Trang

Dấu hiệu bệnh thận và suy thận?

http://m.soha.vn/song-khoe/dau-hieu-benh-than-va-suy-than-20151027152008846.htm
Dấu hiệu bệnh thận và suy thận?
BS. Đinh Thị Thanh Theo Sức khỏe Đời sống • 2 tháng trước

Bệnh thận thường không gây ra triệu chứng gì cho tới khi đã tiến triển, vậy nên những ai trong diện có nguy cơ cao bị bệnh thận cần được thầy thuốc kiểm tra thường xuyên.

Vai trò của thận trong cơ thể?
Thận có 4 chức năng chính: giữ cân bằng dịch trong cơ thể; giữ cân bằng các chất khoáng mà cơ thể cần để duy trì hoạt động bình thường, nhất là chất kali để kiểm soát hoạt động của thần kinh và cơ, quá nhiều hay quá ít kali cũng có thể gây ra yếu cơ và vấn đề cho tim.
Cạnh đó, thận còn có vai trò loại bỏ các sản phẩm giáng hóa của protein (trong thực phẩm) như urê, creatinine (tạo ra trong tiến trình vận động cơ bắp); giải phóng một số hormon thiết yếu vào máu như renin (điều hòa huyết áp), erythropoietin (EPO) giúp tủy xương tạo hồng cầu và hoạt hóa vitamin D để hấp thụ canxi trong thức ăn nhằm tăng cường cho xương.

Ai có nguy cơ bị bệnh thận mạn tính và suy thận?
Một số người dễ phát triển bệnh thận, nếu có bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, bệnh di truyền như thận đa nang, hội chứng Alport; nhiễm khuẩn, nghẽn tắc hay bệnh bẩm sinh đường tiết niệu; bệnh Lupus ban đỏ hệ thống; bệnh phì đại và ung thư tuyến tiền liệt; dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) dài hạn như ibuprofen, ketoprofen và một số thuốc kháng sinh.
Bệnh thận thường không gây ra triệu chứng gì cho tới khi đã tiến triển. Để phát hiện sớm bệnh thận có ba cách: thử nước tiểu, thử máu, đo huyết áp thường xuyên.
Nguy cơ sức khỏe của bệnh thận mạn tính
Khi bệnh thận có diễn biến xấu thì nhiều vấn đề sức khỏe có thể xảy ra như thiếu máu, bệnh xương, tổn thương thần kinh và tăng huyết áp.
Tổn thương thần kinh ngoại biên: Gây yếu chân, tay hay có cảm giác kiến bò, cảm giác nóng rát hay khó chịu và bứt rứt ở bàn chân, cẳng chân, dáng đi thay đổi.
Tăng huyếp áp: Không chỉ là nguyên nhân chính gây suy thận mạn tính mà còn có thể là hậu quả của bệnh thận, gây tổn thương cho tim và mạch máu.
Suy thận có tác động lớn đến huyết áp vì thận không còn duy trì được cân bằng dịch trong cơ thể. Khi dịch ứ đọng ở phổi có thể gây khó thở và suy tim do sung huyết.
Chú ý trong điều trị
Khi chức năng thận đã giảm, cần có biện pháp để giúp cơ thể loại bỏ chất muối, nước thừa và các sản phẩm giáng hóa có trong máu bằng cách điều chỉnh lượng muối, protein, phosphor, calo và các chất khác trong bữa ăn hằng ngày.
Chế độ dinh dưỡng thận trọng giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu và kéo dài thời gian làm việc của thận.
Về thuốc, cần dùng thuốc kiểm soát huyết áp, duy trì cân bằng về vitamin và chất khoáng, điều trị thiếu máu, thuốc giúp cho xương khỏe bằng vitamin D3, canxi... theo chỉ định của thầy thuốc.
Vận động thường xuyên vẫn rất cần thiết cho người có bệnh thận mạn tính vì giúp tăng sức khỏe, nghị lực sống, giảm huyết áp, cải thiện giấc ngủ, kiểm soát cân nặng, giảm nồng độ mỡ máu.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để giảm thiểu nguy cơ suy thận, những người có nguy cơ cao như đã nói trên không thể chủ quan mà cần tìm nguyên nhân để điều trị triệt để.
Nguyên tắc chung để phòng bệnh thận là: cần uống đủ nước mỗi ngày; thực hiện chế độ ăn hợp lý và cân bằng để tránh bị tăng trọng lượng và bị thừa cholesterol.
Hạn chế dùng muối, một yếu tố thúc đẩy tăng huyết áp; không hút thuốc lá vì hút thuốc làm bệnh thận tiến triển nhanh hơn...
Cạnh đó, cần tập thể dục thể thao mỗi ngày. Không dùng thuốc khi không có hướng dẫn của thầy thuốc vì một số thuốc có hại cho thận, không lạm dụng thuốc nhuận tràng và thuốc lợi tiểu.
Khi thận bị suy, tùy theo mức độ suy thận, người bệnh cần ăn nhạt, kiêng mỡ, giảm chất đạm; dùng thuốc chống tăng huyết áp, chống thiếu máu... theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Dấu hiệu mắc bệnh thận
Thay đổi khi đi tiểu: Những thay đổi như tiểu nhiều vào đêm, nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu nhiều hơn/ít hơn bình thường và nước tiểu có màu nhợt/màu tối, nước tiểu có máu, cảm thấy căng tức hay đi tiểu khó khăn...
Phù: Thận bị hỏng không loại bỏ được chất lỏng dư thừa nữa, do vậy chất lỏng tích tụ trong cơ thể khiến bạn bị phù ở chân, cổ chân, bàn chân, mặt...
Mệt mỏi: Những quả thận khỏe mạnh tạo ra một hormon gọi là erythropoietin, hormon này thông báo cho cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu mang ôxy.
Khi thận bị hỏng, chúng tạo ra ít erythropoietin hơn, cơ thể có ít các tế bào hồng cầu vận chuyển ôxy hơn, nên các cơ và đầu óc của bạn mệt đi nhanh chóng. Tình trạng này được gọi là thiếu máu do suy thận.
Ngứa: Thận có chức năng loại bỏ các chất cặn bã ra khỏi máu. Khi thận bị suy, sự tích tụ của các chất thải này trong máu có thể gây ngứa ở da.
Hơi thở có mùi amoniac: Sự tích tụ của các chất thải trong máu (được gọi là chứng urê huyết) có thể khiến thức ăn có vị khác đi và khiến hơi thở có mùi. Bạn cũng nhận thấy rằng bạn không thích ăn thịt nữa.
Buồn nôn và nôn: Do urê huyết gây nên tình trạng buồn nôn và nôn.
Thở nông: Đó là do chất lỏng dư thừa trong cơ thể tích tụ trong hai lá phổi kèm theo tình trạng thiếu máu (sự thiếu hụt các tế bào hồng cầu vận chuyển ôxy)sinh ra chứng thở nông.
Ớn lạnh: Thiếu máu có thể khiến bạn cảm thấy lúc nào cũng lạnh, thậm chí đang ở trong phòng có nhiệt độ ẩm.
Hoa mắt, chóng mặt và mất tập trung: Thiếu máu khiến não không được cung cấp đủ ôxy. Điều này có thể ảnh đến trí nhớ, gây mất tập trung, hoa mắt và chóng mặt.
Đau lưng/cạnh sườn: Một số bệnh nhân bệnh thận có thể bị đau ở lưng hay sườn.
Nếu có 1 trong 10 triệu chứng trên, bạn nên đến bệnh viện hoặc các trung tâm y tế để kiểm tra sức khỏe và được tư vấn sớm.

http://m.soha.vn/song-khoe/12-dau-hieu-ro-rang-canh-bao-ban-dang-bi-benh-than-20151026071445414.htm

12 dấu hiệu rõ ràng cảnh báo bạn đang bị bệnh thận

Tr.Trang Theo Afamily/TTVN • 2 tháng trước

Để phòng tránh bệnh thận, hãy kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường liên quan đến chức năng của thận và điều trị kịp thời.

Bệnh thận đang ngày càng trở thành bệnh phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Sở dĩ số bệnh nhân bị bệnh này tăng lên là vì các triệu chứng bệnh dễ bị bỏ qua khiến cho người bệnh chủ quan, không đi khám kịp thời.
Khi thận bị suy giảm chức năng, nếu không điều trị sẽ dẫn đến suy thận, kết quả là người bệnh phải chạy thận hoặc ghép thận.
Cũng giống như với tất cả các bệnh khác, phòng ngừa là cách tốt nhất chúng ta nên làm. Để phòng tránh suy thận, hãy kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường liên quan đến chức năng của thận và điều trị kịp thời.
Dưới đây là 12 dấu hiệu cảnh báo thận của bạn đang gặp vấn đề:
1. Khó tập trung

Nếu bạn cảm thấy mình có dấu hiệu dễ nhầm lẫn trong việc ghi nhớ hoặc khó tập trung thì bạn nên đi khám bác sĩ và đừng bỏ qua khả năng liên quan đến thận.
Theo Viện Giáo dục y tế ( Medical Education Institute): "Thiếu máu liên quan đến suy thận có nghĩa là não của bạn không nhận đủ oxy. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề trí nhớ, khó tập trung và chóng mặt".
2. Thay đổi trên da

Điều này nghe có vẻ như không liên quan nhưng thực tế, các triệu chứng như ngứa da, khô da hoàn toàn có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh thận.
Theo Trung tâm Thận quốc gia của Mỹ: "Nếu thận không thể loại bỏ chất thải trong máu, sự tích tụ có thể gây phát ban và ngứa trầm trọng". Vì vậy, nếu bị ngứa không rõ nguyên nhân hoặc bị phát ban nặng, bạn hoàn toàn nên gặp bác sĩ để được kiểm tra thận.
3. Tăng huyết áp

Trung tâm y tế Mayo Clinic cho biết: "Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thận có thể bao gồm cả cao huyết áp (hypertension) hoặc mất kiểm soát về huyết áp".
Có rất nhiều bệnh nghiêm trọng có thể gây ra tình trạng huyết áp cao, do vậy, nên đi khám để biết nguyên nhân chính xác nếu tình trạng huyết áp cao liên tục diễn ra.
4. Khó thở

Theo Viện Giáo dục Y tế, "Khó thở có thể xuất phát từ 2 nguyên nhân, thứ nhất là do lượng nước dư thừa trong cơ thể có thể tích tụ trong phổi. Và thứ hai là do thiếu máu (thiếu các tế bào máu đỏ mang oxy)".
Bình thường, khi tập luyện hoặc vận động nặng, chúng ta có thể bị khó thở. Nhưng nếu bạn bị hụt hơi, khó thở ngay cả khi đang nghỉ ngơi thì cần đi khám càng sớm càng tốt.
5. Đau chân

Điều này có vẻ đáng ngạc nhiên và khó tin nhưng nếu bạn bị đau ở chân thì đừng chủ quan nghĩ rằng nó không liên quan đến bệnh thận. Ngược lại, nó có thể là dấu hiệu của bệnh thận ở giai đoạn nghiêm trọng.
Theo Trung tâm Thận quốc gia Mỹ: "Bệnh thận có thể dẫn đến đau ở lưng, phần phụ, thậm chí ở chân. U nang thận do đa nang hình thành trên thận cũng có thể gây ra đau lưng và đau chân".
6. Sưng

Theo Viện Giáo dục Y tế: "Khi thận không loại bỏ được lượng nước dư thừa trong cơ thể, nó sẽ dẫn đến sưng ở chân, mắt cá chân, bàn chân, mặt, bàn tay".
Biểu hiện sưng có thể dao động bất cứ nơi nào từ nhẹ đến rất nặng. Điều quan trọng cần nhớ là nếu bạn thấy hiệu túi chất lỏng xây dựng lên trong tứ chi của bạn, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
7. Ớn lạnh

Trung tâm Thận Quốc viết rằng thận khỏe mạnh sản xuất một loại hormone nhắc nhở cơ thể tạo ra các tế bào máu đỏ mang oxy.
Bệnh thận có thể gây gián đoạn việc sản xuất ra hormone này và gây ra bệnh thiếu máu... Thiếu máu và bệnh thận có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng, bao gồm cả liên tục cảm thấy lạnh.
Bởi vậy, nếu cảm thấy lạnh ngay cả khi đang ở trong phòng ấm áp thì rất có thể bạn đang gặp rắc rối nghiêm trọng ở thận.
8. Mất cảm giác ngon miệng

Thông thường, mất cảm giác ngon miệng là một trong những tác dụng phụ xảy ra khi bạn giảm cân. Nhưng điều này cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị bệnh nào đó.
Nếu bạn thấy mình không có cảm giác thèm ăn với bất kì món ăn nào, kể cả những món bạn ưa thích thì bạn nên đi kiểm tra sức khỏe của thận.
Nếu triệu chứng này xuất hiện cùng các triệu chứng khác của bệnh thận thì khả năng bạn bị bệnh thận càng rõ ràng.
9. Hơi thở có mùi hôi

Theo Trung tâm y tế Davita Healthcare, "hơi thở có mùi hôi có thể là do việc xử lý chất thải tích tụ trong cơ thể không tốt.
Nếu kèm theo biểu hiện thay đổi khẩu vị, hoặc ác cảm với thực phẩm giàu protein như thịt thì bạn nên nghĩ nguyên nhân là do thận đang không làm đúng chức năng của nó".
10. Khó đi tiểu

Theo Trung tâm Thận quốc gia, "thận có nhiệm vụ tạo ra nước tiểu, và do đó bất kì sự thay đổi nào trong việc tiểu tiện, ví dụ như màu sắc, tần suất, cảm giác khi đi tiểu... đều có liên quan đến thận.
Một số thay đổi phổ biến như đi tiểu thường xuyên hơn vào ban đêm hoặc với số lượng nước tiểu nhiều hơn, đi tiểu ít hơn bình thường hoặc với lượng nước ít hơn, có bọt hoặc nước tiểu có bọt hoặc máu trong nước tiểu, tiểu khó... đều có thể do bạn đang bị bệnh thận".
Nếu gặp các triệu chứng này, bạn nên đi khám sớm.
11. Mệt mỏi

Một trong những triệu chứng ban đầu của bệnh thận là mệt mỏi. Đó là do thiếu các tế bào hồng cầu khỏe mạnh trong máu bởi thận khoẻ mạnh sản xuất một lượng hormone giúp sản xuất các tế bào máu đỏ.
Nếu bạn nhận thấy rằng bạn đang gặp phải mệt mỏi cùng cực, ngay cả sau khi ngủ ngon đêm hôm trước thì điều này có thể là một dấu hiệu cho thấy một vấn đề đang xảy ra ở thận, và bạn nên nói chuyện với bác sĩ ngay lập tức.
12. Buồn nôn và nôn

Theo Trung tâm Thận quốc gia Mỹ, một hệ quả kéo theo khi bị bệnh thận là chất thải bị tích tụ trong máu và cũng có thể gây buồn nôn và nôn.
Bởi vì thận chịu trách nhiệm cho việc loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể nên khi không làm tốt điều này nó sẽ dẫn đến cảm giác buồn nôn và ói mửa.
Nếu bạn hay gặp các triệu chứng này, hãy đi khám sớm, đặc biệt là khi có kèm theo các triệu chứng khác.
Chìa khóa để ngăn ngừa bệnh thận giai đoạn cuối hoặc suy thận là phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vậy nên, bạn đừng bỏ qua các dấu hiệu này nhé.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét