng Trung Quốc vì thế đã rẻ nay còn rẻ hơn. Quần áo đủ thể loại mẫu mã khá bắt mắt trước được rao bán cả trăm ngàn, nay giảm giá chỉ còn một nửa. Nhiều mặt hàng từ trước tới nay vốn hút khách như quần áo trẻ em, hàng fake (hàng nhái) các nhãn hiệu như Zara, HM, Asos… cũng tưng bừng giảm giá. Một số mẫu quần áo chất lượng đẹp được các chủ hiệu khoét mác Tàu thay bằng mác "Made in Vietnam" rồi đổ buôn giá rẻ cho các chủ hiệu thời trang tại Hà Nội và các tỉnh.

Dự đoán trước việc chuyển mánh bán hàng không phải là phương kế lâu dài, những dân buôn Ninh Hiệp thức thời đã chuyển hướng kinh doanh. Nhiều hộ buôn lớn quyết định dừng việc đánh hàng Quảng Châu về, tự mở xưởng may gia công quần áo theo các mẫu thiết kế thời thượng đang được giới công sở, giới trẻ yêu thích. Chị Hải, chủ một hiệu quần áo công sở đang giám sát thợ làm biển quảng cáo "Made in Việt Nam" chia sẻ: "Hàng nhà tôi là hàng Việt Nam chính gốc do xưởng may của nhà sản xuất theo thiết kế. Chất lượng quần áo váy vóc được chọn lọc kỹ càng từ khâu nhập vải đến từng đường kim mũi chỉ và phụ liệu như cúc, khóa… Tuyệt đối không phải hàng Trung Quốc".

Cả một dải đường dẫn vào chợ Ninh Hiệp có tới gần 20 cửa hàng trưng biển quần áo "Made in Việt Nam" mới toanh. Qua tìm hiểu từ các chủ hàng, phần lớn những cửa hàng này đều có xưởng may gia công riêng hoặc là hàng nhập lại của các xưởng may, nhãn hiệu thời trang Việt Nam. Sợ khách hàng không tin, nhiều chủ hiệu còn cam kết cho khách lấy buôn tham quan xưởng may gia đình để chứng minh không bán hàng Trung Quốc.

'Đại siêu thị may mặc Trung Quốc' ở Hà Nội ế ẩm

Khoét mác Tàu, thay bằng "Made in Vietnam" để hút khách. Ảnh: Diệp Sa.

Xưởng may nhà anh Cường, chị Hạnh dù mới hoạt động được hơn một năm nay nhưng khá đắt khách, chủ yếu là khách lấy buôn. Trung bình mỗi ngày chị Hạnh xuất đi khoảng hơn chục mối lấy buôn quần áo tại Hà Nội và các tỉnh. Chị tâm sự, ngày xưa nhà anh chị cũng thường xuyên đánh buôn hàng Quảng Châu nhưng càng ngày xu hướng khách nhập hàng, mua hàng càng hướng nội nên anh chị chuyển hướng kinh doanh, mở xưởng may gia công chuyên hàng jeans và công sở.

"Vợ chồng tôi tranh thủ các mối nhập quen từ trước, giới thiệu mẫu hàng của nhà cho khách. Hàng của nhà, mình kiểm soát được chất lượng tốt hơn, mẫu mã lại không thua kém gì hàng Trung Quốc nên khách mua sỉ mua lẻ đều yên tâm", chị nói. Chị Hạnh cũng chia sẻ, chuyển hướng kinh doanh tuy vất vả hơn nhưng lợi nhuận lớn hơn và anh chị cũng chủ động việc buôn bán.

Đường vào Ninh Hiệp tạm thời như thênh thang hơn do lượng khách tới mua bán giảm đáng kể. Tuy nhiên, anh Cường, chồng chị Hạnh, khẳng định đầy tự tin: "Chợ vắng rồi chợ lại đông. Dân Ninh Hiệp giỏi đi buôn nhưng dân Ninh Hiệp cũng giỏi sản xuất. Không có hàng Trung Quốc, người Ninh Hiệp vẫn sống tốt, vẫn làm giàu được!"

Khoét mác để biến đồ Trung Quốc thành hàng Việt Nam

Nhiều cửa hàng "Made in Vietnam" nhưng chỉ có nhãn mác là nội, còn "ruột" là đồ Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét