Sự thật khiến nhiều người "ngã ngửa" về dầu ăn và mỡ động vật
soha.vn - Phương Nhi |
Theo chuyên gia dinh dưỡng, dùng dầu ăn để chiên, rán ở nhiệt độ cao sẽ không tốt bằng dùng mỡ động vật, thậm chí có thể gây bệnh ung thư.
Không dùng mỡ động vật: Thói quen sai lầm và nguy hại
Hiện nay, không ít các gia đình ở thành thị chủ yếu dùng dầu ăn từ thực vật thay vì dùng mỡ động vật. Tuy nhiên, theo bác sĩ (BS) Hoàng Sầm – Viện trưởng Viện Y học Bản địa Việt Nam, việc không ăn mỡ động vật sẽ rất nguy hại.
"Không ăn mỡ động vật nguy hại vì không cân đối về mặt dinh dưỡng. Vì dầu thực vật không cấu tạo nên vỏ thần kinh được.
Bao myeline cấu tạo nên các tế bào thần kinh, các vỏ bọc của dây thần kinh. Nếu thiếu cái đó sẽ khiếm khuyết về mặt thần kinh, đặc biệt là mắt" – BS Sầm cho biết.
Có lẽ đó là lý do lý giải vì sao những người sinh ra ở miền núi, không hề được tiếp xúc với dầu thực vật, chỉ ăn mỡ lợn, bò, trâu, dê nhưng không ai bị cận thị. Thậm chí, có nhiều cụ già đã ngoài 90 tuổi vẫn xâu kim không kính.
Có thể từ nhỏ cụ già 90 tuổi ấy đã được ăn 1 lượng đủ cholesterol, Sphingosine (2-amino-4-octadecene-1,3-diol) từ mỡ động vật để đủ tạo ra 1 lượng sphingomyelin cấu tạo nên lớp vỏ myeline thần kinh đáy mắt.
Mỡ động vật tốt cho sức khỏe đã được các tài liệu khoa học chứng minh cụ thể.
BS Hoàng Sầm dẫn chứng, trong sách bách khoa thư bệnh học tập 2, nhà xuất bản từ điển bách khoa, bài "Thực Y" trang 418, cố giáo sư y thực Lê Minh đã viết: "Mỡ thực vật và mỡ động vật nên cùng có trong khẩu phần. Tỉ số mỡ động vật và mỡ thực vật nên là 1/1,5".
Bác sĩ này cũng lưu ý,giai đoạn kiến tạo cơ thể của trẻ thì trẻ con nên ăn mỡ động vật là chính, tỉ số mỡ động vật/mỡ thực vật = 70/30.
Sau 35 tuổi trở lên, giai đoạn cơ thể đã trưởng thành tới lúc trung niên, tỉ số mỡ động vật/mỡ thực vật = 50/50. Trên 60 tuổi, giai đoạn người có tuổi, cao tuổi, tỉ số mỡ động vật/mỡ thực vật = 30/70.
"Dầu ăn và mỡ động vật, mỗi cái có ưu, nhược điểm khác nhau, chẳng cái nào hơn cái nào, tùy thuộc từng lứa tuổi, từng giai đoạn" – BS Sầm nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, BS Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định, nếu các gia đình hiện đại thời nay chỉ dùng dầu ăn mà không dùng mỡ động vật là một quyết định sai lầm.
"Thói quen này không tốt, có thể nói là sai lầm. Người lớn ngoài 50 tuổi trở ra bị rối loạn chuyển hóa chất béo như tăng cholesterol thì mới phải kiêng ăn mỡ. Còn trẻ em càng cần phải ăn mỡ" – BS Hải nói.
Hiện nay, nhiều công ty sản xuất dầu ăn tung ra các quảng cáo cảnh báo khiến người dân ngộ nhận rằng, ăn mỡ động vật gây béo phì còn dầu ăn thì đầy đủ dưỡng chất, tốt cho sức khỏe.
Nhưng theo BS Hải, điều này chỉ đúng với các người già, người trưởng thành, còn trẻ em lại ngược lại.
"Trẻ dưới 1 tuổi phải ăn 70% mỡ. Đối với người trưởng thành, khi nào bị cholesterol máu thì mới phải kiêng ăn mỡ chứ bình thường không phải kiêng", bà nhấn mạnh.
Việc người dân thành thị nhiều năm ròng đều "nói không" với mỡ động vật, theo BS Hải, nguyên nhân là do tuyên truyền của chúng ta đến cộng đồng không đúng, chưa đầy đủ và cặn kẽ, dẫn tới việc hiểu sai lệch và vận dụng vào chế độ ăn uống không tốt.
Không biết cách sử dụng, dầu ăn có thể gây ung thư
Theo BS.Hải, trong bữa ăn hàng ngày, dầu chỉ nên dùng để trộn salat hoặc nấu những món ăn không cần nhiệt độ cao. Còn nếu chiên, rán ở nhiệt độ cao thì dầu ăn lại có nhiều tác hại.
Bởi dầu ở nhiệt độ cao chuyển hóa thành chất trans fat, oxy hóa rất độc hại gây nhiều bệnh, trong đó có cả ung thư, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
Trong khi đó, mỡ động vật xào rán ở nhiệt độ cao ít bị biến đổi chất độc hại như dầu ăn.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm) cũng cho biết, thông tin về các loại dầu ăn như dầu hướng dương, dầu đậu nành không tốt sức khỏe, gây ung thư là vừa đúng vừa sai.
Bởi dầu ăn khi chiên rán ở nhiệt độ cao thì mới tạo ra chất độc hại vì dầu sôi ở nhiệt độ cao thì sẽ gây ra biến đổi chất.
"Tôi khuyên người dân khi chiên rán nên dùng mỡ động vật là chất béo chứa hợp chất axit béo không no, ít biến đổi thì sẽ ít tạo thành các chất gây ung thư hơn so với dầu ăn.
Đồng thời, nên hạn chế ăn đồ chiên rán, nếu thích ăn thì nên chiên rán non thôi, không nên rán thật kỹ, thật giòn" – ông Thịnh bày tỏ.
PGS.TS Thịnh khuyên người dân khi chiên rán nên dùng mỡ động vật, vì ít tạo thành các chất gây ung thư hơn so với dầu ăn.
Còn chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải thì khuyên, trong gia đình, nên có cả dầu ăn và mỡ. Dầu chỉ dùng để trộn salat, phục vụ cho món xào còn chiên, rán ở nhiệt độ cao nên dùng mỡ.
"Nhà tôi ăn cả 2, cả dầu, cả mỡ nhưng rất ít. Ai cũng sợ béo nên chủ yếu chỉ luộc, hấp thôi, chứ hạn chế chiên, xào, rán" – BS Hải chia sẻ.
Thêm vào đó, bác sĩ này cho biết, không riêng gì mỡ động vật mà đối với dầu thực vật, nếu ăn nhiều cũng gây nguy cơ béo phì.
Dầu thực vật chứa nhiều acid béo chưa no (chưa bão hoà) và không có cholesterol (ngoại trừ dầu dừa, dầu cọ, dầu ca cao). Mỡ động vật chứa nhiều acid béo no (bão hoà), có khả năng tạo ra cholesterol (trừ mỡ cá thu, cá hồi, cá trích... chứa nhiều omega3 và omega6).
Vì vậy, BS Hải cho hay, nếu không ăn mỡ động vật có thể gây thiếu cholesterol, trong nhiều trường hợp có thể làm thành mạch máu bị mủn, vỡ gây tai biến, đột quỵ cũng giống tăng cholesterol.
Bà nhấn mạnh, cholesterol là thành phần tổng hợp nội tiết tố sinh dục nam. Thiếu cholesterol nhất là đối với trẻ em sẽ không tốt. Ví dụ, tổng hợp Vitamin D3 nội sinh dưới tác dụng ánh nắng mặt trời, phải có cholesterol.
"Nói chung, chúng ta phải ăn cân bằng. Tùy từng lứa tuổi, tỷ lệ dầu – mỡ sẽ khác nhau. Ở người trưởng thành nên ăn 50 – 50 trừ trường hợp có bệnh phải kiêng dầu – mỡ. Trẻ con thì cần mỡ còn người lớn thì ít cần hơn" – BS Hải kết luận.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tim mạch, ung thư và tai biến mạch máu não là ba nhóm bệnh đứng hàng đầu gây tử vong cho con người. Nếu chỉ dùng dầu thực vật mà không sử dụng mỡ động vật thì các tác dụng tốt này của mỡ đối với cơ thể chúng ta sẽ bị suy giảm,nên sẽ có hại cho sức khoẻ của chính bản thân chúng ta.
theo Trí Thức Trẻ
Dầu ăn không thể thiếu trong bếp mỗi nhà, nhưng nếu dùng không đúng cách đó cũng là mối nguy hại cho sức khỏe.
Nên có 2 loại dầu ăn trong bếp
Một loại phù hợp cho chiên, rán như các loại dầu cooking (hỗn hợp) vì có khả năng chịu được nhiệt độ cao trong quá trình nấu nướng. Còn một loại dầu chỉ dùng để sử dụng với những món ăn xào, ướp thực phẩm, ăn sống trực tiếp, làm salát, gỏi như các loại dầu như hướng dương, đậu nành, hạt cải, ô-liu… giúp người sử dụng hấp thu tốt các vitamin A, D, E, K có sẵn trong thực phẩm, bổ sung các acid béo thiết yếu và tăng vị ngon cho thức ăn.
Không nên dùng dầu ở nhiệt độ cao
Khi sử dụng nhiệt độ vượt quá "điểm bốc khói" của dầu ăn, dầu sẽ bị cháy và có mùi khét. Điều này không những phá huỷ thành phần dinh dưỡng trong thức ăn mà còn sản sinh ra peroxide và các chất gây hại cho sức khỏe.
Các bác sĩ khuyên bạn tốt nhất là sử dụng nhiệt độ vừa phải khi nấu nướng, đặc biệt là khi chiên rán, để thực phẩm chín sâu và dầu không bị cháy. Hoặc cũng có thể đổi cách làm đó là để cho chảo thật nóng, sau đó mới cho dầu vào, tiếp đến cho luôn cả thực phẩm cần nấu.
Không tái sử dụng dầu ăn nhiều lần
Nhiều người có thói quen, dầu ăn dùng xong còn nhiều để lưu lại dùng cho bữa sau. Nhưng thực tế, đây là thói quen không tốt cho sức khỏe, bởi khi dầu ăn bị đun nóng nhiều lần, không những chất dinh dưỡng đã mất mà còn xuất hiện một số chất gây hại cho sức khỏe và có thêm cả những cặn thực phẩm sau quá trình đun nấu mà mắt thường không nhìn thấy.
Nếu thường xuyên tái sử dụng dầu ăn, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Ngoài ra, dầu ăn sử dụng lại cũng dễ bị oxy hóa dẫn đến sự thay đổi bất lợi về mùi vị và màu sắc của món ăn.
Thực phẩm khi chiên với dầu mới sẽ cho màu tươi, thơm ngon, còn với dầu sử dụng lại nhiều lần sẽ có màu vàng sậm, không hấp dẫn và không an toàn cho sức khỏe.
Dùng các loại dầu ăn chứa omega 3, 6, 9 cho người già
Những loại dầu thực vật chứa nhiều hàm lượng omega 3, 6, 9 như dầu đậu nành, dầu oliu… có hoạt tính sinh học cao, đóng vai trò chuyển hóa cholesterol xấu trong máu giúp phòng ngừa được các bệnh tim mạch và cao huyết áp ở người cao tuổi.
Bên cạnh đó, người già nên tránh những loại dầu mỡ động vật bởi vì cholesterol và acid béo có trong mỡ động vật sẽ góp phần làm gia tăng lượng cholesterol trong máu, dẫn tới tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và chuyển hóa.
Dùng xem kẽ các loại dầu ăn cho trẻ nhỏ
Nhu cầu về chất béo ở trẻ nhỏ có thể từ 30 - 40% tổng năng lượng khẩu phần để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển rất nhanh chóng trong những năm đầu đời. Trong giai đoạn này, cần cung cấp đầy đủ và đa dạng chất béo cho trẻ từ cả hai nguồn động, thực vật, đặc biệt là DHA, omega 3 có nhiều trong dầu cá hồi và một số loại dầu thực vật.
Vì vậy, nên dùng xen kẽ các loại dầu ăn để cung cấp đa dạng dưỡng chất cho trẻ.
Theo Khỏe & Đẹp
Ngày 20 Tháng 11, 2015 | 08:10 AM
Thực hư chuyện dầu thực vật gây nguy cơ ung thư cao (1):
Giật mình với giá dầu ăn chỉ 17.000 đồng/lít
GiadinhNet - Với quan niệm ăn nhiều mỡ động vật sẽ mắc bệnh nên người tiêu dùng luôn được khuyến cáo nên ăn dầu thực vật thay cho mỡ. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy, dầu thực vật nếu đun nóng trên 180 độ C thì gây nguy cơ ung thư cao hơn mỡ động vật. Nghiên cứu này đã thực sự gây sốc và liệu sẽ thay đổi thói quen ăn dầu mỡ của hàng triệu người?
Người dân hàng ngày vẫn đang bị đầu độc bởi những loại dầu ăn trôi nổi, không nhãn mác. Ở các chợ, nhiều người còn sử dụng dầu "nước hai", dầu đã chiên rán qua nhiều lần để bán hàng khiến sức khỏe người tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dầu ăn "tái sử dụng"
Sáng 19/11, tại chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội), hai phụ nữ trung tuổi đang thoăn thoắt chiên rán thức ăn để chuẩn bị bán hàng cho bữa trưa. Trước mặt các chị, hai chảo dầu đỏ quánh đang sôi sùng sục. Chảo dầu bên phải được chị áo đỏ dùng để rán cá, chảo bên trái rán đậu phụ và chảo ở giữa rán nem. Thỉnh thoảng, chị múc vài thìa dầu từ chảo rán đậu qua chảo cá vì thấy dầu cạn quá. Ở quầy bên cạnh, chị chủ áo đen cũng đang bịt khẩu trang để rán đậu và rán nem. Bên cạnh chiếc bếp lò cáu bẩn, một ruột nồi cơm điện cáu bẩn không kém đang để dưới nền đất nhếch nhác, bên trong để khoảng lưng nồi dầu ăn đỏ quạch. Gần đấy, một quán bún đậu mẹt cũng đang lục sục chuẩn bị bán hàng trưa. Dưới chân chiếc bếp ga công nghiệp đang cháy vù vù là chiếc bình nhựa loại to, đựng lưng bình dầu ăn màu nâu vàng đang được chủ hàng bật nắp để cho vào chảo rán đậu. Chủ cửa hàng ăn này cho biết, có hai chảo rán đậu và rán lòng. Nếu chảo rán đậu dùng còn thừa, có thể vớt hết cặn để ra một ca riêng để dùng rán lòng lợn lần sau. Còn chảo rán lòng thường chỉ cho ít một vì sử dụng không hết sẽ rất khó "tái sử dụng" vì màu dầu thường bị cháy đen và có mùi khét khó chịu.
Theo ghi nhận của PV tại nhiều quầy bán hàng ăn trong khu vực này, hầu hết dầu ăn đều được chủ hàng cho vào bình nhựa, ca nhựa, hoặc các chai dầu ăn loại lớn nhưng không có bao bì và nhãn hiệu. Các loại dầu này hầu hết đều có màu nâu đỏ mà các chủ hàng này vẫn gọi là "dầu ăn nước hai". Chị chủ hàng ăn áo đỏ cho biết, một lít dầu ăn loại tốt giờ bán ra ở chợ khoảng 43.000 đồng. Trong khi mua dầu do các cơ sở tự chế rẻ hơn nhiều. "Các chị có bao giờ chiên rán bằng mỡ lợn để thay cho dầu ăn không?", chúng tôi bắt chuyện. "Thỉnh thoảng tôi vẫn dùng có điều mua loại không phải mỡ thăn cho rẻ. Một kg mỡ thăn loại ngon giờ khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg, rán ra được khoảng 1 lít mỡ. Trong khi, mua dầu ăn "nước hai" rẻ bằng 1/3 nên chị dùng loại này, khỏi phải mất thời gian ngồi đợi rán mỡ", chị chủ hàng cho biết.
Dầu ăn "hai ngăn"
Trong vai một người đang đi tìm mối mua dầu "nước hai" để sắp mở quán bún đậu mẹt ở gần KTX Mễ Trì, tôi được chị áo đen chỉ cho cửa hàng tạp hóa Mạnh Hân ở chợ Phùng Khoang. Quan sát của PV, ngay trước cửa hàng, một loạt các loại can nhựa loại 10L không nhãn mác cáu bẩn, bên trong đựng thứ nước màu nâu đỏ sóng sánh đang để ngay dưới đất. Chúng tôi mở lời: "Em được người quen giới thiệu tới đây mua dầu ăn "nước hai". Các can này là dầu ăn "nước hai" đúng không ạ"? "Chuẩn luôn. Dầu ăn này là hàng nhà máy, hàng của hãng Cái Lân hẳn hoi chứ không phải hàng trôi nổi như một số nơi khác bán đâu. Chị làm ăn lâu dài, mỗi ngày bán hàng chục thùng cho nhà hàng nên giữ uy tín. Nếu nhà hàng cần, cứ cho địa chỉ chị sẽ giao hàng miễn phí", chị Hân cho biết.
Theo giới thiệu của chị Hân, ở đây có rất nhiều loại dầu ăn, chia ra hai ngăn hẳn hoi. Dầu dành cho gia đình ăn hàng ngày được để ở ngăn trên cao, có giá đắt. Khách hàng có thể mua chai nhỏ, chai loại vừa hoặc chiết từ can to ra đều được. Tuy nhiên, giá loại có thương hiệu này "chát" hơn từ 3- 4 lần. Chẳng hạn, có loại đắt ngang giá các hãng sản xuất dầu nổi tiếng 45.000 đồng/lít, các loại khác rẻ hơn chút đỉnh nhưng không dưới 38.000 đồng/lít. Còn ngăn để dưới đất là dầu "nước hai", có màu đỏ đậm hơn rất nhiều và giá cả cực rẻ. Chẳng hạn, loại dầu "nước hai" rẻ nhất ở đây khoảng 85.000 đồng/5 lít, bán nguyên can 10L có giá 170.000 đồng/can. Loại thứ hai được chị Hân giới thiệu "chất lượng hơn" có giá 200.000 đồng/10L. "Dùng loại này thì em khỏi chê luôn. Em xem, màu dầu vàng thế này cơ mà, không phải loại đỏ đậm đâu nhé", chị Hân quảng cáo. Tại khu hàng rau quả ở chợ này, nhiều người cũng bán kèm cả dầu ăn "nước hai". Các loại dầu này đều được để trong những chiếc can vốn đựng nước lọc lavie, aquafina bụi bặm, nắp xoáy sơ sài và cáu bẩn để lăn lóc trên nền chợ nhếch nhác hôi hám. Chủ một quầy rau cho biết, mình bán một can dầu "nước hai", loại 10 L có giá 180.000 đồng. Nếu mua lẻ thì đắt hơn một chút. "Chủ yếu loại này các nhà hàng quán ăn mua thôi. Dầu ăn tra nấu không nhiều nên ít người mua ăn chị ạ", chủ quầy rau cho biết.
Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện, chiên/rán thực phẩm trong mỡ lợn sẽ tốt cho sức khỏe của con người hơn, vì các loại dầu thực vật giải phóng ra nhiều hóa chất độc hại, có thể gây ung thư, bệnh tim và thậm chí cả chứng mất trí, trong khi đun nóng. Theo nhóm nghiên cứu này, trong quá trình đun nấu, các loại dầu thực vật giàu chất béo không bão hòa đa (polyunsaturated fat), chẳng hạn như dầu hướng dương và dầu ngô, sẽ giải phóng ra lượng lớn các aldehyde - những chất có liên quan đến nhiều loại bệnh khác nhau. Dầu ôliu được xem là lựa chọn tốt hơn nhiều để tránh được vấn đề này nhưng bơ, mỡ lợn và dầu dừa còn tốt vượt trội hơn cả dầu ô liu. Các kết luận được rút ra từ hơn 20 năm nghiên cứu nói trên đã đi ngược lại lời khuyến nghị chính thức lâu nay rằng, chúng ta cần tránh dùng chất béo bão hòa (saturated fat) và thay thế chúng bằng chất béo không bão hòa đa.
Hạnh Nguyên/Báo Gia đình & Xã hội
Ngày 23 Tháng 11, 2015 | 10:55 AM
Thực hư chuyện dầu thực vật gây nguy cơ ung thư cao (2):
Thị trường dầu ăn, miếng mồi béo bở
GiadinhNet - Dầu ăn đang là thị trường béo bở của nhiều doanh nghiệp. Ngoài các đơn vị có thương hiệu lâu nay, gần đây một số đơn vị "không liên quan" như: Sản xuất bánh kẹo, mua bán bất động sản… cũng lao vào thị trường dầu ăn khiến người tiêu dùng chẳng biết đường nào mà lần...
Kinh doanh bất động sản cũng sản xuất dầu ăn
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều ngành nghề ngắc ngoải thì báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty trong nhóm ngành dầu ăn nhiều năm gần đây luôn tăng trưởng 20-30%. Cùng với mức tăng trưởng này, báo cáo nghiên cứu về ngành dầu ăn cũng cho thấy cho dù thị phần của nhóm này đã phân chia ổn định, nhưng dự kiến vẫn còn phát triển cao. Nguyên nhân do mức tiêu thụ dầu ăn bình quân đầu người của Việt Nam so với thế giới còn thấp. Trong khi khuyến cáo mức tiêu thụ dầu ăn bình quân để đảm bảo sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới là 14kg/năm thì tại Việt Nam, mức tiêu thụ này chỉ mới khoảng 7 - 9kg/người/năm. Vì vậy, thị trường dầu ăn vô cùng béo bở đang ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Từ một doanh nghiệp chủ yếu kinh doanh BĐS, thủy sản, Tập đoàn Sao Mai (An Giang) đã quyết định kinh doanh sản xuất dầu ăn. Cuối năm 2014, tập đoàn này đã ra mắt thương hiệu Dầu cá Ranee - một thương hiệu dầu ăn từ tinh chất cá tra. Một tập đoàn chuyên sản xuất bánh kẹo là Kinh Đô (KDC) cũng vừa bán cổ phần mảng sản phẩm có thương hiệu 20 năm để lấn sân sang thị trường dầu ăn với sản phẩm dầu cọ đóng chai. Sau khi bán 80% cổ phần bánh kẹo cho tập đoàn của Mỹ, công ty này nhanh chóng chi hàng nghìn tỷ đồng để quyết tâm chiếm lĩnh thị trường dầu ăn. Để gia nhập thị trường, đơn vị này cho biết sẽ tham gia vào tất cả các phân khúc gồm: Mảng dầu ăn công nghiệp, cung cấp cho các nhà hàng - khách sạn và người tiêu dùng trên toàn quốc. Ngoài ra, KDC cũng đang đặt chiến lược sẽ cung cấp nguyên liệu dầu cọ cho các nhà máy khác. Tham vọng của KDC là vị trí Top 3 ngành hàng thực phẩm tại Việt Nam. Được biết trước đó, Công ty cổ phần Dầu thực vật Quang Minh, một doanh nghiệp đa ngành cũng gia nhập thị trường dầu ăn với nhãn hiệu Mr Bean, Oilla, Soon Soon. Đánh giá về thị trường dầu ăn đang phát triển mạnh mẽ, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cho rằng, dầu thực vật đang chiếm cơ cấu gần 29% trong ngành thực phẩm tiêu dùng. Vì thế mảnh đất này vẫn còn rất màu mỡ.
"Hi sinh" sản phẩm vì cạnh tranh khốc liệt
Mặc dù thị trường khá tiềm năng và màu mỡ nhưng do sự cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu dầu ăn, đặc biệt các doanh nghiệp nước ngoài đã khiến nhiều hãng "hy sinh" sản phẩm. Khoảng cuối năm 2013, Công ty Vina Acecook đã ngưng mảng sản xuất dầu ăn mang thương hiệu Đệ Nhất. Lý giải nguyên nhân, đại diện của đơn vị này cho biết, do doanh thu ngành dầu ăn rất bấp bênh vì cạnh tranh gay gắt, mức tiêu thụ dầu ăn lại giảm xuống do xu hướng người tiêu dùng hạn chế đồ chiên, rán.
Đại diện một siêu thị mini tại khu vực chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, hiện có rất nhiều hãng dầu ăn trên thị trường nhưng đơn vị này chỉ bày bán một số sản phẩm dầu ăn đắt khách do tâm lý người tiêu dùng vẫn lo ngại hàng "lạ". Ngoài ra, đơn vị này cũng bán một số sản phẩm dầu ăn nhập khẩu, được quảng bá rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cao cấp. Tại các siêu thị lớn khác cũng có bán dầu ăn mang thương hiệu của siêu thị mình với giá rẻ hơn rất nhiều và khá thu hút người tiêu dùng. Tại siêu thị BigC, loại dầu ăn 2 lít mang thương hiệu siêu thị này chỉ có giá 52.400 đồng. Trong khi dầu ăn Neptune 2 lít có giá 85 nghìn đồng, dầu ăn Simply 2 lít giá 87 nghìn đồng. Tại siêu thị Metro trên đường Phạm Văn Đồng, một chai dầu ăn Aro 5 lít thương hiệu riêng của Metro được bán với giá 121.000đ, rẻ bằng nửa so với các thương hiệu nổi tiếng.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, sản phẩm của các doanh nghiệp ngoại đang có giá rất cạnh tranh. Trong khi đó, các mặt hàng dầu ăn mới ra của một số doanh nghiệp Việt lại có giá thành khá cao. Vì thế, đơn vị nào đưa ra được mức giá hấp dẫn mà vẫn đảm bảo chất lượng thì sẽ được ưu tiên. Đấy là chưa kể một số sản phẩm ít thương hiệu nhưng giá cả chỉ bằng một nửa đang thu hút người tiêu dùng có thu nhập thấp. Ngoài ra,cũng theo chuyên gia này, các doanh nghiệp sản xuất dầu ăn trong nước đang phải bị áp về hàm lượng khoa học công nghệ khiến sự cạnh tranh với đối tượng này là không tránh khỏi.
Cả nước có gần 40 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dầu ăn
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện thị trường có tổng cộng gần 40 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dầu thực vật. Trong đó, dầu cọ chiếm 70% thị phần, dầu nành chiếm 23%, còn các loại dầu thực vật khác chiếm 7%.
Nguyên Hạnh/Báo Gia đình & Xã hội
Ngày 26 Tháng 11, 2015 | 07:30 AM
Thực hư chuyện dầu thực vật gây nguy cơ ung thư cao (3):
Dễ mang bệnh vì dùng dầu thực vật sai cách
GiadinhNet - Dầu ăn vẫn được khuyến cáo sử dụng thay cho mỡ động vật nhằm tốt cho sức khỏe nên nhiều gia đình đã loại bỏ mỡ lợn ra khỏi thực đơn. Tuy nhiên, công bố mới đây của một công trình nghiên cứu kéo dài suốt 20 năm đã khiến nhiều người giật mình: Việc sử dụng hoàn toàn dầu thực vật và dùng chưa đúng cách hàng ngày sẽ có nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng.
Người tiêu dùng hoang mang
Kết luận mới về dầu ăn nói trên được một nhóm các nhà khoa học Trường đại học De Montfort (Anh), rút ra sau 20 năm nghiên cứu. Theo đó, mặc dù mọi loại dầu ăn đều trải qua cùng một phản ứng hóa học khi được đun nóng, nhưng những loại như dầu thực vật (giàu chất béo không bão hòa đa) sẽ sản sinh ra lượng lớn chất aldehyde. Trong khi các loại giàu chất béo không bão hòa đơn tạo ra ít hóa chất độc hại này hơn và những loại dầu, mỡ giàu chất béo bão hòa (như mỡ lợn) sẽ tạo ra ít chất độc nhất.
Theo ghi nhận của PV, nhiều người vẫn chưa nắm được thông tin việc sử dụng dầu thực vật không đúng cách gây độc hại mà nghiên cứu trên đây đã đưa ra. Thậm chí, nhân viên một siêu thị nhỏ trên phố Định Công (Hà Nội) vẫn khuyên chúng tôi nên mua dầu thực vật dùng để tốt cho sức khỏe. Một số ít các bà mẹ có thời gian đọc tin tức trên mạng nắm được thông tin nhưng nhiều người tỏ ra hoang mang. Chị Phạm Thùy Anh (Gia Lâm, Hà Nội) thắc mắc, trước đây nhiều nhà khoa học nói mỡ động vật không tốt cho sức khỏe, gây bệnh này, bệnh kia. Giờ đọc thấy thế này, em hoang mang quá, chả nhẽ ăn chay vậy? Anh Trung Dũng (số 85, phố Nguyễn Lương Bằng, Hải Dương) cho rằng: "Những kiến thức y khoa một mặt tiến triển theo thời gian và một mặt thay đổi theo thời gian. Có những thứ ban đầu người ta thấy tốt nhưng vài thập kỷ sau lại thấy không tốt và ngược lại. Đó cũng là chuyện bình thường. Nói chung mọi thứ đều tương đối và nên chấp nhận bởi đó là tính hai mặt của cuộc sống".
Chị Vũ Thụy (TP Hồ Chí Minh) lại tỏ ra băn khoăn, các nhà khoa học bảo dùng dầu thực vật gây ung thư, nhưng dùng mỡ và bơ lại có nhiều cholesterol gây xơ vữa động mạch thì dùng gì để nấu nướng bây giờ? Chị Tuyết Minh (Khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ, mặc dù có khuyến cáo dùng mỡ động vật không tốt nhưng trước nay chị vẫn dùng mỡ lợn trong bữa ăn hàng ngày. Đơn giản vì chị thích mùi vị ngầy ngậy của nó khi nấu nướng. Chị Tuyết Minh cho hay kể từ nay, chắc gia đình chị vẫn dùng song song hai loại: Dầu thực vật và mỡ động vật. Còn chị Thùy Dương (Hà Giang) cũng cho biết: "Em thấy gia đình bác em ở Hà Nội rất cầu kì, khi ăn thì chỉ ăn thịt nạc, không bao giờ ăn mỡ. Với gia đình em, trước giờ em vẫn mua dầu thực vật nhưng khi có lợn ngon, em vẫn mua mỡ để làm một số món. Đặc biệt hai đứa con, em đều cho ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật do thịt lợn ở đây vẫn còn ít độc hại hơn ở các thành phố lớn".
Trẻ em, người trung niên nên ăn thêm chút mỡ
Giáo sư Martin Grootveld đến từ Đại học De Montfort (Anh), thành viên của nhóm nghiên cứu trên đây cho biết, việc chế biến món cá với dầu ngô hoặc dầu hướng dương chứa lượng aldehyde độc hại cao gấp hơn 200 lần so với ngưỡng giới hạn an toàn hàng ngày theo tiêu chuẩn quốc tế. Một số nhà khoa học khác cũng khẳng định, nếu sử dụng dầu ăn lâu dài sẽ xuất hiện triệu chứng tim đập chậm, huyết áp tăng cao, có thể gây nên bệnh ung thư nguy hiểm đến tính mạng người tiêu dùng. Trong khi đó, mỡ động vật có nhiều chất cholesterol cần thiết cho cấu trúc tế bào, đặc biệt là tế bào thần kinh. Các axit béo no trong mỡ nếu được sử dụng ở mức độ vừa phải sẽ có tác dụng làm bền vững các mao mạch máu, bảo vệ hệ tuần hoàn của cơ thể, dự phòng các xuất huyết não. Mỡ động vật cũng tham gia tạo nên màng tế bào thần kinh, tham gia vào một số men chuyển hóa trong cơ thể và đặc biệt là nội tiết tố sinh dục, tuyến thượng thận...
Theo lời khuyên của BS thuộc Viện Dinh dưỡng Quốc gia, với trẻ em đang tuổi lớn và người ở tuổi trung niên nên ăn thịt, cá có thêm một chút mỡ. Nếu chỉ dùng dầu ăn mà không dùng mỡ thì cơ thể sẽ bị suy yếu. Tốt nhất trong thực đơn, cần phải kết hợp sử dụng cả dầu ăn và mỡ, đặc biệt là đối với trẻ em.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Thực phẩm - Đại học Bách Khoa (Hà Nội), dầu ăn thường được sản xuất từ tinh dầu của các loại thực vật như lạc, mè, đỗ, ô liu hay các loại mỡ động vật như lợn, gà, bò... Các loại dầu này được đăng ký và kiểm soát bởi các cơ quan quản lý thực phẩm y tế. Tuy nhiên, một số nơi đang bán các loại dầu ăn không rõ nguồn gốc có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, nếu dùng dầu thực vật chiên rán ở nhiệt độ cao trên 1800C sẽ sinh ra những chất gây hại như: Andehit, chất oxy hóa… những chất có liên quan đến ung thư, tim mạch và mất trí nhớ. Vì thế, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi lựa chọn dầu thực vật.
Cách phát hiện dầu ăn "bẩn"
Dầu ăn chất lượng tốt có mùi bình thường, đặc trưng rõ rệt của từng loại dầu, không ôi, không hôi, không khê, không khét, không có mùi lạ, mùi khó chịu gì khác. Khi nếm, dầu tốt có hương vị bình thường, không chát, không đắng, không chua. Nếu dầu có phẩm chất cao, hàm lượng nước và tạp chất có rất ít thì sẽ trong suốt. Nếu không trong suốt thì tùy theo độ đục nhiều hay ít, ta có thể đánh giá được phẩm chất dầu thấp hay cao, có hàm lượng nước và tạp chất nhiều hay ít. Để phát hiện pha trộn thêm chất có tinh bột vào dầu ăn, lấy một ít dầu, nhỏ thêm mấy giọt iod vào, sẽ thấy dầu xuất hiện màu xanh lam.
Hạnh Nguyên/Báo Gia đình & Xã hội
Ngày 27 Tháng 11, 2015 | 06:29 PM
Thực hư chuyện dầu thực vật gây nguy cơ ung thư cao (4):
Sự thật về dầu ăn đắt gấp 10 và độc hơn 200 lần
GiadinhNet - Dầu hướng dương, dầu ô liu thuộc dòng "sang chảnh" nhất trong "họ" dầu ăn được quảng cáo là có thể ngăn ngừa ung thư, chống lão hóa… khiến nhiều người đã bỏ ra số tiền cao hơn bình thường nhiều lần để được sử dụng. Và bây giờ họ đang sốc trước thông tin nghiên cứu mới đây từ Anh: Nếu dùng dầu ngô, dầu hướng dương để làm món cá, có thể độc gấp 200 lần so với ngưỡng an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.
Quảng cáo trên trời, giá đắt đỏ
"Tôi nghe nói nếu dùng dầu ô liu, dầu hướng dương để nấu nướng thì giảm được độc tố hơn các dầu thông thường. Vì thế vài năm nay, tôi vẫn phải bỏ số tiền không nhỏ để mua dầu ngoại nhập. Tuy nhiên, giờ đọc trên mạng Internet thấy loại này cũng nguy hiểm gấp nhiều lần khiến tôi rất lo", chị Lê Hạnh (KTT Ngọc Khánh, Hà Nội) chia sẻ.
Theo ghi nhận của PV tại một số siêu thị, dầu ô liu, dầu hướng dương… nhập ngoại có giá khá đắt đỏ với lời quảng cáo "trên trời". Riêng loại dầu olive extra (dầu ăn tinh khiết, loại 1) được quảng cáo là tốt nhất do sử dụng phương pháp ướp lạnh, giữ nguyên được mùi vị và nồng độ a xít cực thấp nên giá cả cũng "siêu chát". Tại một siêu thị chuyên đồ nhập khẩu ở đường Trần Huy Liệu (Hà Nội), một chai dầu ăn olive extra virgin nhập khẩu Tây Ban Nha loại 250ml đang được niêm yết giá 80.000 đồng/chai, đắt gấp 10 lần dầu ăn loại tốt của Việt Nam. Bên cạnh đó, một chai dầu olive extra virgin... (dầu tinh khiết nhập khẩu Tây Ban Nha) loại 500ml cũng được cửa hàng này bày bán với giá 60.000 đồng/chai, đất gấp 3 lần so với dầu ăn loại tốt của Việt Nam.
Nếu tìm trên mạng với tên gọi của loại dầu này, giá bán còn "chát" hơn rất nhiều. Loại dầu extra virgin chai 100ml đang được rao bán trên mạng với giá 80.000 đồng/chai, loại 1.000ml được rao với giá 710.000 đồng/chai. Tất cả đều được nhân viên cửa hàng khẳng định là hàng nhập khẩu Tây Ban Nha và sẽ hoàn tiền 200% nếu phát hiện ra dầu giả. Trong khi đó, một chai dầu ăn loại tốt nhất của Việt Nam bán với giá chỉ khoảng 43.000 đồng /lít. Tại siêu thị H ở Thành Công (Hà Nội), một loại dầu ăn hỗn hợp hướng dương và oliu nhập khẩu từ Nga cũng được bày bán với giá đắt đỏ. Đặc biệt, trên mỗi chai dầu còn có những lời quảng cáo đến "cua trong lỗ cũng bò ra" như: "Dầu ăn hỗn hợp giúp ngăn ngừa ung thư, khả năng chống oxy hóa cao gấp 4 lần so với dầu hướng dương thông thường, rất lý tưởng cho chiên rán nhiều lần"...
Rất lãng phí và độc nếu dùng cho món chiên
Theo anh Hiếu, nhân viên một cửa hàng chuyên bán dầu oliu ở TP. Hồ Chí Minh, sở dĩ giá bán của loại dầu này cao như vậy vì extra được xem là loại dầu cao cấp nhất. Nó tốt cho tim mạch, chống huyết áp cao và chống đột quỵ. Giá của loại dầu này trong 4 năm nay không có biến động nhiều. Tuy nhiên, do giá cả quá cao nên nhiều người chỉ mua loại dầu này cho trẻ em hoặc chủ yếu là dùng trong công nghệ làm đẹp.
Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù các loại dầu trên đây đều vô cùng đắt đỏ nhưng theo một nghiên cứu mới đây của Giáo sư Martin Grootveld đến từ Đại học De Montfort (Anh), việc chế biến món cá với dầu ngô hoặc dầu hướng dương chứa lượng aldehyde độc hại cao gấp hơn 200 lần so với ngưỡng giới hạn an toàn hàng ngày theo tiêu chuẩn quốc tế. Mặc dù mọi người đều cho rằng, chiên xào bằng dầu thực vật sẽ tốt cho sức khoẻ hơn là dùng mỡ động vật. Tuy nhiên, cả mỡ và dầu bị đun nóng đều bị "biến chất", tạo ra các hoạt chất có thể gây bệnh tim hay ung thư, khi vượt quá điểm sôi. Chẳng hạn ở dầu ô liu, mặc dù được mệnh danh là "vua của các loại dầu thực vật" nhưng điểm sôi (bốc khói) của dầu ôliu chỉ từ 160- 190 độ. Trong khi điểm sôi của dầu hướng dương là 225 độ và dầu ngô là 230 độ. Cả hai loại dầu hướng dương, dầu ngô vốn được coi là loại dầu thực vật tốt cho sức khoẻ bởi rất giàu chất béo đa không bão hoà. Tuy nhiên, theo nghiên cứu này, khi bị đun nóng chúng lại tạo ra rất nhiều aldehyde, một chất độc gây ung thư, bệnh tim mạch hay mất trí nhớ khi ăn hay hít phải dù với lượng ít, với lượng cao hơn quy định của WHO tới 20 lần.
Theo PGS TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm (ĐHBK Hà Nội), trước đây chúng ta cho rằng dầu thực vật tốt cho sức khỏe, bây giờ điều đó vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, dầu thực vật nếu dùng để chiên rán ở nhiệt độ cao thì không tốt vì a xít béo không no bị biến đổi rất nhanh và rất độc hại. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo không nên ăn nhiều đồ chiên rán vì không tốt cho sức khỏe. Khi cần phải chiên rán, tốt nhất nên dùng mỡ động vật hoặc dầu dừa vì hai loại này có hàm lượng a xít béo không no rất cao và khi đun nóng ở nhiệt độ cao thì việc biến đổi thành chất độc sẽ ít hơn so với dầu thực vật. Về việc dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu mè là những loại dầu rất quý, nếu khi sử dụng ở nhiệt độ thấp như trộn sa lát, cho vào canh... thì hàm lượng dinh dưỡng rất cao và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu dầu này mang ra để chiên rán ở nhiệt độ cao không những rất phí mà cũng giống các loại dầu thực vật khác, nó dễ biến đổi thành chất độc hơn so với mỡ động vật. Vì vậy, theo khuyến cáo của các nhà khoa học, tốt nhất, với các loại dầu thực vật trên đây, chỉ nên sử dụng ở nhiệt độ thấp và không nên mang ra chiên rán. Đồng thời, tốt nhất là không nên ăn nhiều đồ chiên rán vì rất nguy hại cho sức khỏe.
Nên cho trẻ em ăn mỡ lợn
Bà Lê Thị Hợp, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam: "Với trẻ em nên cho ăn mỡ lợn tốt hơn dầu ăn vì trong quá trình sinh trưởng, các con cần xây dựng các mô mỡ. Còn dầu ăn chỉ tốt cho những người bị bệnh béo phì, tim mạch…
Hạnh Nguyên/Báo Gia đình & Xã hội
Một chảo dầu chiên 20 lần, hãy tránh xa!
TTO - Không phải bà nội trợ nào cũng có kiến thức cơ bản về chất béo. Điều đơn giản tôi biết được là chất béo thì làm mình béo lên. Nếu có thể thì không ăn chất béo hoặc cụ thể là đồ chiên nữa để giữ gìn vóc dáng thon gọn.
Món ăn vặt chiên ngày càng thu hút giới trẻ - Ảnh: Ngọc Loan |
Chiên đi chiên lại không dưới 20 lần
Trên đây là chia sẻ của chị Lê Thị Kiều Chinh (37 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) khi đang chọn dầu ăn trong một siêu thị. Tiêu chí chọn dầu để chế biến chủ yếu là dựa vào thói quen.
Chưa kể hiện nay, xu hướng ăn đồ chiên đang bao vây lấy giới trẻ khi các quầy hàng thức ăn nhanh và ăn vặt bao vây trường học.
Sau giờ tan học buổi chiều, rất đông học sinh, sinh viên kéo đến cửa hàng bán cá viên, bò viên, tôm viên chiên trên đường Võ Thị Sáu (Q1). Do giá cả phù với túi tiền, chỉ từ 3 đến 20 ngàn, nên đa phần các bạn gọi cả một đĩa to đủ loại đồ ăn chiên.
Một sinh viên trường ĐH KHXHVNV cho biết: "Mình và bạn bè thường rủ nhau đến đây ăn, gọi một đĩa thập cẩm các loại chiên là ăn đã đời luôn. Mỗi đứa chỉ hết tầm 30 ngàn là nhiều. Ở đây giá cũng rẻ hơn nhiều nơi khác mà ăn lại ngon. Kì thực ai cũng biết hầu như các cửa hàng đều sử dụng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần. Nhưng khuất mắt trong coi thì mọi người tạm thời quên đi vài sự thật khủng khiếp".
Món chiên thập cẩm là món khoái khẩu của nhiều bạn trẻ - Ảnh: Minh Huyền |
Một chảo dầu được chiên đi chiên lại tới mức ngả sang màu nâu đen sậm ở đáy trên đường Sương Nguyệt Anh (Q1) cũng liên tục có khách hàng đến ăn hoặc mua về. Chúng tôi đếm người bán hàng chiên cá viên không dưới 20 lần mà vẫn chưa thay dầu ăn mới.
Bao quanh trường học là chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh mà đa phần là đồ chiên. "Do phải đi học thêm gấp nên đón em từ trường đến nhà cô thì ba thường mua gà rán. Nó cũng ngon và tiện lợi, giải quyết được cơn đói. Ăn xong nghĩ lại thấy ngán nhưng khi đói thì vẫn cứ thèm", Trần Tuyến T. (học sinh trường THPT Nguyễn Du, Q.10) cho biết.
"Học sinh ngày nay đầu to, mắt cận, bụng phệ, mắt lờ đờ nhiều lắm. Chúng đã tự nguyện nạp một lượng chất béo vào người bằng những món được xem là khoái khẩu như gà rán, khoai rán và cả bánh snack. Tôi phải nói rằng, đó là một mảnh đất màu mỡ, béo bở đầy mê hoặc", bà Lâm Thị Hoan (65 tuổi, ngụ quận 3) than phiền.
Chảo dầu sau khi chiên bánh tiêu liên tục từ chiều tới tối - Ảnh: Ngọc Loan |
Hiểu đúng về chất béo
Chất béo gồm có 4 loại. Thứ nhất là chất béo no (chất béo bão hòa) tồn tại dạng đặc ở nhiệt độ thường. Chất béo này có trong mỡ động vật, sữa, bơ, một số loại dầu thực vật của cây nhiệt đới (dầu dừa, dầu cọ). Chất béo no có tác hại là làm tăng lượng mỡ xấu trong máu.
Thứ hai là chất béo không bão hòa đơn tồn tại dạng lỏng ở nhiệt độ thường. Chất béo này có trong dầu olive, dầu đậu phộng, dầu hạt hạnh nhân và mỡ của các loài cá sinh sống ở dòng biển lạnh (cá hồi, cá ngừ). Trong 4 loại chất béo thì chất béo không bão hòa đơn được xem là tốt nhất vì nó làm giảm lượng mỡ xấu trong máu và không ảnh hưởng tới lượng mỡ tốt trong máu.
Thứ ba, chất béo không bão hòa đa cũng tồn tại thể lỏng ở nhiệt độ thường. Nó có nhiều trong dầu mè, dầu bắp, dầu đậu nành, dầu hướng dương. Chất béo này sẽ làm giảm cả lượng mỡ tốt lẫn xấu trong máu.
Cuối cùng là chất béo chuyển hóa (transfat) được hình thành trong quá trình xử lí dầu ăn thành bơ thực vật hoặc một số loại dầu ăn chế biến thức ăn công nghiệp (như: mayonnaise, gà rán, ham-bơ-gơ, khoai tây chiên, bánh snack, mì gói loại chiên qua dầu). Transfat có tác hại là làm giảm lượng mỡ tốt và tăng lượng mỡ xấu trong máu.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương (trái) - Ảnh: Hữu Khoa |
Theo bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, trưởng Đơn vị Tiêu hoá can thiệp BV Nguyễn Tri Phương, giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, lượng chất béo bão hòa và chất béo không bão hòa đa không nên vượt quá 10% tổng năng lượng của một ngày (khoảng 50 gram thịt ba rọi hoặc 20 ml dầu ăn như dầu mè, bắp, đậu nành hoặc hướng dương). Chất béo không bão hòa đơn thì không nên vượt quá 15% tổng năng lượng một ngày (khoảng 25 ml dầu olive).
Đặc biệt, đối với người mắc các bệnh tim mạch, cao huyết áp hoặc mạch vành tim, khẩu phần ăn mỗi ngày nên giảm bớt lượng chất béo (giảm khoảng 50%) so với người bình thường, nhất là chất béo bão hòa. Trong đó, chất béo không bão hòa đa và chất béo bão hòa không vượt quá 5% và chất béo không bão hòa đơn không vượt quá 15%.
Riêng những người ăn chay thì có thể sử dụng dầu dừa hoặc dầu cọ để bổ sung chất béo bão hòa.
Chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa đa và đơn nên được thay đổi luân phiên cho nhau. Trong đó, ưu tiên chất béo không bão hòa đơn và không dùng chất béo chuyển hóa (transfat).
Thức ăn chỉ nên chiên vừa chín tới và thấm hút bớt dầu ăn - Ảnh: Minh Huyền |
Cũng theo bác sĩ Phương, với những nơi sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ sinh ra chất béo chuyển hóa. Ngoài ra, các vụn, cặn màu đen (hợp chất amin dị vòng) trong dầu chiên nhiều lần cho dù lọc qua nhiều lớp giấy hay đồ lọc thì cũng không thể sạch hoàn toàn. Các chất này sẽ tấn công tế bào trong cơ thể làm hỏng cấu trúc ADN. Hiểu đơn giản là đột biến gen và có nguy cơ gây ung thư nhất là các ung thư hệ tiêu hóa (ruột già, dạ dày, tụy, gan…). Ngoài ra, dầu ăn chiên nhiều lần rồi để lâu sẽ bị biến chất hoặc sinh ra các mùi hôi do các phản ứng hóa học.
Các nhà khoa học khuyến cáo rằng lượng chất béo chuyển hóa chỉ chiếm không quá 1% tổng năng lượng một ngày thì hầu như ít gây hại cho cơ thể.
Để đảm bảo sức khỏe mà vẫn tiết kiệm, người nội trợ có thể sử dụng lại tối đa ba lần dầu để chiên hoặc xào trong cùng một bữa ăn. Nên cho một lượng dầu vừa đủ chế biến, tránh trường hợp cho thật nhiều dầu rồi chiên xào nhiều lần liên tục hoặc để dầu từ bữa này sang bữa khác.
|
|
ăn đậu phụ có bị vô sinh không theo PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ở nước ta thì đậu phụ có hàm lượng cao daidzein và genistein, kích thích nội tiết tố nữ estrogen, nhưng estrogen thực vật trong đậu nành không gây hại cho người dùng. Vì vậy, nam giới sử dụng đậu nành hoặc đậu phụ vẫn không bị ảnh hưởng.
Trả lờiXóaăn đậu phụ nhiều có mập không Đậu phụ được làm từ đậu tương, là món ăn thường thấy trong mâm cơm của mỗi gia đình. Bạn có thể chế biến thành món đậu phụ luộc, đậu phụ rán hay sốt cà chua. Tuy nhiên, ăn đậu phụ có mập không
ăn đậu phộng rang có mập không Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí International Journal of Epidemiology đã chỉ ra rằng việc ăn mỗi ngày một nửa nắm tay đậu phộng hoặc các loại hạt nào đó, có thể bảo vệ cơ thể, ngăn ngừa được
Ăn đậu phộng có nóng không có nổi mụn không
tác dụng của đậu phộng luộc Đậu phộng vốn được biết đến như một loại lương thực giàu chất dinh dưỡng, được rất nhiều người ưa chuộng. Đậu phộng không chỉ được được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, đậu phộng còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe mà bạn có thể chưa biết.