tapchidongy.vn - Thứ Ba, 08 Tháng 12 2015 08:05
Tê buồn chân tay trong Đông y còn gọi là Tê bì , người bệnh thường bị căn bệnh này tấn công khi sức đề kháng yếu. Nguyên nhân chính là do: Phong, hàn, thấp, nhiệt cộng với tình trạng suy nhược của cơ thể gây ra.
Việc đau xương khớp và tê buốt chân tay thường gặp ở người già có thể do thoái hóa và loãng xương ở người già (quy luật tự nhiên do sự giảm và mất các nội tiết tố sinh trưởng và sinh dục); gai xương và thoát vị đĩa đệm cột sống; viêm đa khớp dạng thấp (một loại bệnh lý tự miễn dịch) hay thiếu nuôi dưỡng các bộ phận cơ thể do tình trạng xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tiểu đường... Để biết đích xác là nguyên nhân gì, người bệnh cần làm các xét nghiệm cần thiết để giúp cho việc chẩn đoán, nên đến các cơ sở y tế có đủ phương tiện máy móc xét nghiệm. Riêng trường hợp thoát vị đĩa đệm, cần phải được can thiệp tích cực để chống chèn ép thần kinh, bởi không chỉ gây đau mà bệnh này còn có thể gây liệt.
Cơ chế bệnh căn bản của triệu chứng tê là ở "không thông thì đau", mấu chốt chữa trị cũng là ở "thông". Dựa vào sự khác nhau của nhân tố gây bệnh như gió, lạnh, ẩm, nóng mà chọn các phương pháp chữa trị bằng ăn uống tương tự như thông gió, tản lạnh, thông ẩm, giải nhiệt. Dưới đây là một số món ăn, bài thuốc đơn giản hỗ trợ điều trị chứng tê.
Hành củ...
Bài 1: Hành củ 4 củ, phòng phong 9g, gạo tẻ 50g, hành củ thái nhỏ cùng phòng phong sắc lấy nước thuốc, cho gạo tẻ vào nước thuốc, thêm nước vừa đủ nấu cháo ăn, dùng cho tê chạy do gió lạnh dẫn tới, khớp đau không cố định.
Bài 2: Xích đậu 30g, khương hoạt 10g, khương hoạt sắc lấy nước bỏ bã, cho xích đậu vào nấu chín, ăn mỗi ngày hai lần, dùng cho tê chạy, khớp đau không cố định.
Bài 3: Gừng tươi 3 lát, bạc hà 3g, gạo tẻ 50g, đường đỏ vừa đủ. Bạc hà thêm nước đun qua, sau cho gạo tẻ, gừng, đường đỏ cùng nấu cháo, khi sắp chín, đổ nước bạc hà vào, nấu thêm một lát rồi ăn, dùng cho người bị gió lạnh gây tê, khớp sưng đau.
Gừng tươi, vị thuốc trị chứng tê buồn chân tay.
Bài 4: Rượu trắng 500g, rễ mộc qua 250g, đỗ trọng 50g. Rễ mộc qua, đỗ trọng ngâm vào rượu trắng, 10 ngày sau dùng uống, mỗi ngày 30ml, ngày hai lần, dùng cho người đau tê, yếu tố lạnh gây bệnh mạnh hơn, khớp đau nhiều.
Bài 5: Gạo tẻ 50g, đường đỏ 25g, ô đầu 9g, gừng tươi 3 lát. Ô đầu thêm nước sắc đặc bỏ bã, cho gạo tẻ, đường đỏ, gừng tươi và nước vừa đủ nấu cháo mỗi ngày một lần, dùng cho tê đau.
Bài 6: Gà xương đen 500g, rượu trắng 500g, gà làm sạch bỏ nội tạng, dùng rượu thay nước nấu gà, sau khi chín thêm gia vị, chia làm nhiều lần ăn, dùng chữa chứng sờ vào tê, tứ chi sưng đau nhiều.
Bài 7: Mướp 50g, đậu xanh 50g, gạo tẻ 100g, nấu cháo, cho mướp vào sau cùng, dùng chữa khớp sưng đỏ đau.
Bài 8: Xích tiểu đậu 30g, cỏ thài lài 30g, hành 5 củ, gừng 3 lát, ngâm xích tiểu đậu 3 giờ, sau cùng sắc uống, mỗi ngày một lần, dùng chữa tê nhiệt, khớp sưng đau, rát nóng.
Theo songkhoe.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét