Trang

Dưỡng sinh trường thọ

NGÀY 12 THÁNG 10, 2015 | 14:36

 
SKĐS - Con người ta ai cũng phải tuân theo quy luật "sinh, lão, bệnh, tử" của tạo hóa.

Con người ta ai cũng phải tuân theo quy luật "sinh, lão, bệnh, tử" của tạo hóa. Tuy nhiên, nhân loại luôn tìm hiểu về những quy luật của tự nhiên để thích ứng và cải tạo tự nhiên để đạt được mục đích giảm thiểu hoặc tránh phát sinh bệnh tật, tạo trạng thái tốt nhất cả về tinh thần lẫn thể chất, âm dương điều hòa trong quá trình hoạt động sống của cơ thể, làm chậm quá trình lão hóa, từ đó kéo dài tuổi thọ.

Bí quyết để đạt được trường thọ bao gồm các chế độ sinh hoạt luyện tập dưỡng sinh đã được Đại danh y Tuệ Tĩnh tóm lược như sau:

"Bế tinh dưỡng khí tồn thần.

Thanh tâm quả dục thủ chân luyện hình"

Dưỡng sinh trường thọ
Luyện tập thường xuyên sẽ giúp người cao tuổi tăng cường sức khoẻ. Ảnh : Trần Minh

Bế tinh

Bế tinh nghĩa là phải duy trì sinh hoạt tình dục một cách điều độ, không nên hao phí tinh cho chuyện tình dục nhiều quá. Quan hệ sinh hoạt giữa nam và nữ là bản năng thiên phú, cần thiết để duy trì giống nòi. Sinh hoạt tình dục điều độ không những làm cho cơ thể khỏe mạnh, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định hòa thuận cho gia đình và xã hội. Do sinh hoạt tình dục gây hao tổn thận tinh nên cần thiết phải điều độ. Tinh khí trong thận là nguồn động lực cho hoạt động sống, là gốc rễ của âm dương toàn thân. Tiêu hao quá nhiều sẽ dẫn mệt mỏi, đau lưng, mất ngủ, lão hóa sớm...

Dưỡng khí

Dưỡng khí là phần quan trọng trong dưỡng sinh, tập trung vào việc luyện khí. Người xưa nói: "tập hít thở, thở ra khí cũ, hít vào khí mới, như con gấu vươn thân, con chim vỗ cánh là để sống lâu vậy". Tập thở giúp cho cơ thể có đủ oxy, trí óc minh mẫn, tăng sức đề kháng chống bệnh. Có nhiều phương pháp luyện thở, trong đó phương pháp thở bốn thì của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng là phổ biến nhất ở Việt Nam:

Thì 1: hít vào đều, sâu, tối đa, ngực nở, bụng phình và cứng. Thời gian 1/4 hơi thở, nghĩ "hít vào bụng nở ngực căng".

Thì 2: giữ hơi, cơ hoành và các cơ lồng ngực đều co thắt tối đa, thanh quản mở, giơ chân dao động rồi để chân xuống. Thời gian 1/4 hơi thở, nghĩ "giữ hơi cố gắng hít thêm".

Thì 3: thở ra thoải mái, tự nhiên, không kìm, không thúc. Thời gian 1/4 hơi thở, nghĩ "thở ra không kìm không thúc".

Thì 4: thư giãn hoàn toàn, có cảm giác nặng và ấm. Tự kỷ ám thị: tay chân tôi nặng và ấm, toàn thân tôi nặng và ấm. Thời gian 1/4 hơi thở, nghĩ "nghỉ thời nặng ấm tay chân".

Trong kỹ thuật thở này, thời gian của bốn thì phải bằng nhau để lập lại quân bình giữa hưng phấn và ức chế, thì hai rất quan trọng vì nó luyện thần kinh, ý chí làm chủ hơi thở.

Tồn thần

Tồn thần là giữ đầu óc nhẹ nhàng, thanh thản, tránh lao tâm quá độ ảnh hưởng đến toàn cơ thể. Để đạt được mục tiêu này cần rèn luyện về ý chí để giữ thăng bằng trong hưng phấn và ức chế. Một trong những cách đó là luyện thư giãn. Khi luyện thư giãn có thể ở tư thế nằm hoặc ngồi nhưng tư thế nằm là tốt nhất. Bắt đầu thư giãn bằng cách ra lệnh thư giãn cho các cơ vân và cơ trơn: đầu óc ta thảnh thơi, không nghĩ gì, rồi ta ra lệnh cho hệ thống thần kinh, động vật và thực vật, các cơ vân, cơ trơn đều buông xuôi hết. Thư giãn hoàn toàn. Nghỉ ngơi hoàn toàn. Ức chế hoàn toàn. Ta thư giãn các cơ vân hoàn toàn thì ta có cảm giác nặng, như cảm giác mí mắt nặng lúc buồn ngủ, ngước không lên. Ta có thể tự kỷ ám thị để giúp thêm cho sự thư giãn: "tay chân tôi nặng và ấm, toàn thân tôi nặng và ấm". Nên dùng cách tập trung ý nghĩ vào mục tiêu theo dõi hơi thở, thở cho đều, hít vào thở ra, nghỉ, hít vào, thở ra, nghỉ…

Thanh tâm

Thanh tâm cũng là giữ để tâm trong sáng, không bị vẩn đục, không làm điều đê hèn, đố kỵ, tàn ác, cố chấp, không quá ham chuộng vật ngon của lạ, không quá lo tranh giành, đoạt lợi... Thanh tâm phải tu tâm dưỡng tính, trau dồi đạo đức cao thượng, hành vi thanh nhã thuần khiết. Tâm tĩnh thì thần an, thần an thì khí huyết tạng phủ điều hòa, tà khó xâm phạm, kéo dài tuổi thọ.

Quả dục

Để thanh tâm thì chúng ta phải quả dục, "dục" ở đây tức là lòng ham muốn. Con người ta ai cũng có rất nhiều ham muốn, có những điều ham muốn tốt đẹp, quý báu làm cho người ta có ý chí phấn đấu làm việc: muốn có cơm ăn, áo mặc đầy đủ, học hành đỗ đạt, làm việc thành công, mưu cầu hạnh phúc, làm lợi cho cộng đồng. Những điều nhân bản không thể thiếu được. Song những ham muốn cao xa, quá đáng… thúc giục tìm mọi cách giành giật, khi không được thì gây đau khổ, lo nghĩ, thất vọng, tâm trạng rối bời, mất ăn mất ngủ… "Quả" là ít, là giảm bớt; nghĩa là trừ bỏ những ham muốn xấu để chỉ còn lại những ham muốn chính đáng, lành mạnh.

Thủ chân

Mặt khác, tĩnh dưỡng còn quan hệ mật thiết với trạng thái chân khí của cơ thể. Chân khí là tổng hòa từ nhiều yếu tố: khí tiên thiên (mang tính di truyền do bố mẹ truyền cho con), khí hậu thiên (qua sự trao đổi chất, ăn uống và hít thở khí trời). Do đó muốn cho chân khí luôn được đầy đủ thì phải thường xuyên được bổ sung thông qua chế độ ăn uống và luyện thở. Cần ăn đủ chất để giúp cơ thể sinh trưởng phát dục thuận lợi, chống lão hóa, tránh các bệnh do thiếu dinh dưỡng gây ra. Muốn vậy trong khi ăn uống cần kết hợp các thức ăn theo nguyên tắc toàn diện, hợp lý, kết hợp với nhau nhằm đủ chất dinh dưỡng, thăng bằng âm dương. … Ngoài ra, tĩnh dưỡng tàng thần giúp cho chân khí luôn được sung mãn không bị tổn thương, tăng cường sức đề kháng, có lợi cho việc phòng ngừa bệnh tật.

Luyện hình

Luyện hình là luyện tập cơ thể thường xuyên để chân khí huyết mạch lưu thông tốt, có tác dụng chống lão hóa. Luyện hình trong dưỡng sinh gồm 3 phần chính: Vận động cơ khớp và tự xoa bóp.

Vận động cơ khớp: Tập theo chức năng của từng bộ phận, từng cơ khớp. Có rất nhiều cách: đi bộ, chạy, bơi, tập thể dục buổi sáng. Các bài tập dưỡng sinh chống xơ cứng rất tốt đối với hệ cơ xương khớp, giúp cơ thể dẻo dai như các bài: chào mặt trời, rắn hổ mang, ưỡn mông, cái cầu, cây cung, ba góc, nẩy bụng…

Tự xoa bóp: thường làm vào buổi sáng trước hoặc sau lúc tập vận động và cũng có thể làm vào buổi tối trước khi đi ngủ. Làm lần lượt các động tác:

Bàn tay: xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho ấm nóng rồi tay này xoa mu tay kia vận động cổ tay và các ngón tay.

Mặt gáy: hai bàn tay áp vào hai má, xát ngược lên trán, đỉnh đầu, sau gáy và vòng ra má và tiếp tục như trên 10 lần.

Đầu tóc: gãi đầu từ phía trước ra sau gáy vòng lại thái dương trở ra phía trước và lần lượt gãi hết diện da đầu. Sau đó dùng móng các ngón tay miết da đầu từ phía trước ra phía sau tựa như chải tóc.

Mắt: xoa vòng quanh hố mắt 10 lần vuốt mí mắt trên từ sống mũi ra ngoài 10 lần. Sau đó đưa ngón tay ra phía trước mắt, nhìn chăm chú vào các ngón tay từ từ ra xa, lại đưa tay gần gốc mũi làm 10 lần.

Tai: vuốt vành tai 10 lần, sau đó dùng gan bàn tay ấn chặt vào tai, đột nhiên bung tay ra làm như thế 10 lần.

Gan bàn tay vẫn bịt chặt lỗ tai, bốn ngón tay bám chặt vào xương chẩm, đưa ngón trỏ lên tựa vào lưng ngón giữa bật mạnh ngón trỏ đập vào xương chẩm (nghe thấy bùng bùng trong tai 5 lần).

Mũi: dùng ngón tay cái hoặc ngón trỏ miết hai bên sống mũi và đỉnh mũi 10 lần.

Răng: hai hàm răng gõ vào nhau từ 10 - 20 lần.

Khi tập phải chú ý kết hợp nhịp thở và tập trung chú ý vào động tác.

TS.BS CK II.Dương Trọng Nghĩa

 
 

Thuật dưỡng sinh trường thọ

Toàn thân và tinh thần thư giãn là nền tảng trong điều trị bệnh.

ykhoa.net - Liệu con người có thể làm chậm quá trình lão hóa? Câu trả lời là có. Người ta đã tìm thấy một số phương pháp dưỡng sinh trường thọ giản dị mà hiệu quả trong y học cổ truyền, như nuốt nước bọt và gõ răng, cứu huyệt Túc tam lý, xoa bàn chân, xát vùng lưng và xoa bóp vành tai.

Cứu huyệt Túc tam lý

Y học cổ có câu: "Đỗ phúc tam lý lưu", ý muốn nói cứu huyệt Túc tam lý có thể phòng chống các bệnh lý đường tiêu hóa, đặc biệt ở dạ dày và ruột. Không một nhà châm cứu nào không biết tới điều này. Song Túc tam lý còn là một huyệt vị nổi tiếng có tác dụng bảo vệ và nâng cao sức khỏe, phòng bệnh tích cực, làm chậm quá trình lão hóa và kéo dài tuổi thọ. Bởi vậy, từ xưa đến nay, Túc tam lý còn được gọi là huyệt Trường thọ.

Có nhiều cách để xác định vị trí của huyệt Túc tam lý, có thể tiến hành đơn giản như sau: sờ bờ trước xương ống chân từ dưới cổ chân ngược lên, đến gần khớp gối, nếu ngón tay bị mắc lại ở đâu thì đó là vị trí lồi củ trước xương chày, từ đây đo ngang ra ngoài một khoát ngón tay là vị trí của huyệt. Khi ấn huyết sẽ có cảm giác tê tức lan xuống bàn chân.

Do đâu Túc tam lý lại có công dụng đặc biệt như vậy? Trước hết, huyệt vị này có tác dụng tăng cường hoạt động của hai cơ quan trọng yếu trong nhân thể là tỳ và vị. Theo quan niệm của y học cổ truyền, vị chủ thu nạp, tỳ chủ vận hóa, do đó tất cả đồ ăn thức uống muốn trở thành các chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì hoạt động sống của cơ thể đều phải qua hoạt động hấp thu, tiêu hóa, chuyển vận và phân bố của tỳ và vị. Bởi vậy, cứu huyệt Túc tam lý thường xuyên cũng có nghĩa là nâng cao năng lực hoạt động của hai cơ quan này. Thứ đến, trong những năm gần đây, với nhiều công trình nghiên cứu có đối chứng, các nhà y học cổ truyền đã chứng minh được hiệu ứng kháng lão của Túc tam lý thông qua việc cải thiện hàng loạt các chỉ tiêu về tuần hoàn, hô hấp, thần kinh, tiết niệu, nội tiết, miễn dịch và vận động ở người cao tuổi.

Kỹ thuật cứu huyệt cũng đơn giản: Dùng điếu ngải mua ở các cơ sở y học cổ truyền, hoặc tự chế bằng cách lấy lá ngải cứu phơi khô trong bóng râm, bóp mịn, bỏ gân xơ, rồi dùng giấy mỏng cuốn lại như điếu thuốc lá, châm lửa rồi hơ lên huyệt với cự ly chừng 3 cm, sao cho da vùng huyệt nóng đều lên. Mỗi huyệt cứu trong 5-10 phút, mỗi ngày cứu một hoặc hai lần.

Nuốt nước bọt và gõ răng

Các thầy thuốc xưa coi nước bọt là một dịch thể quý giá và trân trọng gọi bằng nhiều tên khác nhau như ngọc tuyền, hoa trì thủy, ngọc trì thủy, thần thủy...

Trương Cảnh Nhạc, y gia trứ danh đời Minh (Trung Quốc), đã viết: "Thực ngọc tuyền giảm khả diên niên, trừ bách bệnh, năng nhuận ngũ tạng, duyệt cơ phu" (nghĩa là nuốt nước bọt có thể sống lâu, trừ được nhiều bệnh, bồi bổ ngũ tạng, làm khỏe cơ đẹp da). Khoa học hiện đại đã chứng minh trong nước bọt có hơn chục loại men, khá nhiều vitamin, nguyên tố vi lượng, axit hữu cơ và nội tiết tố rất cần thiết cho cơ thể, ví dụ như amylase trợ giúp tiêu hóa, lysozyme kháng khuẩn, immunoglobulin tăng cường miễn dịch... Vì thế, nuốt nước bọt nhiều lần rất tốt cho sức khỏe.

Gõ răng cũng là một vận động được y học cổ truyền hết sức coi trọng vì nó giúp răng bền chắc, cải thiện sức nhai, làm tăng tiết nước bọt góp phần hỗ trợ tiêu hóa và bảo vệ dạ dày.

Vậy cách thức nuốt nước bọt và gõ răng cần được tiến hành như thế nào? Trước tiên phải chọn tư thế nằm hay ngồi cho phù hợp, tinh thần hoàn toàn yên tĩnh, mắt khép hờ, toàn thân thư giãn. Tiếp đó dùng lưỡi khuấy động trong miệng, xoa bóp mặt ngoài hàm trên và hàm dưới, khi nước bọt tiết đầy thì súc miệng 10 cái rồi dùng ý niệm phân làm 3 lần đưa nước bọt xuống Đan điền. Sau đó nhẹ nhàng gõ hai hàm răng vào nhau 100 lần. Mỗi ngày làm 3 lần, mỗi lần lặp lại chu trình trên.

Xoa bàn chân

Lão Tử nói: "Thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ" (nghĩa là đường đi nghìn dặm bắt đầu từ dưới bàn chân). Con người muốn đi xa lẽ nào không cần đến đôi bàn chân cứng cáp. Ngược lại, nếu bàn chân được bảo dưỡng đều đặn thì con người sẽ khỏe mạnh, sống lâu. Theo y học cổ truyền, bàn chân là gốc rễ của cơ thể, là nơi có 6 đường kinh đi đến với hơn 30 huyệt vị châm cứu, chiếm gần 1/10 tổng số huyệt toàn thân. Bởi vậy, xoa bóp bàn chân thường xuyên có ý nghĩa rất lớn đối với sức khỏe.

Kỹ thuật xoa bóp bàn chân rất đơn giản: Sau khi ngâm rửa bàn chân bằng nước ấm, dùng lòng bàn tay xoa lần lượt hai mắt cá, mu bàn chân, gan bàn chân và các ngón chân từ nhẹ đến mạnh, từ chậm đến nhanh, mỗi vùng xoa 50-100 lần. Cuối cùng, dùng ngón tay cái day hai huyệt Dũng tuyền nằm ở điểm nối giữa 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn nối đầu ngón chân thứ 2 với điểm giữa bờ sau gót chân, trong vòng 5 phút.

Xát vùng lưng

Lưng là bộ phận trọng yếu, với hơn 100 huyệt vị liên quan mật thiết đến tất cả các tạng phủ trong cơ thể. Vì thế, xoa xát vùng lưng có tác dụng lưu thông kinh mạch, điều hóa khí huyết, cải thiện chức năng tạng phủ, thư giãn tinh thần, giúp cơ thể khỏe mạnh và trường thọ.

Kỹ thuật xoa xát vùng lưng cũng hết sức đơn giản: sau khi tắm hoặc lau rửa toàn thân bằng nước ấm, dùng khăn gai dài vắt qua sau lưng rồi tiến hành xát ngang và dọc từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ nhẹ đến mạnh với tần số 100-200 lần/phút. Nếu có người khác dùng gốc bàn tay xát cho thì càng tốt, thậm chí có thể dùng dụng cụ gãi ngứa bằng nhựa để tiến hành xát lưng. Sau khi xát, có thể dùng hai ngón tay cái day ấn dọc hai bên cột sống để nâng cao hiệu quả trị liệu.

Xoa bóp loa tai

Loa tai là hình ảnh thu nhỏ của toàn bộ cơ thể, trông giống như một bào thai nằm lộn ngược cuộn mình trong tử cung. Trên một diện tích rất nhỏ (trung bình 15 cm2) mà loa tai có tới hơn 100 huyệt vị châm cứu mỗi bên, tương ứng với tất cả các bộ phận, các cơ quan trọng yếu của cơ thể. Khi một bộ phận hoặc một cơ quan bị bệnh thì huyệt vị tương ứng cũng biến đổi theo - và ngược lại, khi tác động lên một huyệt vị nào đó thì chức năng của cơ quan tương ứng cũng được cải thiện.

Bởi vậy, tiến hành xoa bóp loa tai có ý nghĩa khởi động toàn thân, điều hòa công năng các tạng phủ, làm lưu thông kinh mạch, từ đó giúp cho cơ thể đủ sức phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.

Cách thức xoa bóp loa tai như sau: trước tiên, xát hai bàn tay vào nhau cho nóng lên, rồi dùng lòng bàn tay vò loa tai từ trên xuống dưới, từ trái sang phải. Tiếp đó, dùng hai ngón tay cái và ngón tay trỏ nhẹ nhàng vê vành tai thật kỹ sao cho tai nóng đều lên. Cần lưu ý xoa hết mọi ngóc ngách của tai. Mỗi ngày nên xoa 2 lần, khi tiến hành nên chọn nơi yên tĩnh, toàn thân và tinh thần thư giãn.

Như vậy, con người hoàn toàn có thể kéo dài tuổi thọ. Vấn đề cốt lõi là ở chỗ phải làm thế nào để sống khỏe và sống lâu một cách có hiệu quả.

(Theo Thế Giới Mới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét